Trường "xịn" - nỗi khao khát dẫn tới những lầm tưởng của sinh viên
- 14:03 18-04-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đeo trên cổ chiếc thẻ sinh viên của một ngôi trường "danh giá" là cảm giác rất đáng tự hào nhưng liệu nó có thực sự đáng để ước ao khi mà bạn trẻ phải gồng gánh quá nhiều?
Sự thỏa mãn nhất thời của bản thân
Từng có những ngày tháng chật vật trong kỳ tuyển sinh vào một trong những trường đại học đắt đỏ tại Thủ đô, Vũ Mai P. (sinh năm 2002, quê Thanh Hóa) đã có thời gian nhìn nhận lại chính mình và thay đổi quyết định một cách choáng ngợp.
Mai P. chia sẻ: "Vào kỳ tuyển sinh cách đây 2 năm, bản thân mình là một học sinh lớp chọn của trường, nhìn các bạn xung quanh ai ai cũng định hướng cho mình vào những trường xịn, hơn nữa trong lớp mình, đa phần các bạn đều học giỏi và xuất thân từ những gia đình có điều kiện nên mình vào thời điểm đó cảm thấy rất tự ti và ghen tị".
Thí sinh căng thẳng trong phòng thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: minh họa). |
Mai kể: "Vào lúc đăng ký nguyện vọng, mình quyết định đặt mục tiêu thi vào ngành Digital Marketing của một trường đại học có học phí khá đắt tại Hà Nội giống một số bạn trong lớp. Bố mẹ chỉ hy vọng sau mình có cuộc sống ổn định nên sẽ cố gắng cho mình ăn học, nhưng dần dần mình nhận ra gia đình mình gồng gánh học phí quá vất vả. Bản thân mình cũng chẳng có kỹ năng kinh nghiệm gì, nguyện vọng thi vào ngôi trường đó mình chỉ là nhất thời. Thú thật vào khi ấy mình còn viển vông, không chấp nhận hiện thực, song thật sự bất lực trong ánh mắt của bố mẹ.
Mình thay đổi quyết định cũng khá vội vàng, gần sát ngày thi mình mới dành thời gian ngồi nói chuyện, trình bày với bố mẹ về việc chọn lại trường. Bố mẹ từ trước đến giờ luôn tôn trọng suy nghĩ, quyết định và luôn luôn lắng nghe mình. Mẹ an ủi rằng quan trọng là học thế nào còn con học ở đâu là do bản thân mình quyết định. Mọi chuyện cứ diễn ra nhanh một cách choáng ngợp và rồi mình cứ thế trở thành sinh viên của ngôi trường gần nhà".
"Tuy giờ đây, mỗi khi lướt Facebook thường thấy bạn bè chia sẻ về trải nghiệm của họ ở trường đại học tại Thủ đô, thoáng chốc mình vẫn có gì đó ghen tị. Nhưng khi nhìn lại, mình tin rằng quyết định của bản thân vào thời điểm đó là chính xác.
Ở một môi trường hoàn toàn khác nhưng mình thỏa mãn với những trải nghiệm, bài học mình có được cũng rất quý giá, mình cũng tìm được rất nhiều niềm vui khi được học tập sinh sống tại quê nhà. Mình nhận ra rằng, không phải thứ gì đắt đỏ, "sang chảnh" mới có thể làm mình hạnh phúc mà hạnh phúc là không phải vướng bận về bất cứ điều gì", Mai P. chia sẻ thêm.
Không trở thành một sinh viên của ngôi trường "xịn" nhưng có định hướng rõ ràng, thỏa mãn với những gì mình có, Mai P. đã và đang cố gắng phát triển bản thân và chăm sóc bố mẹ tại quê nhà. Điều này chứng tỏ rằng, sự hào nhoáng chỉ là nhất thời, lựa chọn đúng đắn và định hướng tương lai rõ ràng mới khiến bản thân bạn trở nên tỏa sáng.
Cái mác sinh viên "xịn sò"
Bạn Trần Văn T. (sinh năm 2002, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 tại Hà Nội) chia sẻ câu chuyện: "Mình có một bạn nam học cùng lớp cấp 3. Cậu ấy trước kia là một học sinh có thành tích học tập tốt trong lớp. Với tính cách tự cao, cậu ấy luôn khoe khoang về gia đình khá giả cũng như thành tích học tập của bản thân với bạn bè trong lớp. Đợt diễn ra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), cậu ấy khá tự tin rằng sẽ dành được suất vào ngôi trường đại học đắt đỏ để khiến các bạn phải trầm trồ.
Và đúng như kỳ vọng của cậu bạn đó, với thành tích tốt cậu ấy được tuyển thẳng vào một trường đại học xa xỉ và nổi tiếng. Bạn bè, người thân, ai ai cũng tỏ ra ngưỡng mộ cậu ấy vào thời điểm đó, và ngay cả mình cũng vậy.
Cho đến dịp Tết chúng mình tổ chức đi thăm cô giáo cũ, cả lớp ai ai cũng tranh thủ chia sẻ với cô về những câu chuyện đại học, nhưng khi hỏi đến cậu bạn ấy, dường như trên khuôn mặt cậu ấy không còn vẻ tự cao của ngày trước, cũng không nhìn thấy sự hứng thú khi chia sẻ về trường mình.
Cậu ấy nói rằng môi trường cậu ấy học quá áp lực, áp lực từ bạn bè khi ai ai cũng giỏi giang và cũng áp lực vì môi trường học tập khắc nghiệt. Vì vậy cậu ấy cũng cần nỗ lực rất nhiều. Đôi khi, cậu ấy đã ước bản thân được lựa chọn lại để bản thân có thể tìm được môi trường dễ chịu hơn. Tuy nhiên cậu ấy vẫn chấp nhận đánh đổi và nỗ lực vì chỉ có như vậy mới có thể thành công trong công việc sau này.
Qua câu chuyện của bạn ấy, mình cho rằng các trường đại học "xịn sò" là một nơi có chất lượng giáo dục tốt nhưng môi trường ở đó cũng sẽ rất áp lực. Chính vì vậy, khi học trường "xịn", sinh viên sẽ phải dành sức lực, trí tuệ và phải nỗ lực thật nhiều để thành công trong môi trường đó chứ không phải đến với môi trường đó thì người ta sẽ tự nhiên giỏi hơn".
"Trường xịn" hay không có thực sự quan trọng?
Nguyễn Hoài N. (sinh năm 2000) từng là sinh viên năm Nhất của một trong những ngôi trường nổi tiếng về lĩnh vực công nghệ thông tin chia sẻ: "Thời gian trúng tuyển vào đại học, mình nhận được rất nhiều lời tán dương của người thân, bạn bè nên dần trở nên ngạo mạn, còn có chút tỏ ra "khinh" những bạn không học những trường danh tiếng.
Nhưng khi vào học, mình mới nhận ra mình không thực sự phù hợp với nơi này. Thời gian ấy, bản thân mình cũng đã cố gắng học tập, trau dồi thêm để có thể hòa nhập tốt hơn. Tuy nhiên, ngoài vấn đề học lực, vấn đề liên quan đến kinh tế đã làm mình phải đắn đo rất nhiều và cũng là nguyên nhân chính cho việc mình quyết định từ bỏ và thi lại vào một trường đại học tầm trung tại Hà Nội sau một thời gian dài đấu tranh".
Cảm thấy thất bại vì môi trường không phù hợp, Hoài N. quyết định bắt đầu lại. (Ảnh: DT) |
"Sau 3 năm học tại ngôi trường mới, mình tìm được đam mê thực sự, ngôi trường mà mình chưa từng nghĩ sẽ đặt chân tới lại cho mình rất nhiều thứ. Đó là kiến thức, kinh nghiệm, bài học quý giá, bạn bè và cả một công việc mà mình yêu thích.
Chính vì vậy mình nghĩ rằng, không quan trọng bạn học trường nào mà quan trọng là bạn có tìm được đam mê, giá trị chân chính của bản thân hay không. Môi trường tốt là điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng môi trường phù hợp với mình mới là môi trường tốt nhất.
Thay vì lãng phí thời gian, tiền bạc, tuổi trẻ cho "sĩ diện hão" nhất thời thì tập trung tìm kiếm một môi trường phù hợp mới là điều quan trọng. Bởi sự đánh giá của người ngoài không quan trọng bằng tương lai của mình. Một cuộc sống ổn định và thành công trên con đường mình lựa chọn mới chính là đích đến của hạnh phúc", Hoài N. nói.