Lần đầu tổ chức, đề thi đánh giá năng lực của 2 trường Sư phạm sẽ thế nào?
- 09:16 31-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm 2022, lần đầu tiên hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để phục vụ tuyển sinh hệ chính quy.
Với Đại học Sư phạm Hà Nội, ông Trần Bá Trình, Phó trưởng phòng đào tạo cho biết, năm nay trường bổ sung phương thức xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức. Trường dự kiến dành khoảng 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức mới này.
Thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực sẽ đăng ký một hoặc nhiều môn trong các môn: Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý. "Đây cũng chính là môn thi mà các em đang học tập và ôn tập để phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới", ông Trình nói và cho biết, kỳ thi diễn ra 1 ngày.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: H.C) |
Theo ông Trình cho biết, so với bài thi tốt nghiệp THPT, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực mang một số điểm khác biệt. Bài thi đánh giá năng lực Toán thời gian làm bài 90 phút, gồm 31 câu hỏi, trong đó 28 câu trắc nghiệm và 3 câu tự luận. Bài thi Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa Lý thời gian làm bài 60 phút, gồm 29 - 30 câu hỏi, trong đó 28 câu trắc nghiệm, còn lại là tự luận.
Bài thi đánh giá năng lực Ngữ văn diễn ra trong 90 phút, gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm và 2 câu liên quan đến bài văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học.
Trường đưa thêm câu hỏi tự luận vào trong đề thi nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực trình bày, suy luận của thí sinh, đồng thời tạo cơ hội giúp các em thể hiện năng lực tư duy trong chính bài thi của mình.
TS Trần Bá Trình khuyên các thí sinh không cần phân tâm để chuẩn bị cho các kỳ thi khác nhau. Nguyên nhân bởi những kiến thức mà các em ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp sẽ đồng thời phục vụ cho kỳ thi năng lực của trường.
Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức thi trước ngày 15/5. Thí sinh miền Bắc thi tại Đại học Sư phạm Hà Nội và thí sinh từ Đà Nẵng trở vào thi tại Đại học Sư phạm TP.HCM.
Với Đại học Sư phạm TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng cho biết, kỳ thi dự kiến được tổ chức 2 đợt vào tháng 4 và 6 tại nhiều địa phương nhằm tạo điều kiện cho thí sinh tham dự kỳ thi.
Kỳ thi gồm 6 bài thi: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi tùy theo số lượng ngành mong muốn xét tuyển.
Các bài thi đánh giá năng lực môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, thí sinh làm trong 90 phút (35 câu trắc nghiệm, 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn, thí sinh phải sử dụng các năng lực của mình để giải quyết và điền kết quả vào ô trống).
Bài thi đánh giá năng lực Ngữ văn (90 phút), gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm, 4 lựa chọn và 1 bài văn nghị luận xã hội với khoảng 600 từ. Chủ đề bài văn nghị luận xã hội sẽ được ra theo hướng mở.
Ở bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh (180 phút), gồm 4 phần tương ứng với 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 - 5 theo khung tham chiếu 6 bậc dành cho Việt Nam. Ngữ liệu trong đề thi được lấy đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau.
Các thí sinh thực hiện bài thi này trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức.
Ông Trung cho biết thêm, các nội dung kiến thức được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, trong đó phần kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70 - 80%. Còn lại là kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.
Tác giả: HÀ CƯỜNG
Nguồn tin: vtc.vn