Vì sao ông Trịnh Văn Quyết đã bị xử lý hành chính song vẫn 'dính' hình sự?
- 16:55 31-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Ngọc Lan (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) để làm rõ về các vấn đề pháp lý liên quan.
Xin luật sư cho biết, đâu là "ranh giới" giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với hành vi của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC?
Ông Trịnh Văn Quyết bị Uỷ ban chứng khoán nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm hành chính trong việc đã không công bố thông tin về dự kiến giao dịch cổ phiếu. Điều này được quy định cụ thể tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/12/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 128/2021/ND-CP ngày 30/12/2021.
Truy cứu trách nhiệm hình sự là buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Trong trường hợp này, ông Trịnh Văn Quyết đã vi phạm vào quy định của Bộ luật Hình sự về thị trường chứng khoán, cụ thể quy định về việc thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Về nguyên tắc, nếu đã bị xử phạt vi phạt hành chính đối với hành vi vi phạm rồi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đó nữa vì một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lí một lần.
Vì vậy, trong trường hợp này, không loại trừ khả năng cơ quan chức năng phải xem xét tới việc huỷ quyết định xử phạt hành chính trước đây đối với ông Quyết.
Luật sư Nguyễn Ngọc Lan (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), Giảng viên khoa Luật (Đại học Đại Nam) |
Theo thông tin Tiền Phong nắm được, sau vụ bán chui cổ phiếu gây chấn động vào tháng 1/2022, tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết bị cấm giao dịch, nhưng ông này vẫn tiếp tục có hành vi thao túng, đẩy giá cổ phiếu. Để đối phó với cơ quan chức năng, ông Quyết đã giao cho người thân sử dụng các tài khoản chứng khoán mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu FLC với số lượng lớn để đẩy giá cổ phiếu, tạo thanh khoản giả. Giá cổ phiếu FLC đã được "thổi" từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên 14.500 đồng/cổ phiếu (ngày 22/3/22). Theo luật sư, khi đang trong quá trình xử lý hành chính mà tiếp tục vi phạm thì theo quy định pháp luật sẽ xử lý như thế nào?
Như tôi đã nói, về nguyên tắc, một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lí một lần. Trong trường hợp này, ông Quyết đã bị xử phạt hành chính về hành vi không báo cáo về giao dịch cổ phiếu dự kiến. Tuy nhiên, nếu đúng ông Quyết có hành vi thao túng, đẩy giá cổ phiếu cũng như đã giao cho người thân sử dụng các tài khoản chứng khoán mở tại công ty CP chứng khoán BOS liên tục đặt lệnh mua Cổ phiếu FLC với số lượng lớn để đẩy giá cổ phiếu, tạo thanh khoản giả, nhằm thu lợi bất chính nêu trên thì đây có thể mới là nguyên nhân chính khiến ông Quyết bị khởi tố tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Như thế nào được coi là phạm tội thao túng thị trường chứng khoán? Người phạm tội phải đối diện khung hình phạt nào, thưa luật sư?
Tham chiếu vào những yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể thấy rõ hành vi “bán chui” cố phiếu với số lượng lớn của ông Quyết nhưng không đăng ký; khi bị cấm giao dịch vẫn tìm cách "thổi giá" như trên... đã gây ra những hậu quả cho thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư. Điều đó đã đảm bảo đầy đủ các yếu tố của cấu thành tội phạm.
“Tội thao túng thị trường chứng khoán” được quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017. Hình phạt nặng nhất được quy định tại Khoản 2 điều này. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù 7 năm nếu có các tình tiết tăng nặng như: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán, đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng khi nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán nào đó...
Bộ Luật hình sự hiện hành có mấy loại tội danh liên quan đến lĩnh vực chứng khoán thưa luật sư?
Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định 4 loại tội danh liên quan đến lĩnh vực chứng khoán. Thứ nhất là tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209). Thứ hai là tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Thứ ba, tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211) và Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212 Bộ Luật hình sự).
Hiện nay, thị trường chứng khoán ngày càng thể hiện vai trò là mạch máu của nền kinh tế, nhưng chúng ta lại nghe nhiều về những khái niệm tiêu cực như "úp bô", "đội lái", hay thậm chí ngay bản thân ông Quyết từng bị xử phạt vì bán chui cổ phiếu vào năm 2017...phải chăng chế tài xử lý hiện nay vẫn quá nhẹ?
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về việc mua bán, kinh doanh cổ phiếu và quản lý hoạt động của thị trường chứng khoán. Thực tế, hiện tượng “bán chui” cố phiếu không phải là bây giờ mới có. Tuy nhiên, đúng là hình thức xử phạt thường là nhẹ, mức xử phạt vi phạm hành chính chưa tương xứng với tính nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm của ông Quyết sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, cũng như khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo sự công bằng trong xã hội.
Tác giả: Lê Ka
Nguồn tin: Báo Tiền phong