Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghị lực phi thường của cậu bé "chim cánh cụt"

Thiếu vắng đôi tay từ khi sinh ra, song không chấp nhận đầu hàng số phận, Nguyễn Đông Khải tập làm mọi việc bằng đôi chân nhỏ bé. Nghị lực sống mãnh liệt của em truyền động lực, cảm hứng tới mọi người xung quanh.

 Khải được cô giáo tận tình hướng dẫn.

Sinh ra đã khiếm khuyết

Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng nằm nép mình ở thôn Phủ (xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành - Bắc Ninh), góc học tập của Nguyễn Đông Khải, lớp 3D Trường Tiểu học Ninh Xá vẫn sáng đèn. Ngồi lặng trước bàn học của con, anh Nguyễn Văn Thịnh, bố của Khải nhớ lại, cách đây 8 năm, vợ anh trở dạ, sinh con. Chuẩn bị đón người con thứ hai nên vợ chồng rất phấn khởi, sốt sắng mua quần áo mới, dọn dẹp nhà cửa…

Nhưng ngày Khải cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc khiến cả gia đình cảm thấy bàng hoàng và xót xa. Thân thể cậu khi ấy nhỏ bé, yếu ớt và thiếu mất đôi cánh tay. Thương con đến cháy lòng, vợ anh Thịnh chỉ còn biết nuốt lệ, động viên nhau cố gắng nuôi con.

“Lúc vợ mang thai, tôi thường xuyên động viên, chăm sóc, tận tình. Vợ thích ăn uống gì, mình đều phục vụ chu đáo như lần vợ mang bầu con đầu. Nghe ai nói có cái gì tốt để chăm con sắp chào đời, mình tìm mua bằng được. Khi đi khám thai, kết quả siêu âm bình thường. Vậy mà!...”, anh Thịnh nói ngắt quãng.

Ông Nguyễn Văn Mỵ (ông nội Khải) bùi ngùi cho biết thêm, em sinh ra trong gia đình có 3 anh em nhưng không ai bị dị tật bẩm sinh như thế.

“Nhìn thấy cơ thể cháu bị dị tật, ông bà ngoại và mẹ cháu đã khóc rất nhiều. Vừa thương cháu vừa thương các con, tôi chỉ biết động viên và chăm sóc bọn trẻ. Gia cảnh khó khăn, neo người nhưng dù cháu sinh ra có thế nào, gia đình cũng quyết tâm chăm sóc và nuôi nấng cháu lớn lên thành người. Cháu trai khiếm khuyết ở tay nhưng khỏe mạnh trí óc là gia đình tôi cũng yên lòng…”, ông Mỵ nói.

Nhìn cháu trai đang học bài, ông Mỵ bày tỏ chỉ mong có nhiều sức khỏe đồng hành với cháu nhìn Khải trưởng thành. “Ở tuổi 70 tôi chỉ mong ông trời cho thêm nhiều sức khỏe để chăm sóc cho 3 cháu, đặc biệt là hàng ngày được đưa Khải đi học, nhìn cháu lớn lên bằng bạn bằng bè…”, ông Mỵ bày tỏ.

 Khải được cô Nguyễn Thị Huệ đến thăm, động viên học tập.

Trước sự thiệt thòi của con trai, anh Thịnh và gia đình đành bù đắp cho con bằng tình thương và sự quan tâm, ân cần. Lúc ấy, ai cũng nghĩ cậu bé “chim cánh cụt” sẽ khó có thể đến trường. Nhưng gia đình vẫn hàng ngày giúp Khải làm quen dùng chân thay tay trong sinh hoạt hằng ngày và cùng nuôi dưỡng ước mơ tương lai.

“Giàu đôi con mắt, khó hai bàn tay” nhưng có lẽ khó khăn bao nhiêu Khải lại nỗ lực bấy nhiêu. Bằng nghị lực và khát vọng phi thường, cậu bé ngày ấy đã khiến tất cả mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không có đôi tay nhưng cậu bé tự kẹp phấn vào chân viết chữ ở sân để bắt đầu vẽ lên hành trình ước mơ đến trường.

Bố của Khải kể, trong một lần lên mạng tìm kiếm, biết được anh Nick Vujicic, một người khuyết tật, không có cánh tay đã truyền cảm hứng sống cho biết bao thế hệ trẻ, nên anh đã theo dõi. Đặc biệt, tấm gương thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân.

Cũng như đứa con trai bé bỏng của mình, càng xem nhiều cách viết chữ của thầy Nguyễn Ngọc Ký, anh Thịnh càng cảm thấy có điểm tựa vào tương lai.

Anh Thịnh bảo, Nick Vujicic và thầy Nguyễn Ngọc Ký không phải là câu chuyện cổ tích thời hiện đại, bởi trong đó không hề có phép màu được tạo nên bởi ông bụt, bà tiên. Phép màu duy nhất là tình yêu cuộc sống cùng khát vọng vươn lên mãnh liệt của chính họ. Hạnh phúc như mơ của Nick Vujicic hay thầy Nguyễn Ngọc Ký trong sự nghiệp và cuộc sống gia đình có lẽ được ươm mầm bởi hạt giống mang tên “may mắn”. Nhưng chính anh Nick và thầy Ký mới là người quyết định vun trồng nó trở thành cây đại thụ tỏa bóng mát xuống đời mình.

Từ những tấm gương đó, Khải có thêm niềm tin có thể học được cách đứng lên và tập viết chữ để tự hái “quả ngọt” chín đỏ tương lai.

 Hàng ngày ông Nguyễn Văn Mỵ đưa Khải đến trường trong niềm vui, hân hoan.  

“Viết” lại nghịch cảnh số phận

Anh Thịnh cũng cho biết: Ngay từ khi nhìn con chập chững kẹp viên phấn vào chân, cả gia đình đều lặng đi vì xúc động, không ai dám tin con có thể làm được điều kỳ diệu ấy. Chẳng những có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình, Khải còn có thể làm được mọi thứ từ vệ sinh cá nhân đến xếp quần áo, viết chữ, tập bơi…

Đồng hành cùng Khải trong nhiều năm trời “tự lập” bằng chân cũng chính là ông nội Nguyễn Văn Mỵ. Ông kể, thời gian đầu học viết chữ bằng chân, đôi chân của Khải mỏi nhừ, có lúc sưng phồng, rớm máu. Khi đó, ông lại xoa bóp, mát xa cho cháu suốt đêm. Không những vậy, nhiều hôm Khải chán nản, ông lại tâm sự, kể cho cháu nghe những câu chuyện cổ tích để “thổi bùng” nghị lực trong Khải.

Dù đã trải qua lớp học mầm non và có thể viết chữ bằng chân nhưng khi vào lớp 1, cả nhà ai cũng lo lắng và nghĩ Khải không theo được các bạn. Vốn chăm chỉ và có nghị lực, năm nào cậu bé cũng đứng trong nhóm học lực khá của lớp và đặc biệt là em viết chữ rất đẹp.

Anh Thịnh kể thêm, ngay từ 2 tuổi, Khải đã nói sõi và biết dùng chân chơi trò chơi, tự xúc ăn cơm… Khi em hơn 3 tuổi, ông nội đã mua phấn cho em tập viết bằng chân ở ngoài sân. Đến khi em 4 tuổi, ngòi bút đã biết “nghe lời” bàn chân.

“Khải cong người lên tập viết, mồ hôi nhễ nhại, thậm chí có lần rướm máu ở chân nhưng cháu vẫn kiên trì tập luyện. Sự kiên trì của con cuối cùng cũng không uổng công.

Dần dần, cháu luyện cầm bút bằng chân thành thạo, viết chữ đẹp, gọn nét và thẳng hàng hơn. Thấy cháu ham học, ông nội đã mua hàng trăm viên phấn cho cháu tập viết, đưa cháu đi các lễ hội để cháu tô tượng, mua sách, bút viết về hướng dẫn cho cháu tập đọc…

Thường thì cháu phải đi trường khuyết tật, bởi nếu tập đọc thì cháu học nhanh nhưng cứ mỗi khi tập viết thì rất khó khăn vì cháu không có tay. Tuy nhiên, không phụ tấm lòng yêu thương của toàn gia đình, Khải được Trường Tiểu học Ninh Xá nhận vào học vì nghị lực vượt lên khó khăn…”, anh Thịnh nhớ lại.

Nói về những dự định tương lai cho con, anh Thịnh cho biết, trước mắt gia đình chỉ mong lo được cho Khải đi học để em biết chữ, biết tính toán. Còn ông nội của Khải thì mong muốn cháu được đi du lịch nhiều hơn từ sự hỗ trợ ở các nhà từ thiện để cháu thêm động lực vươn lên trong học tập.

“Con bị như vậy hai vợ chồng động viên nhau làm ăn, tích góp, dành dụm mỗi tháng vài triệu đồng để cháu lớn, cháu có chút vốn làm ăn, sinh sống, trở thành người có ích cho xã hội…”, anh Thịnh nói.

Chia sẻ về cậu học trò nhỏ, cô giáo Nguyễn Thị Huệ - Chủ nhiệm lớp 3D (Trường Tiểu học Ninh Xá) cho biết, Khải là cậu bé đầy nghị lực và có tinh thần ham học.

“Khải là trường hợp đặc biệt, duy nhất của nhà trường. Đặc biệt vì đã có thành tích vượt khó vươn lên trong học tập. Vượt qua những khiếm khuyết của bản thân, em vẫn sống một cách vui vẻ, hòa đồng với bạn bè, với mọi người và trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống…”, cô Huệ nói.

Cô Trần Thị Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Xá cho biết, hoàn cảnh của Khải luôn được nhà trường, Phòng GD&ĐT, Hội Khuyến học huyện Thuận Thành và các ban ngành đoàn thể địa phương quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ.

“Nhà trường đóng bàn học riêng và bố trí Khải ngồi bàn đầu cũng như lớp học được sắp xếp ở tầng 1 cho Khải thuận tiện đi lại học tập. Các cô chủ nhiệm qua các lớp đều là cô giáo nhiều kinh nghiệm, rất quan tâm chia sẻ với học sinh…”, cô Văn nói.

Trong chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhà trường đã chủ động quan tâm, hỗ trợ em Khải máy tính bảng để giúp em học tập tốt hơn, bắt kịp được các bạn cùng trang lứa. Khải kiên cường đem cuộc đời mình lan tỏa nghị lực sống đến những phần đời bất hạnh khác, truyền cho nhau nghị lực và niềm tin tiến về phía trước. Tấm gương chiến thắng số phận, chiến thắng cuộc đời của Khải là động lực để học sinh Ninh Xá thêm yêu thương, nỗ lực học tốt… - Cô Trần Thị Thành Văn

Tác giả: Đăng Chung

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn