Chủ trường mầm non tư thục 'gồng mình' giai đoạn bình thường mới
- 13:28 08-04-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều trường mầm non tư thục tại các thành phố lớn vẫn hoạt động cầm chừng vì tỉ lệ học sinh ra lớp thấp. Ảnh minh họa |
Chỉ có 54% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp. Tỷ lệ này ở độ tuổi mẫu giáo là 45%. Trẻ ra lớp ít nên nhiều trường dôi dư giáo viên. Chủ trường buộc phải phân công giáo viên luân phiên đứng lớp, động viên những ai có công việc tạm thời có thể tiếp tục duy trì.
Làm lại từ đầu
Tuần đầu tiên đón trẻ trở lại, Trường Mầm non Selfwing V-Kids (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chủ trương trẻ học ngày nào sẽ thu học phí ngày đó. “Tâm lý của phụ huynh vẫn còn muốn “thăm dò” công tác phòng, chống dịch, chăm sóc trẻ… của nhà trường nên số trẻ ra trường trong 2 tuần đầu rất ít, chỉ bằng phân nửa so với số phụ huynh đăng ký khi giáo viên tiến hành khảo sát” – cô Trần Uyên Miêng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Để chuẩn bị cho công tác đón trẻ, Trường Mầm non Selfwing V-Kids lên danh sách giáo viên đăng ký trở lại trường để triển khai công tác tập huấn quy trình phòng, chống dịch, test nhanh Covid–19… Chỉ có một số cô đang có con nhỏ, trong giai đoạn mang thai… có nguyện vọng tạm thời chưa quay trở lại làm việc. Còn phần lớn giáo viên đều mong muốn quay trở lại với nghề dạy học. Vì vậy, dù số trẻ trở lại trường thời gian đầu chưa nhiều, nhà trường vẫn tiếp nhận giáo viên đi làm trở lại. “Chúng tôi không thể yêu cầu cô này nghỉ, cô kia đi làm, bởi vì quyền lợi của giáo viên là như nhau. Thế nên, dù có những ngày nhận chưa đầy 20 trẻ nhưng giáo viên vẫn đến trường đầy đủ”, cô Trần Uyên Miêng cho hay.
Giờ học vận động của Trường Mầm non Selfwing V-Kids. |
Trong tháng 3, số trẻ ra lớp của Trường Mầm non Đức Trí (quận Hải Châu) dao động từ 30-40% so với tổng số trẻ trước khi nghỉ dịch Covid–19. Cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Qua nắm tình hình đội ngũ, chúng tôi động viên những cô giáo đang có việc làm tạm thời như bán hàng ăn, phụ quán, bán hàng online… nếu vẫn có thể tiếp tục thì cố gắng duy trì. Số giáo viên chưa có việc làm, nhà trường đều tiếp nhận quay trở lại”.
Theo cô Nga, dự định lúc đầu, nhà trường sẽ phân công giáo viên luân phiên đứng lớp nhằm chi phí tiền lương cho chủ trường, nhưng lại đẩy khó khăn cho giáo viên và cho cả trẻ. Nghỉ dịch một thời gian dài, trẻ trở lại trường với rất nhiều xáo trộn trong sinh hoạt. Có nhiều bé mất đi thói quen tự phục vụ, thậm chí uống nước, cô giáo cũng phải dùng thìa cho uống chứ không thể tự bưng cốc nước. Vì vậy, số trẻ/lớp tuy ít nhưng giáo viên lại vất vả trong rèn nề nếp cùng các kỹ năng. Trường Mầm non Đức Trí chấp nhận tăng số giáo viên/lớp để trẻ nhanh chóng hòa nhập lại với môi trường lớp học.
Nghỉ học thời gian dài, giáo viên phải mất khá nhiều thời gian để dạy trẻ thích nghi với các hoạt động tại lớp. |
Cùng sẻ chia gánh nặng
Trường Mầm non Ngôi sao xanh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có 12/21 giáo viên trở lại trường dạy học. “Một số cô đang ở quê hoặc dở dang công việc tạm thời trong giai đoạn nhà trường đóng cửa để phòng, chống dịch theo yêu cầu của địa phương. Khi số trẻ đến trường tăng, các cô sẽ thu xếp để trở lại với việc dạy – học”, cô Đỗ Thị An Khuê – Hiệu trưởng nhà trường thông tin. Với một số giáo viên ngoại tỉnh, các cô có nguyện vọng nhà trường hỗ trợ chỗ ở trong giai đoạn đầu. Nếu việc dạy – học trực tiếp ổn định, các cô mới tính đến phương án tìm chỗ trọ lâu dài. Vì vậy, trong thời gian đầu quay trở lại công việc, nhà trường đã hỗ trợ, chia sẻ cùng giáo viên để đảm bảo sự ổn định trong đội ngũ.
Trong thời gian đầu mở cửa trở lại, Nhóm lớp độc lập tư thục Aqua (quận Thanh Khê) buộc phải dồn trẻ ở cả 2 cơ sở lại làm một vì trẻ ra lớp rất ít. Cô Đoàn Thị Dạ Ngân, chủ nhóm lớp cho biết: “Chúng tôi xác định mở cửa ở giai đoạn này sẽ rất khó khăn, thu không đủ bù chi. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm, vừa là để chia sẻ gánh nặng kinh tế với giáo viên, vừa đáp ứng nhu cầu gửi con của một bộ phận phụ huynh”.
Trong gần một năm đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch Covid–19, nhiều giáo viên của Nhóm lớp độc lập tư thục Aqua buộc phải chuyển sang buôn bán nhỏ. Có cô bán đồ ăn online, có cô đêm hôm phải sang cảng cá Thọ Quang lấy hàng về bán… “Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ chỗ ở cho những trường hợp nào quá khó khăn, phải đi ở trọ thì chuyển vào khuôn viên của cơ sở Aqua để ở tạm, tiết kiệm một phần chi phí sinh hoạt”, cô Ngân thông tin. Vì vậy, nhóm trẻ hoạt động trở lại cũng giúp giáo viên phần nào giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Các chủ nhóm lớp độc lập tư thục, chủ trường mầm non tư thục đều có cùng suy nghĩ như cô Đoàn Thị Dạ Ngân, mở cửa đón trẻ trong thời gian này là xác định không có lợi nhuận, thậm chí là bù lỗ. “Coi như mình gây dựng từ đầu, như ngày mới mở nhóm lớp, rồi lấy ngắn nuôi dài và hy vọng tình hình sẽ lạc quan trong thời gian tới”, cô Ngân tâm sự. |
Tác giả: Hà Nguyên
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn