Chọn ngành học nào dễ kiếm việc khi "sống chung" với dịch Covid-19?
- 08:01 07-04-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tháng 4 là thời điểm mà hầu hết học sinh lớp 12 đã có lựa chọn nghề nghiệp cho mình để đăng ký các nguyện vọng ĐH,CĐ. Thế nhưng, thực tế còn rất nhiều em học sinh mơ hồ về ngành học, chưa biết xã hội cần gì và mình phù hợp với nghề nào.
Tại chương trình tọa đàm trực tuyến "Định hướng nghề nghiệp vì tương lai thế hệ trẻ 2022" do Trường Cao đẳng Viễn Đông tổ chức, ban tổ chức nhận được rất nhiều câu hỏi về các ngành nghề khá phổ biến mà đáng lẽ các học sinh cấp 3 đều phải biết là ngành này học gì, ra trường làm công việc gì...
Thậm chí, có em vẫn còn phân vân lựa chọn giữa nhiều ngành có tổ hợp môn thi trái ngược nhau. Điều đó chứng tỏ các em còn rất mơ hồ về định hướng nghề nghiệp tương lai. Câu hỏi mà nhiều em quan tâm nhất là học ngành gì để dễ kiếm việc làm khi ra trường, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 tác động mạnh đến kinh tế - xã hội như hiện nay.
Theo các chuyên gia, chọn ngành nghề phù hợp xu hướng phát triển của xã hội thì cơ hội có việc làm rộng mở hơn vì số lượng vị trí việc làm lớn. Tuy nhiên, chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và cá tính bản thân càng quan trọng hơn.
Chọn nghề quan trọng nhất là phù hợp với sở thích, năng lực bản thân (Ảnh minh họa: Hải Long). |
Phát biểu tại tọa đàm, bà Bùi Thị Hồng Ngọc, Điều dưỡng trưởng Bệnh Viện Nhiệt Đới TPHCM, cho rằng: "Các em phải kiểm tra tính cách, năng lực của bản thân có phù hợp với nghề đó hay không rồi mới lựa chọn".
Bà lấy ví dụ nghề điều dưỡng phù hợp với người có tính cách ôn hòa, sống tình cảm và có chút lý trí. Vì chỉ người có tính cách ôn hòa, tình cảm mới có thể tỉ mỉ chăm sóc cho người khác, chịu đựng những phản ứng bực dọc vô cớ của người bệnh, có lý trí để đưa ra những quyết định phù hợp khi xử lý các tình huống biến chứng...
"Nếu mình chọn học nghề không phù hợp với tính cách, sở thích, năng lực của mình thì có thể sẽ bỏ học giữa chừng, hay bỏ nghề khi làm việc thấy chán nản, không chịu nổi áp lực... như vậy sẽ rất lãng phí", bà Hồng Ngọc chia sẻ.
Bà Dương Hải Yến, Giám đốc nhân sự Vinpearl Phú Quốc cũng khuyến khích học sinh nên lựa chọn nghề phù hợp với sở thích, năng lực của mình, cho dù nghề đó không cao sang, danh giá như cái nhìn của xã hội.
Bà Yến chia sẻ, trong ngành nhà hàng - khách sạn có người đi lên từ những công việc rất nhỏ như nhân viên tạp vụ rồi thành tổ trưởng, thành quản lý bộ phận tạp vụ (Chief Steward). Đây là vị trí đang có nhu cầu rất lớn trên thị trường và được nhiều nhà hàng, khách sạn hạng sang trả lương cao để săn tìm.
"Nhiều người cứ nghĩ việc đó không ai muốn làm nhưng thực ra rất có nhu cầu. Quan trọng nữa là có đam mê, chấp nhận khó khăn vì công việc mình yêu thích thì bạn sẽ gắn bó, tích lũy kinh nghiệm và biết đâu cơ hội sẽ tới", bà Yến nói.
Về công việc có nhu cầu cao, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, sau dịch Covid-19 cho thấy rất nhiều ngành nghề đang thiếu nhân lực như y tế, du lịch...
Những nhóm ngành thế mạnh sẽ dẫn đầu xu hướng lao động vẫn là khoa học máy tính, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; Công nghệ cơ khí - tự động hóa, điện - điện tử; Công nghệ thực phẩm, hóa - sinh, công nghệ nông - lâm - ngư...
Tuy nhiên, công nghệ thông tin đang ảnh hưởng đến toàn cầu khiến các ngành nghề thay đổi rất nhanh, người học cần xác định tinh thần sẵn sàng thích nghi trong các bối cảnh mới để có thể linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề.
Ông Tuấn nhấn mạnh: "Các bạn nên chọn ngành phù hợp với đam mê, năng lực, tính cách của mình, không hướng vào một nghề cụ thể, mà hướng vào các lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với thị trường lao động, nhằm để mở rộng hướng công việc hơn, giúp tăng cơ hội thành công và giảm nguy cơ thất nghiệp".
Tác giả: Tùng Nguyên
Nguồn tin: Báo Dân trí