Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Loại quả xưa rụng đầy gốc nay được ưa chuộng, là đặc sản đắt đỏ nhà giàu "săn lùng", 350.000đồng/kg

Cây mắc khén vốn là cây mọc dại trong rừng, ra quả từng chùm, bé li ti, nay là một loại gia vị đặc sản Tây Bắc có giá đắt đỏ, các nhà hàng lùng mua để chế biến món ăn.

Trong những loại gia vị ẩm thực nổi tiếng của vùng Tây Bắc, ngoài hạt dổi, quả mắc mật, còn có hạt mắc khén. Cũng giống như hạt tiêu của người Kinh, mắc khén thường được người dân tộc miền núi dự trữ trong gian bếp nhà mình, kết hợp với hạt dổi để làm gia vị trong hầu hết các món ăn.

 Mắc khén là loại gia vị nổi tiếng của vùng Tây Bắc

Mắc khén được ví như là linh hồn của các món ăn dân tộc như chẩm chéo, tẩm ướp thịt trâu, bò gác bếp, lạp xưởng, cá nướng, tiết cánh dê... giúp các món ăn thêm lạ miệng và có mùi thơm nức mũi. Loại hạt này được xem là món quà quý giá của núi rừng Tây Bắc, giống mùi cam nhưng thoang thoảng hơn, dễ chịu hơn, khi ăn có vị cay cay, tê đầu lưỡi chứ không cay nồng như hạt tiêu.

Hạt mắc khén được thu hoạch từ cây mắc khén đã nhiều năm tuổi, là một loại cây giải, thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm. Cây mắc khén có thân gỗ có hoa (giống hoa xoan), có gai, cao từ 8-10m mọc tự nhiên trong rừng, phổ biến ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang….

Cây mắc khén ra hoa từ tháng 6 đến 7, quả chín vào tháng 10 – 11 dương lịch. Quả mắc khén hình tròn, hạt hình cầu khi chín mắc khén có màu đen óng. Cây này có gai ở thân nên để thu hoạch, người dân thường dùng người dân thường dùng cây dài có đầu vợt để quèo hái xuống.

 

 Hạt mắc khen đảo vài phút là tỏa mùi thơm nồng

Anh Bảo (ở Cao Bằng) cho biết, trước đây cây mắc khén mọc ở trong rừng, người dân tộc thường vào rừng hái về để làm muối chấm, làm gia vị cho các ăn truyền thống. "Lúc đó, cây mắc khén rất nhiều, đến mùa hạt còn rụng đầy gốc. Còn giờ đây, cây trong tự nhiên ngày càng ít đi, nhưng loại hạt này lại rất có giá trị, nhiều người lùng mua nên người dân đã tự trồng để thu hoạch rồi bán ra thị trường", anh Bảo chia sẻ.

Hạt mắc khén đạt hương vị thơm ngon nhất khi còn tươi nhưng sẽ không bảo quản được lâu nên bắt buộc phải sơ chế sau khi thu hoạch. Rang hoặc phơi khô được xem là hai phương pháp sơ chế đúng cách và phổ biến nhất, với phơi khô thì chỉ cần phơi ở những nơi râm mát hay treo lên gác bếp đến khi khô lại là có thể dự trữ và sử dụng lâu dài. Trên thị trường, hạt mắc khén khô được bán với giá lên tới 350.000 đồng/kg.

"Trên thị trường có nhiều loại hạt mắc khén, mọi người nên tìm ở những địa chỉ uy tín, đừng ham rẻ để mua phải hat kém chật lượng, hoặc hạt bị trà trộn. Thậm chí, không ít địa chỉ bán hạt mắc khén đã phun thuốc ủ hóa chất để tránh tình trạng ẩm mốc, điều này gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Ai bán cũng giới thiệu hạt xịn, thơm, cay nồng, nhưng nếu không quen biết, hoặc không được xem tận mắt thì khó có thể mua được hàng chuẩn", anh Bảo chia sẻ.

 Trên thị trường, mắc khén khô có giá tới 350.000 đồng/kg

Vì mang lại giá trị kinh tế, những năm gần đây, nhiều hộ đã trồng loại cây này và mang lại nguồn thu đáng kể. Chị Quàng Thị Doan (ở bản Bỉa, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) cho hay: "Gia đình tôi trồng mắc khén ở rẫy. Loại cây này khá dễ trồng, không kén đất, đất bạc màu, cằn cỗi... đều có thể trồng được, hơn nữa nó lại không bị dịch bệnh, không tốn công sức và chi phí như những cây trồng khác".

Hạt mắc khén sau khi thu hoạch được các thương lái, nhà hàng thu mua, hạt tươi có giá 90.000-120.000 đồng/kg, hạt khô giá đắt gấp đôi. Sau mỗi vụ thu hoạch hàng năm, gia đình chị có lãi vài chục triệu đồng từ việc bán hạt mắc khén.

Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn