Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Học sinh đánh nhau: Xử lí nhẹ khiến trò "coi trời bằng vung"

Đôi khi chỉ vì một câu nói vu vơ trên Facebook cũng khiến các em lao vào đánh nhau như kẻ thù. Thậm chí, còn có nhóm đánh hội đồng rồi quay clip tung lên mạng để hạ nhục nhau.

Hôm qua, tôi thật sự ám ảnh khi chứng kiến cảnh 3 nữ sinh lớp 8 lao vào choảng nhau ở một quán cà phê. Nhìn các em mặc đồng phục trường với khuôn mặt non choẹt mà tôi ám ảnh. Không ai ngờ các em lại hung dữ đến thế.

Các em lao vào cấu xé nhau rồi chửi thề không tiếc lời. Chỉ đến khi bảo vệ quán phải can thiệp và dọa gọi công an thì các em mới ngừng ẩu đả rồi bỏ đi.

Thực tế, chuyện học sinh đánh nhau bây giờ đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Vụ này vừa qua, vụ khác lại đến. Mức độ đánh nhau thì ngày càng thể hiện rõ tính côn đồ.

 Cảnh đánh nhau của học sinh bị quay lại và tung lên Facebook (Ảnh: chụp màn hình).

Đôi khi chỉ vì một câu nói vu vơ trên Facebook cũng khiến các em lao vào đánh nhau như kẻ thù. Thậm chí, còn có nhóm đánh hội đồng rồi quay clip tung lên mạng để hạ nhục nhau. Điều khiến dư luận phẫn nộ nhất là nhiều em học sinh liên tục tái phạm và còn tỏ ra "coi trời bằng vung".

Bản thân là một giáo viên, tôi từng chứng kiến không ít vụ đánh nhau của học sinh. Bây giờ học sinh đánh nhau không phải chỉ là nắm đấm, cái tát. Các em sẵn sàng mang nón bảo hiểm, gậy gỗ để phang nhau. Các em sẵn sàng hành hung, đánh đập, tra tấn bạn bè trong lớp, trong trường của mình mà không một chút lăn tăn.

Nguyên nhân đánh nhau của học sinh nhiều khi rất nhỏ. Các em đánh nhau bây giờ vì những lí do rất "trời ơi". Nào là nhìn ngứa mắt quá nên đánh. Hay do nó "chảnh" quá phải đánh thôi…Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như tranh giành người yêu, muốn ra oai với bạn bè…Thật sự, chúng tôi- những người làm công tác giáo dục, cảm thấy rầu lòng vô cùng vì mình nói mà các em chẳng thèm nghe.

Bây giờ học sinh đánh nhau nhiều nhất thường tập trung ở khối lớp 8. Ở lứa tuổi "dở dở, ương ương" này các em rất dễ nổi nóng. Nhiều khi chuyện chẳng có gì các em cũng làm quá lên. Có em còn muốn nổi loạn để chứng tỏ mình. Ban giám hiệu nhà trường cùng giáo viên chủ nhiệm luôn đau đầu về vấn đề này. Tuần nào tiết chào cờ và giờ sinh hoạt lớp cũng đề cập đến. Thậm chí còn hù dọa hạ hạnh kiểm, cho ở lại lớp nhưng các em cũng có sợ đâu.

Thực tế, hình phạt dành cho học sinh đánh nhau hiện nay thường quá nhẹ. Thầy cô xử phạt luôn theo kiểu "giơ cao đánh khẽ". Thấy các em tỏ ra hối lỗi là lại bỏ qua. Thôi thì các em trẻ người non dạ mà. Mình làm quá sẽ hỏng tương lai các em. Cuối cùng các bản án "đích đáng" chỉ là viết tường trình, làm biên bản cam kết và xin lỗi bạn là xong.

Cuối năm học, thầy cô lại du di xếp loại cho hạnh kiểm khá. Kiểu xử phạt nhẹ hều này khiến trò chẳng còn biết sợ là gì nữa. Các em cứ thoải mái vi phạm vì cuối cùng mình cũng được cô giáo bỏ qua hết.

Nhiều phụ huynh bây giờ cũng không đồng tình với cách giải quyết học sinh đánh nhau theo kiểu nhân đạo này. Tôi từng chứng kiến một phụ huynh vào trường khóc lóc ầm ĩ giữa phòng hội đồng. Lí do là con trai họ bị bạn cùng lớp đánh. Họ mong muốn Ban giám hiệu nhà trường mạnh tay xử phạt những học trò hành xử như kẻ côn đồ. Chứ nếu không, đây là mối nguy hiểm khó lường. Các em sẽ không bao giờ nhận ra điều sai trái mà mình gây ra.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần một giải pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau. Dường như những lời nói phân tích của cha mẹ, thầy cô đã không lọt vào tai các em nữa rồi. Khi các em vi phạm nhưng chẳng bị xử lí thì các em đâu có sợ. Biết là làm mạnh sẽ tội nghiệp các em. Nhưng chúng ta thử nghĩ xem. Nếu ta cứ xử lí nhân đạo kiểu này thì mầm mống của tội ác ngày càng phát triển. Nó còn là mối nguy hại cho xã hội sau này.

Do đó, chúng ta thương các em nhưng vẫn phải nghiêm khắc với các em. Chỉ có làm mạnh tay mới mong người khác sợ. Nhà trường có thể giao công an xử lí hoặc buộc thôi học các em một thời gian. Chỉ có như vậy mới ngăn được tình trạng bạo lực trong học đường hiện nay.

Xin hãy xử phạt nghiêm những học trò đánh nhau trong trường học. Hãy nghiêm khắc với các em vì một xã hội thân ái, tràn đầy tình yêu thương.

Tác giả: Loát Trần

Nguồn tin: Báo Dân trí