Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Có gì trong căn hầm được ghép bằng đá cuội giữa rừng già?

Nằm lọt thỏm giữa rừng già tại xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) có một căn hầm có từ thời chiến tranh chống Mỹ. Tuy diện tích khá nhỏ, nhưng căn hầm có cách xây dựng khá độc đáo. Đặc biệt, với kiểu thiết kế mái vòm, ghép bằng đá cuội, mặc dù trải qua hàng chục năm nhưng vẫn gần như nguyên vẹn.

Căn hầm độc đáo có từ thời chống Mỹ, có duy nhất một cửa để xuống. Tuy nhiên, bên trong là một công trình có cách xây dựng độc đáo.

Theo đó, căn hầm nói trên nằm lọt thỏm trong một khu rừng già, thuộc xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm xã Nghĩa Mai chừng 10 km.

Việc di chuyển vào khu rừng chủ yếu đi bằng xe máy, sau đó, phải đi bộ hơn một giờ nữa mới đến căn hầm với những lối mòn, cây cối rậm rạp.

Ông Trần Xuân Thế (59 tuổi), người dẫn chúng tôi đến vị trí căn hầm cho biết, căn hầm này được ông và 3 người nữa phát hiện từ năm 1997. 

Hầm được thiết kế theo kiểu mái vòm như một chiếc bát úp, có tổng diện tích khoảng 5 m2, đáy hầm nằm sâu so với cửa hầm khoảng 40 cm. Toàn bộ mặt trong của hầm và mái vòm được ghép bằng đá cuội to, tròn, dẹt, liên kết với nhau bằng một hỗn hợp màu đỏ. 

Trên nền đất bằng phẳng có 3 cái bếp nhỏ, được thiết kế theo kiểu bếp Hoàng Cầm và một ống thông khí ra ngoài. Khi chiếu những ánh đèn pin vào các bức vách của căn hầm, xuất hiện những lớp vảy trông rất bắt mắt. 

Theo quan sát của chúng tôi, phía trên hầm đã xuất hiện một lỗ thủng có đường kính khoảng 30 cm. Từ trong hầm nhìn qua lỗ thủng, ánh sáng le lói bên ngoài xuyên qua lớp mạng nhện và cành cây chằng chịt chỉ còn là những tia sáng lờ mờ… 

Theo ông Thế, khi mới phát hiện, căn hầm tối đen, trong hầm lúc đó có nhiều bát sắt B52, loại bộ đội ta hay dùng và một số đồ dùng sinh hoạt. Tuy nhiên, sau này, nhiều người biết đến căn hầm các vật dụng cũng nhanh chóng “không cánh mà bay”. 

Ông Thế nhận định, đây có khả năng là nơi trú ẩn và là xưởng sản xuất cơ khí, phục vụ việc mở đường chiến lược 15, vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào chiến trường miền Nam.

Điều này càng có cơ sở, khi theo nhiều cao niên trong làng cho biết, vào những năm 1973, trong khu rừng này có một xưởng đại tu của ngành giao thông chuyển về đây. Sau khi bị Mỹ phát hiện ném bom, nên xưởng được đưa xuống những căn hầm như thế này. 

Căn hầm được các phiến đá cuội xếp chồng lên nhau và rất chắc chắn.  

Tuy nhiên, hiện căn hầm cũng chỉ là nơi tới lui thỏa trí tò mò của người dân, chính quyền cấp xã cũng chỉ khuyến cáo người dân không xâm hại, gây hư hỏng căn hầm, chứ chưa được tôn tạo hay bảo vệ những căn hầm có giá trị lịch sử này. 

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết