Hòn đảo kỳ lạ cứ 6 tháng lại "đổi quốc tịch" một lần
- 07:51 02-04-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cách dòng sông Bidasoa gần biên giới Pháp - Tây Ban Nha chưa đầy 6 km có một hòn đảo nhỏ tên gọi Pheasant. Hòn đảo xuất hiện từ rất lâu, nhưng tới năm 1659, nó lại trở thành vùng đất rất đặc biệt trên thế giới.
Chính vào năm này, các đại diện đến từ Pháp và Tây Ban Nha đã gặp gỡ và cùng nhau ký kết Hiệp ước Pyrenees - đánh dấu chính thức kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài dai dẳng từ năm 1635.
Đảo Pheasant được coi là một trong những vùng đất kỳ diệu nhất trên thế giới (Ảnh: Amusing). |
Trước khi Hiệp ước Pyrenees được ký kết, hòn đảo từng được chọn làm nơi gặp gỡ giữa hai quốc gia Pháp - Tây Ban Nha. Nhiều sự kiện lịch sử trọng đại từng diễn ra trên đảo hoặc để trao đổi tù binh. Đây cũng là nơi Vua Pháp Louis XIII đã gặp người vợ tương lai của mình là công chúa Tây Ban Nha. Trong khi đó, Vua Philip IV của Tây Ban Nha cũng từng cưới một cô gái người Pháp qua lần gặp mặt trên đảo.
Hiệp ước Pyrenees đồng thời đưa ra biên giới mới chạy dọc theo núi Pyrenees, sau đó đi theo con sông Bidasoa tới vịnh Biscay ở Đại Tây Dương, tạo thành đường biên giới giữa Pháp và Tây Ban Nha. Trên thực tế, đường biên giới sẽ cắt ngang qua đảo Pheasant, chia hòn đảo rộng 1,6 hecta này thành 2 phần cho mỗi bên nắm một phần kiểm soát. Nhưng cuối cùng, bản hiệp ước cũng sắp xếp một cách rất hợp lý, biến Pheasant thành "ngôi nhà chung" của cả 2 bên.
6 tháng đầu năm, đảo thuộc sở hữu của người Pháp, nhưng đến 6 tháng cuối năm lại thuộc về Tây Ban Nha (Ảnh: Amusing). |
Vào ngày 7/11/1659, hai bên ký kết hiệp ước với một phần nội dung xác định hòn đảo Pheasant thuộc quyền sở hữu chung. Kể từ đó tới nay, hòn đảo này trở thành điểm chung trung lập cuối cùng giữa hai quốc gia khi 6 tháng lại "đổi chủ" một lần.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, đảo thuộc về quyền sở hữu của Pháp. Nhưng 6 tháng cuối năm lại thuộc về người Tây Ban Nha. Việc thay đổi này đã diễn ra trong suốt hơn 400 năm qua.
Trên đảo từng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng giữa hai quốc gia (Ảnh: Amusing). |
Theo BBC, khách du lịch không được phép đặt chân lên hòn đảo này. Trong vòng gần nửa thế kỷ qua, diện tích của đảo bị sông xâm thực nên giảm gần một nửa, từ 6.820 m2 xuống còn khoảng 3.000 m2. Cho tới ngày nay, cho dù kỳ lạ nhưng Pheasant vẫn là một biểu tượng mạnh mẽ của sự hòa bình và trung lập.
Tác giả: Huy Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí