Giỗ tổ Hùng Vương: Biểu tượng uống nước nhớ nguồn
- 07:57 10-04-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Có lẽ trên thế giới, hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, cho dù bất kỳ ở đâu, hằng năm cứ đến ngày mồng mười tháng ba âm lịch, lại hướng về cội nguồn, nô nức cùng nhau hành hương về Đất Tổ (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Từ ngàn đời nay, giỗ Tổ Hùng Vương đã được xem là ngày lễ trọng của cả dân tộc và trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam.
Đây còn là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn,” nhớ về tổ tiên, về các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Và Đền Hùng đã trở thành Trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất.
Tưởng nhớ công đức các Vua Hùng
Theo truyền thuyết, vị vua đầu tiên của vùng đất Việt là Kinh Dương Vương đã truyền ngôi cho con trai là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ, sinh hạ được 100 người con trai, 50 người con theo mẹ lên núi và 50 người con theo cha xuống biển để lập cơ nghiệp dài lâu.
100 thanh niên tượng trưng cho con Lạc, cháu Hồng trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Con trai trưởng được Lạc Long Quân phong làm Vua, lấy hiệu là Hùng Vương. Vua đặt tên nước là Văn Lang lấy đất Phong Châu (Phú Thọ) làm thủ phủ. Vua quan đều cha truyền con nối qua nhiều đời nhưng lịch sử ghi lại được 18 đời vua Hùng.
Để tôn vinh thời kỳ khai thiên lập quốc và tỏ lòng biết ơn công lao của các vị anh hùng có công dựng nước, từ thời phong kiến, các vị vua đã cho lập đền thờ vua Hùng. Các triều đại phong kiến từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần rồi đến nhà Hậu Lê đều tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ đấng Thánh Tổ nước Nam xưa.
Hàng năm, cứ vào 10/3 âm lịch, người dân khắp nơi lại trở về Đền Hùng dự lễ, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc. |
Kế tục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của ông cha, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương-hướng về cội nguồn dân tộc.
Và bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Bác đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” Bác còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan.”
Và từ năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết (năm 1999), Nghị định (năm 2001, năm 2004) về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương như Quốc lễ vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại hậu cung đền Thượng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Hàng năm, cứ vào 10/3 âm lịch, người dân khắp nơi lại trở về Đền Hùng dự lễ, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc.
Đây không chỉ thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam mà còn trở thành niềm kiêu hãnh đối với các dân tộc đã, đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới; bạn bè khắp năm châu cảm phục dân tộc Việt Nam anh hùng.
Theo các tư liệu lịch sử và thống kê của các nhà nghiên cứu, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong đó, tỉnh Phú Thọ có 183 di tích thờ cúng Hùng Vương (122 di tích đang thờ tự và 61 di tích đã thất truyền).
Mỗi địa điểm di tích lại gắn liền với một tín ngưỡng thờ cúng và tri ân công đức của tiên tổ. Đây thực sự là một minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc.
Đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với những truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn-Đất vuông của cha ông |
Ngày 6/12/2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ,” biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Phát huy giá trị của di sản văn hóa nhân loại
Trong nhiều năm qua, việc đa dạng các hoạt động nhằm giới thiệu đậm nét về di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” gắn với phát triển du lịch đang được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm.
Tỉnh đã tổ chức các nhóm truyền dạy nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ; gắn di sản với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ Hùng Vương và các Di tích lịch sử thờ Vua Hùng, các nhân vật thời Hùng trong cả nước; tích cực sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở các làng quê; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương giúp người dân hiểu thêm giá trị của di sản; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở Đền thờ Vua Hùng tại các làng thuộc tỉnh Phú Thọ.
Ngày 6/12/2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ,” biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Hằng năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ được giao chủ trì phối hợp với 3-5 tỉnh, thành trong cả nước tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng. Nhiều nghi thức thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức nhằm giới thiệu và quảng bá đậm nét về di sản văn hóa thế giới này đến đông đảo đồng bào trong nước và nước ngoài.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương giờ đây trở thành ngày hội văn hóa của toàn dân tộc, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng.
Ngày 10 tháng 3 âm lịch, vào thời khắc tại Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng tổ chức nghi lễ Giỗ Tổ thì tại các di tích thờ cúng Hùng Vương trong cả nước đều đồng loạt tổ chức nghi lễ Giỗ Tổ.
Cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng cũng đã trở thành di sản có giá trị to lớn về mặt tâm linh và đại diện cho ý chí, khát vọng, khối đại đoàn kết của cả dân tộc Việt, là bản sắc văn hóa, là điểm tựa tinh thần của hành triệu con Lạc cháu Hồng.
Các di tích Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền Quốc tổ Lạc Long Quân và nhiều công trình văn hóa khác được tôn tạo ngày càng khang trang và tôn nghiêm phục vụ đồng bào cả nước về thăm viếng Tổ tiên.
Bảo tàng Hùng Vương có hàng nghìn hiện vật, tài liệu khoa học được lưu giữ và trưng bày thuộc các giai đoạn thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Du khách tham quan Bảo tàng Hùng Vương. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN) |
Tỉnh Phú Thọ cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm nhiều khu chức năng như rừng quốc gia Đền Hùng, Khu trung tâm lễ hội, Khu tháp Hùng Vương, Làng du lịch văn hóa Hùng Vương, Khu nhà văn hóa Hùng Vương, Khu trồng cây lưu niệm phía Bắc và phía Nam…
Khu Di tích cũng đã triển khai trồng hàng trăm cây bản địa như chò chỉ, lát hoa, tếch, sưa, đa, đề gân to, sanh, nhội, sao đen…,; diện tích rừng chiếm gần 540/845ha diện tích của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Với diện tích rừng lớn, cùng nhiều loài cây bản địa, gỗ quý hiếm, nhiều cây có tuổi đời cao… tạo cho rừng Đền Hùng một hệ thực vật phong phú về chủng loại, đa dạng về sinh học; đồng thời tạo nên môi trường sinh thái mát mẻ cho toàn khu vực.
“Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương”
Năm 2022, Phú Thọ sẽ tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương từ ngày 6 đến 10/3 âm lịch với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương,” gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo kế hoạch, phần lễ sẽ có lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 âm lịch; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3 âm lịch và lễ dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong.”
|
Về phần hội, tỉnh sẽ tổ chức hội thi bơi chải trên hồ công viên Văn Lang, chương trình nghệ thuật phục vụ lễ hội Đền Hùng tại sân khấu ngoài trời (hồ công viên Văn Lang); thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy; trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-Hội tụ và lan tỏa” tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Phú Thọ cũng tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống như đánh trống đồng, đâm đuống, trình diễn Hát Xoan làng cổ, trình diễn múa rối nước và đặc biệt là đón Bằng công nhận Lễ hội cướp bông ném chài Đền Vân Luông là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn