Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bát nháo thị trường đông trùng hạ thảo

Thiếu chính sách cung ứng sản phẩm chất lượng cùng chế tài quản lý đang khiến công tác kiểm soát thị trường đông trùng hạ thảo gặp nhiều khó khăn.

Tọa đàm trực tuyến "Thị trường Đông trùng hạ thảo Việt Nam - Minh bạch và Phát triển"

Đông trùng hạ thảo là sản phẩm thu được từ sự kết hợp hoàn hảo ấu trùng bướm thuộc chi Thitarodes Viett với nấm Ophiocordyceps Sinensis (thuộc nhóm nấm Ascomycetes), dược liệu này còn được dân gian gọi với nhiều cách khác nhau như trùng thảo, nấm trùng thảo, hạ thảo đông trùng...

Hình dạng của chúng nửa giống động vật với thân của ấu trùng bướm, nửa giống thực vật với phần nấm ký sinh được mọc lên từ thân ấu trùng. Dược liệu tự nhiên này thường xuất hiện tại những vùng núi cao trên 3000m so với mặt nước biển tại Tây Tạng, Butan… những nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Lý giải về cái tên “đông trùng hạ thảo”, Phó Cục trưởng - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Lê Văn Giang cho rằng, theo dân gian, mùa đông là con trùng ngọ nguậy (đông trùng) còn mùa hè là cây nấm mọc ra quanh thân cây (hạ thảo). Theo ông, Việt Nam hiện có nhiều cơ sở nuôi dạng nấm hoàn toàn nhưng không có nhộng trùng đó mà chỉ đơn thuần là nấm. 

 Thị trường đông trùng hạ thảo còn phát triển khá lộn xộn. (Ảnh minh hoạ)

Trên thị trường Việt Nam những năm gần đây, loại dược phẩm này được rao bán tràn lan trên thị trường, với nhiều lời quảng cáo hấp dẫn cũng như công dụng thần kỳ như: Cải thiện sức khỏe, giảm mệt mỏi và suy nhược, tăng cường sức đề kháng, cải thiện chức năng não bộ, ức chế các tế bào ung thư, trị mất ngủ, cải thiện chức năng sinh lý, làm đẹp, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý…với giá thành mỗi nơi mỗi khác, chất lượng khó đảm bảo.

Tinh vi hơn, các sản phẩm đông trùng hạ thảo xuất hiện trên thị trường dưới nhiều dạng như dạng tươi, dạng khô. Các dạng thành phẩm như viên nén, viên nang, dạng nước… được bày bán trên thị trường với mức giá rất cao.

Được biết, giá xuất xưởng của đông trùng hạ thảo loại bình thường lên đến hơn 50 triệu đồng/kg. Đến tay người tiêu dùng, giá này tăng thêm 50% hoặc hơn. Vì giá trị cao ngất ngưởng nên đông trùng hạ thảo là loại dược phẩm cao cấp được làm giả nhiều nhất. Nếu người tiêu dùng không có kinh nghiệm thì rất khó nhận biết đâu là hàng thật và đâu là hàng giả.

“Giá cả của đông trùng hạ thảo đang tạo ra mê trận với người dùng. Giá bán một số nơi từ 1-2 triệu đồng/lạng nhưng có doanh nghiệp cạnh tranh bán chỉ 3,5 triệu đồng/kg, tức là chỉ 350 nghìn đồng/lạng, thấp gấp 3-6 lần doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, hàm lượng cao bất thường trong sản phẩm đông trùng hạ thảo cũng cho thấy thị trường phát triển còn khá lộn xộn, ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính” - ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao DKM chia sẻ.

Trên thực tế, về công bố sản phẩm, bao giờ cũng có phiếu kiểm nghiệm đánh giá hàm lượng adenosin và cordycepin để đánh giá sản phẩm đó có cái để mà gọi là đông trùng hạ thảo hay không, có bao nhiêu thì được gọi là đông trùng hạ thảo? “Tuy nhiên, câu chuyện xác định đó hiện còn gặp khó khăn. Vì Việt Nam hiện chưa có quy định về hàm lượng nhộng trùng. Có ý kiến là 1% với những nguyên nhân xuất phát từ vùng trồng. Tuy nhiên, chúng tôi tham khảo tiêu chuẩn của Trung Quốc lại cho là nhỏ hơn 10 lần. Do đó, có sự khác biệt trong xác định hàm lượng giữa Việt Nam và các nước như Hàn Quốc hay Trung Quốc”- Phó Cục trưởng - Cục An toàn thực phẩm cho biết.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, Việt Nam hiện chưa có quy định có tính chất pháp lý về hàm lượng nhộng trùng nên chưa đủ cơ sở xác định từng loại sản phẩm thế nào là đông trùng hạ thảo. Ông Giang đề nghị: “Việc dựa vào chỉ số adenosin cũng có thể bị lẫn với các loại nấm tại Việt Nam. Do đó, cần có sự phân biệt đông trùng hạ thảo loại A, loại B để phân biệt hàm lượng trong từng loại để đưa ra cái tên cho đông trùng hạ thảo…”.

Đứng từ góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Văn Giang, Phó Cục Trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, cơ quan chức năng có phiếu kiểm nghiệm đánh giá hàm lượng adenosin và cordycepin để đánh giá sản phẩm đó có được gọi là đông trùng hạ thảo hay không và có bao nhiêu thì được gọi là đông trùng hạ thảo.

Ngoài ra, các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, để người tiêu dùng chấp nhận và tin dùng sản phẩm đông trùng hạ thảo, bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư việc tự kiểm định chất lượng. Bản thân doanh nghiệp có chủ động đánh giá chất lượng sản phẩm của mình thì người tiêu dùng mới nhìn vào đó để tin và dùng sản phẩm này được.

Tác giả: Ngọc Hiếu - Bình An

Nguồn tin: phapluatplus.vn