Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cô giáo cắm bản về xuôi đạt giải thưởng ''Gặp gỡ giáo viên lớp 1"

Từ một giáo viên dạy học ở biên giới xa xôi xứ Nghệ, sau đó chuyển về dạy học tại TP Vinh, nhưng dù ở đâu, hoàn cảnh nào nào cô Nguyễn Thị Nhung cũng luôn tận tâm với trò, trách nhiệm với nghề.

 Cô Nguyễn Thị Nhung và các học trò của mình. Ảnh: NVCC.

Đó cũng là cách để cô tạo dựng niềm tin cho học sinh, phụ huynh, giữ vị thế của người giáo viên.

Năm 2022, vượt qua hơn 1 nghìn sáng kiến của giáo viên cả nước, cô Nguyễn Thị Nhung (SN 1980), Trường Tiểu học Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An được Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao giải Nhì giải thưởng “Gặp gỡ giáo viên lớp 1”.

Vận dụng trò chơi vào dạy học lớp 1

Khi chương trình GDPT 2018 được thực hiện bắt đầu từ bậc tiểu học, cô Nguyễn Thị Nhung là một trong những giáo viên được Trường Tiểu học Hưng Đông (TP Vinh, Nghệ An) lựa chọn dạy SGK mới lớp 1. Trước đó, với vai trò là giáo viên lâu năm, có kinh nghiệm, cô đã được cử đi tập huấn chương trình mới, và tham gia góp ý lựa chọn SGK lớp 1 cho nhà trường.

Khi đi vào triển khai, thực tế dạy học chương trình SGK mới lớp 1 nảy sinh một số bất cập, vướng mắc nhất định, cũng như gặp ý kiến trái chiều. Nhưng cô Nhung và đồng nghiệp đã nghiên cứu kỹ chương trình, khai thác tối đa tài liệu SGK giấy lẫn điện tử. Đồng thời có phương pháp dạy học, tiếp cận học sinh phù hợp, đem lại hiệu quả dạy học. Việc triển khai chương trình mới nhờ đó đã vượt qua khó khăn đầu tiên, từng bước đi vào ổn định.

Chính những trải nghiệm triển khai chương trình SGK mới, cùng với thực tế dạy học trên học sinh của mình, cô Nguyễn Thị Nhung đã viết thành sáng kiến gửi tham dự giải giải thưởng “Gặp gỡ giáo viên lớp 1” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động. Trong đó, cô không tập trung nhiều vào kiến thức, vấn đề chuyên môn đã được tập huấn hoặc nhiều lần đề cập. Thay vào đó cô chỉ đi sâu vào giải pháp vận dung trò chơi trong việc tổ chức dạy học nói chung, và lớp 1 nói riêng.

 Cô Nhung giành giải Nhì giải thưởng "Gặp gỡ giáo viên lớp 1".

Cuộc thi “Gặp gỡ giáo viên lớp 1” thu hút hơn 1.000 sáng kiến của giáo viên trên cả nước. Kết quả, bài dự thi của cô Nguyễn Thị Nhung được trao giải Nhì chung cuộc. “Đó là niềm vui, và động lực lớn đối với tôi trong quãng đời làm nghề giáo. Tôi cũng rút ra được rất nhiều bài học, kinh nghiệm từ đồng nghiệp của mình trong cuộc thi để áp dụng vào thực tế. Nhất là trong năm học này, khi phần lớn thời gian của học sinh lớp 1 TP Vinh phải học trực tuyến do ảnh hưởng dịch Covid-19”, cô Nhung chia sẻ.

Theo cô Nhung, đặc thù của bậc tiểu học, và nhất là lứa tuổi lớp 1 vừa mới từ bậc mầm non lên, chính là vừa học vừa chơi. Trẻ lớp 1 không thể cùng lúc tiếp thu nhiều kiến thức, sẽ gây áp lực, chán học, nhanh quên.

"Một số bài học kiến thức mới mẻ và khó hình dung với các em. Vì thế, khi xây dựng giáo án cũng như dạy học trên lớp, tôi thường tổ chức các hoạt động để các em rút ra kết luận. Ví dụ bài “nhớ vị trí trong không gian” – sẽ khá là trừu tượng khi chỉ dạy lý thuyết. Nhưng với trò chơi xác định vật ở bên trái, pháp, trên, dưới và qua vận động chân tay, sẽ giúp các em hiểu được vị trí trong không gian là như thế nào và tiếp thu được bài học", cô Nhung nói.

Cô Nhung cũng cho biết, cuộc thi năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Thí sinh quay video vận dụng giải pháp vào trong dạy học thực tế để gửi cho ban giám khảo chấm. Cô có thuận lợi là được nhà trường và đồng nghiệp dạy lớp 1 góp ý và hỗ trợ trong quá trình quay, dựng clip. Theo cô giáo Trường Tiểu học Hưng Đông, điều thú vị và ý nghĩa là nhiều phần thi giáo viên được tương tác trực tiếp với ban giám khảo. Nhờ đó, giúp giáo viên thể hiện được năng lực, khả năng ứng xử tình huống sư phạm của mình.

Ở đâu cũng giữ trách nhiệm với nghề, tâm huyết với trò

Điều bất ngờ đặc biệt là cô Nguyễn Thị Nhung không phải đã dạy học tại TP Vinh từ khi mới vào nghề. Trong gần 20 năm nghề giáo, cô đã có 10 năm cắm bản, cống hiến nhiệt huyết thanh xuân cho học trò dân tộc thiểu số huyện vùng cao biên giới Kỳ Sơn.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, cô xung phong lên Kỳ Sơn dạy học. Thời điểm đó, qua tìm hiểu, cô được cho biết các trường THCS ở miền xuôi cơ bản đã đủ giáo viên, nhưng vùng cao biên giới đang thiếu thốn. Cô giáo trẻ muốn vừa được làm nghề, trải nghiệm, vừa muốn đem tâm huyết, cống hiến đến với trẻ vùng cao. Nhưng chính cô cũng không ngờ, những ngày đầu lại gian khổ, khó khăn vô cùng.

 Cô Nguyễn Thị Nhung (ngoài cùng bên trái) và đồng nghiệp tại Trường Tiểu học Hưng Đông, TP Vinh.

“Tôi được phân công nhận nhiệm vụ tại xã biên giới Mỹ Lý, từ thị trấn vào đến trường có 2 đường. Nếu đi đường bộ, phải thuê xe ôm mất nửa ngày mới tới nơi. Còn đi đường thủy lên thượng nguồn sông Nậm Nơn, thì phải mất cả ngày trời, với nhiều đoạn nước xiết, ghềnh nguy hiểm. Có những mùa đông, mỗi lần vào đến trường, tôi rét run cầm cập vì mưa lạnh, người ướt sung”, cô Nhung nhớ lại.

Những năm tháng ấy, dù khó khăn, thiếu thốn nhưng cô Nguyễn Thị Nhung nhưng cô không nản chí, từ bỏ. Cô dạy học tại Trường Tiểu học Mỹ Lý 2, sau đó là Trường Tiểu học Na Loi, đều là vùng biên giới.

“Dạy học ở vùng sâu, vùng xa, cái quý nhất là tình cảm của học trò và bà con dân bản. Người còn nghèo khổ, nhưng thương và kính trọng thầy cô. Sẵn sàng tặng rau, củ, gạo và nhường cả ngôi nhà của mình để thầy cô ở. Chính tình cảm đó của bà con dân bản đã giữ chân tôi và nhiều đồng nghiệp khác từ xuôi lên núi dạy học”, cô trải lòng.

Cô giáo trẻ không ngừng cố gắng và phấn đấu, được bầu làm tổ trưởng chuyên môn, đạt danh hiệu như giáo viên dạy giỏi trường, giỏi huyện, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đồng nghiệp đánh giá cao.

Thời gian dạy học ở vùng cao Kỳ Sơn, cô Nhung lập gia đình, có 2 con nhỏ. Nhưng chồng đi làm xa, cô phải gửi con về huyện Hưng Nguyên cho bố mẹ chồng, cách xa nơi cô dạy học hơn 300km.

“Vất vả đến mấy tôi cũng không ngại, vì xung quanh học trò, phụ huynh còn vất vả, thiếu thốn hơn mình. Nhưng cảnh xa con, nỗi nhớ, day dứt vì không được ở bên con quãng đời ấu thơ khiến tôi luôn ám ảnh trong cả giấc mơ. Năm nào nghỉ hè xong, tôi lại quay lại trường chuẩn bị năm học mới, nhưng chưa 1 lần dẫn con đi khai giảng, đưa đón con đi học”, cô kể lại.

Hoàn cảnh khó khăn, cô Nguyễn Thị Nhung được tạo điều kiện chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Hưng Đông, thành phố Vinh. Được về gần nhà, thuận lợi hơn, nhưng cô cũng gặp không ít áp lực. Bởi khi ấy cô đã 40 tuổi, dạy học ở thành phố phụ huynh có yêu cầu lớn hơn đối với giáo viên. Sỹ số học sinh mỗi lớp cũng đông hơn. Học sinh có nền tảng tốt, nhưng đổi lại mình không cố gắng, nâng cao năng lực chuyên môn thì sẽ tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình dạy học.

Bắt đầu lại, cô càng cố gắng, tận tụy với nghề, nhiệt tình với học sinh. Tâm huyết của cô được đồng nghiệp và ban giám hiệu nhà trường công nhận.

Cô Trần Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Đông cho biết, cô Nguyễn Thị Nhung là giáo viên rất có trách nhiệm và ham học hỏi. Nhà cách trường gần 20km, nhưng nhiều hôm sau khi dạy xong, cô vẫn còn ở lại trường để rút kinh nghiệm cho các bài học đến muộn mới về. Đó cũng là lý do mà nhà trường yên tâm giao cô phụ trách lớp 1 trong năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018.

Giành giải Nhì giải thưởng “Gặp gỡ giáo viên lớp 1” chính là thành quả xứng đáng của cô Nhung là cũng là niềm vui, tự hào chung của nhà trường.

Giải thưởng “Gặp gỡ giáo viên lớp 1” do CĐGD Việt Nam triển khai nhằm tìm kiếm những giải pháp, sáng kiến của giáo viên, cán bộ quản lý về phương pháp dạy các môn học lớp 1, trong đó có triển khai chương trình SGK lớp 1 mới. Sản phẩm được thuyết minh bằng 1 bản báo cáo và 1 video về quá trình thực hiện giải pháp, sáng kiến đó.

Năm nay, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 5 giải Nhì, 7 giải Ba và 14 giải Khuyến khích cho các cá nhân có bài dự thi xuất sắc. Nghệ An có 1 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn