Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Học sinh lớp 1 dựng chòi trọ học, thèm bữa cơm có cá khô

Một điểm trường được xây dựng tại cụm dân cư "8 không" đã giải cơn khát chữ cho cả trăm hộ dân tại Đắk Nông. Để con được lên lớp, một số gia đình cùng nhau dựng chòi cạnh trường cho con em trọ học.

Điểm trường nằm tại cụm dân cư số 8, xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Hiện tại, điểm trường đang có hơn 100 học sinh lớp 1, 2 theo học, đến từ các cụm dân cư số 8, 9, 10, 12 và 100% là đồng bào dân tộc Mông.

 Căn chòi nhỏ, được phụ huynh dựng ngay tại điểm trường Trường tiểu học La Văn Cầu tại cụm dân cư số 8.

Chấp nhận trọ học để được đến lớp

Trời nhập nhoạng tối, 10 đứa trẻ rủ nhau trở về căn chòi nhỏ nằm cạnh điểm trường Tiểu học La Văn Cầu. Trên tay mỗi đứa đều ôm một bó củi nhỏ, số củi vừa đủ cho các em nấu cơm tối nay.

 Sau giờ học, những đứa trẻ lại rủ nhau đi nhặt củi về nấu cơm.

Cô H'Soàn, giáo viên của điểm trường, cho biết tất cả các em đều là học sinh lớp 1, người dân tộc Mông. Hơn một tháng trước, khi tỉnh Đắk Nông rục rịch cho học sinh đi học lại, bố mẹ của các em đã cùng nhau góp gỗ, góp tôn, dựng một căn chòi để làm nơi cho các em trọ học. Ban đầu có 12 học sinh, nhưng hiện đã có 2 em nghỉ học vì không thể tự chăm sóc cho bản thân.

 Các em lần lượt vào bếp để chuẩn bị bữa tối.

Chỉ vài phút sau khi trở về chòi, khói đã bắt đầu thoát ra từ những khoảng hở xung quanh nơi những học sinh này ở. 10 đứa trẻ phân công nhau từng công việc cụ thể. Đứa đi xin nước, đứa gọt bí và đứa nhóm lửa nấu cơm. Cứ một em nấu xong, lại nhường bếp cho em khác vào nấu. Không ăn chung, 10 đứa trẻ là 10 nồi cơm khác nhau.

Chia sẻ về học sinh của mình, cô H'Soàn kể, ban đầu cô cũng rất bất ngờ khi các em mới là học sinh lớp 1 nhưng đã biết nấu cơm và chuẩn bị thức ăn. Do phong tục của đồng bào Mông, các em không phải họ hàng, anh em trong nhà nên không ăn chung nồi cơm. Chính vì vậy, mỗi em đều chuẩn bị cho mình một phần ăn riêng, bao gồm cơm và canh hoặc có hôm chỉ có muối ớt.

"Sau khi nấu cơm, các em thay nhau đi sang nhà dân xin tắm nhờ. Tắm rửa, giặt quần áo xong là lúc cơm vừa chín. Thế nhưng, chỉ khi tất cả cùng trở về chòi, các em mới bắt đầu lấy cơm ra ăn" cô H'Soàn kể.

Giải thích việc học sinh trọ học, cô H'Soàn cho biết, các em đều sinh sống tại cụm dân cư số 12, là cụm dân cư xa nhất, cách điểm trường này gần 20km đường rừng. Do không thể đi về trong ngày, các em học sinh chấp nhận ở lại chòi để trọ học. Toàn bộ đều là học sinh lớp 1, em nhỏ nhất là 6 tuổi, còn em lớn nhất năm nay chưa tròn 8 tuổi.

 Toàn bộ đều là học sinh lớp 1, em nhỏ nhất là 6 tuổi, còn em lớn nhất năm nay chưa tròn 8 tuổi.

Chính cô H'Soàn cũng xót xa khi các em dù còn nhỏ đã phải tự lập, lo cho cuộc sống hàng ngày.

"Thời gian đầu, phụ huynh các em thay nhau đến ở, nhưng sau đó ai cũng bận bịu với công việc hàng ngày nên các em tự ở với nhau. 10 em nằm chung một tấm phản, có hôm trời lạnh, co ro ôm nhau ngủ. Riêng em Sùng Thị Chan Ni, do sức khỏe yếu nên hàng ngày có thêm một người cô đến nấu hộ cơm, còn những em khác thì tự mình xoay xở chuyện bếp núc sau mỗi giờ học", cô H'Soàn kể.

 Phần lớn học sinh tự xoay xở chuyện bếp núc, nấu ăn sau mỗi giờ học.

Đầu tuần ăn cá, cuối tuần chỉ còn nước lã chan cơm

Em Giàng A Phong (lớn tuổi nhất trong số 10 em) kể, sáng thứ Hai hàng tuần, bố mẹ sẽ chuẩn bị gạo, trứng và mì tôm để Phong ăn trong một tuần. Tuy nhiên thường thì số thức ăn mang theo chỉ đủ cho em ăn đến giữa tuần, còn sau đó cậu bé cùng bạn bè sẽ kiếm rau quanh nơi trọ học. Hôm nào mải chơi, bữa tối của phần lớn những học sinh trong chòi chỉ có cơm và nước lã.

"Nếu tuần nào bố mẹ gửi ít đồ ăn thì chúng em ra suối bắt cá hoặc hái rau về nấu. Có bạn được ăn trứng, có bạn thì chỉ ăn không. Nhiều bữa cơm, chúng em chỉ thèm một miếng cá khô để ăn mặn cho dễ nuốt", Phong nói.

 Căn bếp đơn sơ của 10 học sinh trọ học.

 Sau khi tắm rửa, các em sẽ trở về chòi và ăn chung bữa tối.

Thầy Hà Hữu Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu - cho biết: Việc được đầu tư xây dựng điểm trường tại cụm 8 là một sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đơn vị, cá nhân. Điểm trường đi vào hoạt động đã hỗ trợ, rút ngắn được khoảng cách đến trường của học sinh trong vùng. Tuy nhiên nhiều em vẫn còn hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều em nhà ở quá xa trường không bảo đảm được cho việc học tập hàng ngày.

Hàng ngày, cô H'Soàn và cô H'Hà - hai giáo viên mới - được phân công vào điểm trường này dạy học cũng sẽ ở lại ngay tại trường. Sau mỗi giờ học, các cô giáo thường xuyên ghé qua nơi các em trọ học để nhắc nhở, giám sát việc sinh hoạt, học tập của các em. Tuy nhiên vì hai cô giáo cũng mới được tuyển dụng, hoàn cảnh kinh tế cũng khó khăn nên không thể giúp đỡ các em có những bữa cơm đủ chất.

 Có học sinh chỉ ăn cơm chan nước lã vì đã ăn hết thức ăn từ đầu tuần.

Theo Hiệu trưởng Hà Hữu Phong, do các em học sinh còn nhỏ, lại chưa biết cân đối đồ ăn trong tuần nên hầu như tuần nào cũng gặp cảnh "đầu tuần thì ăn cơm với trứng, cá khô nhưng cuối tuần thì lại không có gì để ăn".

Khi biết thông tin về số học sinh trọ học, cô Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong cùng các thầy cô tại điểm trường chính đã đến thăm và tìm hiểu cuộc sống 10 đứa trẻ này. Rất nhiều thầy cô bất ngờ vì dù còn nhỏ, nhưng các em đều thành thạo công việc, tự giác trong sinh hoạt. Sau bữa cơm tối, 10 học sinh dùng chung một bóng đèn, thắp sáng bằng năng lượng mặt trời để học.

 Những hôm trời mưa, không đủ thắp sáng bóng điện, học sinh sẽ nhóm lửa để sưởi ấm (Ảnh: H'Soàn).

"Tất cả đều ngồi học bài đến khi nào đèn tắt thì mới đi ngủ. Thế nhưng ngày nào trời mưa, đèn không sáng được thì chúng em đốt lửa cho ấm rồi đi ngủ luôn, sáng hôm sau thức dậy sớm để học bài", Giàng A Phong kể với cô Hằng về chuyện học hành của 10 đứa trẻ trong chòi.

Tác giả: Đặng Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí