Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ bắt ông Trịnh Văn Quyết: Cắt bỏ "ung nhọt" sao lại ảnh hưởng tiêu cực?

"Việc cắt bỏ "ung nhọt" thì vì sao lại ảnh hưởng tiêu cực, ngược lại còn làm cho thị trường tốt lên chứ. Chẳng nhẽ để "ung nhọt" phát triển thì thị trường mới tốt?" - Phó Chủ tịch VAFI nêu vấn đề.

Thông tin tác động tích cực đến thị trường chứng khoán

Liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FLC đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong ngày 29/3 về hành vi thao túng chứng khoán, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) - khẳng định, nhìn về dài hạn thì sự kiện trên sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Ông Hải đánh giá: "Tất nhiên những cổ phiếu liên quan đến FLC sẽ bị ảnh hưởng nhưng sẽ không thể ảnh hưởng đến thị trường chung được khi mà những gì gây hại cho thị trường đang bị ngăn chặn. Việc cắt bỏ ung nhọt thì vì sao lại ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, ngược lại còn làm cho thị trường tốt lên chứ?! Chẳng nhẽ để ung nhọt phát triển thì thị trường mới tốt? Làm có gì chuyện ấy!".

 Ông Trịnh Văn Quyết có không ít lần vi phạm về giao dịch cổ phiếu (Ảnh: Tiến Tuấn).

"Cá nhân tôi thấy những vi phạm về công bố thông tin, thao túng giá cổ phiếu tại nhóm FLC nói riêng và một số cổ phiếu khác trên thị trường nói chung đã diễn ra nhiều năm, "làm mưa làm gió" đến mức nhà đầu tư phải cảm thán bất lực với những vi phạm đó. Cho nên vụ việc khởi tố này tôi cho là sẽ tạo được hiệu ứng răn đe, khiến các đội lái trên thị trường phải chùn tay trong việc đánh lên, đánh xuống" - ông Hải bình luận thêm.

Lãnh đạo VAFI còn cho rằng, đứng sau hoạt động tạo cung cầu ảo, thao túng giá cổ phiếu là "phạm tội có tổ chức" bởi có công cụ là công ty chứng khoán, có nhóm hỗ trợ tạo hàng trăm tài khoản giao dịch, có người bám thị trường hàng ngày để đặt lệnh, tung tin, làm méo mó báo cáo tài chính.

"Tôi còn thấy việc những cổ phiếu "rác" tồn tại được trên thị trường chứng khoán hàng năm trời, chẳng những vậy còn được đưa vào rổ chỉ số VN30, được coi như "cổ phiếu hoa hậu" là khó chấp nhận. Có những điều cả thị trường biết thì vì sao thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) lại không biết được?" - ông nói.

Theo đại diện VAFI, từ những bất cập trong quản lý, giám sát đối với các hành vi giao dịch "chui" trên thị trường thời gian qua, vai trò của UBCKNN cần được nâng cao hơn. Theo đó, bộ phận giám sát của UBCKNN cần có sự tham gia của các lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính.

Chuyện xưa nhắc lại

Nhân sự kiện này, ông Nguyễn Hoàng Hải nhắc lại, vào năm 2018, VAFI từng nhiều lần gửi văn bản lên Bộ Tài chính, UBCKNN và các cơ quan hữu quan đề xuất giải pháp chấm dứt tình trạng bán "chui" cổ phiếu. Trước đó, VAFI từng gửi 3 văn bản đến các cơ quan trên để phản ánh những mặt còn yếu kém trong công tác quản lý thị trường chứng khoán.

Theo đánh giá của VAFI lúc đó, tình trạng nhiều đại gia, "sếp lớn" chứng khoán bán "chui" cổ phiếu diễn ra khá phổ biến nhằm trục lợi khiến thị trường chứng khoán méo mó, thiếu lành mạnh làm mất lòng tin các nhà đầu tư chân chính. Vậy nhưng, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm được cho là chưa đủ mạnh để ngăn chặn.

VAFI nhận xét, có một số trường hợp bán "chui" cổ phiếu xảy ra ở những người liên quan đến nội bộ với số lượng cổ phiếu nhỏ, chỉ một vài lệnh là xong giao dịch, những trường hợp này có thể là do sơ xuất vì chưa am hiểu pháp luật.

Tuy nhiên, Hiệp hội này cho rằng, với một số trường hợp bán "chui" cổ phiếu diễn ra với những người am hiểu pháp luật, bán "chui" với số lượng lớn với giá trị hàng trăm tỷ đồng, với số lệnh lớn lên tới hàng nghìn lệnh thì không thể nói là do vô tình hay sơ suất.

"Rõ ràng hành vi cố tình bán "chui" cổ phiếu là hành vi lừa đảo nhà đầu tư. Lừa đảo ở đây là việc che giấu thị trường, che giấu các nhà đầu tư chứng khoán về hành vi lén lút của mình" - lãnh đạo VAFI nhìn nhận.

 Giới chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán sẽ minh bạch và được siết chặt kỷ cương hơn sau sự việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt liên quan hành vi thao túng chứng khoán (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo ông, việc cố tình bán "chui" nhằm mục đích trục lợi đối với các nhà đầu tư cùng tham gia giao dịch phải bị lên án và ngăn chặn. Nhưng việc bao che, tiếp tay cho những người cố tình bán "chui" cổ phiếu nếu có cũng cần phải xử lý.

Lúc đó, VAFI đã dẫn chứng dẫn ra 2 trường hợp bán "chui" lượng lớn cổ phiếu tại sàn HoSE.

Cụ thể, theo Quyết định 1038 ngày 10/11/2017 của UBCKNN xử phạt Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros đã bán chui 13,6 triệu cổ phiếu AMD của Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone từ ngày 20/10/2017 đến ngày 24/10/2017. FLC Faros đã bán chui 21,04%/vốn điều lệ của FLC Stone tức bán gần hết tỷ lệ sở hữu cổ phần tại FLC Stone (chỉ còn 3,34%/vốn điều lệ FLC Stone).

Trường hợp tiếp theo, Quyết định 1039 ngày 10/11/2017 của UBCKNN xử phạt ông Trịnh Văn Quyết đã bán "chui" 57 triệu cổ phiếu của FLC (tương đương 9% vốn điều lệ FLC) được thực hiện từ ngày 20/10/2017 cho đến ngày 24/10/2017.

VAFI đặt câu hỏi lúc bấy giờ rằng, 2 trường hợp trên đã đặt bán hàng nghìn lệnh cho hàng nghìn nhà đầu tư nhỏ lẻ và diễn ra trong nhiều ngày nhưng vì sao thanh tra giám sát thị trường tại HoSE không biết để có biện pháp ngăn chặn? Trong khi đó, HoSE được trang bị phần mềm hiện đại trị giá mấy trăm tỷ đồng lại không sớm phát hiện ra những giao dịch của người nội bộ để có biện pháp ngăn chặn.

Do vậy, VAFI đã đưa ra giải pháp để chấm dứt tình trạng "bán/mua chui" cổ phiếu đó là, với tất cả đối tượng phải công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch thì phải tạm khóa và không cho giao dịch. Khi các đối tượng trên cần mua hay bán cổ phiếu, họ phải công bố thông tin theo quy định và khi nhận được thông báo này thì sở giao dịch sẽ mở khóa và chỉ cho phép họ mua bán với số lượng đã đăng ký và trong khoảng thời gian đã đăng ký.

Biện pháp kỹ thuật này nếu được áp dụng được cho là sẽ không phải sửa đổi các luật, nghị định, thông tư hiện hành và rất đơn giản so với phần mềm hiện đại của sở giao dịch chứng khoán.

Thị trường sẽ thêm minh bạch

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nói, việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam cho thấy cơ quan pháp luật gần như không có nhân nhượng với bất cứ hành vi thao túng hay hành vi nào nói chung làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán. Điều này giúp cho thị trường thêm minh bạch, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán vừa qua đón nhận khoảng 1,5 triệu nhà đầu tư mới.

Nhắc lại sự việc "bán chui" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết vào tháng 1, ông Nam bày tỏ, sự cố này đã tác động rất mạnh đến thị trường, khiến cho thị trường chứng khoán có một quãng thời gian dài bị tác động.

"Thời điểm đó, chúng ta thấy những hành động đó ảnh hưởng nhiều tới nhà đầu tư cầm cổ phiếu hoặc các nhóm cổ phiếu liên quan, đặc biệt là niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán", ông Nam nói.

Siết lại kỷ cương là điều tích cực cho thị trường chứng khoán

Dưới góc độ một nhà đầu tư trên thị trường lâu năm, ông Đoàn Hòa Thuận (Hà Nội), cho biết lẽ ra, việc siết lại kỷ cương, trật tự trên thị trường chứng khoán một cách quyết liệt như thế cần được triển khai từ lâu. Nhà đầu tư này cho rằng, hành động của cơ quan chức năng với hành vi thao túng chứng khoán là tốt cho thị trường vì những gì nhà đầu tư mong đợi là sự minh bạch của thị trường, sự quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước.

"Thực tế, vụ việc xảy ra hồi tháng 1 vừa qua (vụ bán chui cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết - PV) gây "mất điểm" quá rồi, và đây chính là cơ hội để làm cho thị trường trong sạch hơn", ông Thuận bày tỏ. Theo ông, tâm lý chung của nhà đầu tư trong phiên sáng 30/3 có thể sẽ ảnh hưởng nhưng chỉ đầu phiên, rồi sau đó ổn định.

"Vì vậy, câu chuyện này (chuyện bắt ông Trịnh Văn Quyết - PV), nhìn theo góc độ tích cực nhiều hơn là tiêu cực", nhà đầu tư có gần 20 năm trên thị trường chứng khoán nhấn mạnh.

Về phản ứng của thị trường, ông dự đoán, cổ phiếu "họ" FLC trong phiên 30/3 sẽ ảnh hưởng nặng nhất, tiếp đó nhóm cổ phiếu một số ngân hàng có quan hệ tín dụng như BIDV, NCB, OCB, Sacombank… có thể bị tác động.

"Với các cổ phiếu khác, mã nào mà tốt thì sẽ tách ra thôi. Về tổng thể thì việc siết chặt này là cơ hội tốt cho cả chứng khoán, tài chính, bất động sản, kỷ cương được siết chặt hơn, cơ quan quản lý Nhà nước làm mạnh hơn để tạo ra những chuẩn mực tốt hơn. Còn phản ứng của nhà đầu tư có thể là dừng lại để quan sát nếu vững tin hơn hoặc một số thì bán cổ phiếu đi mà thu tiền về, tùy vào tâm lý", ông chia sẻ.

Bảo Anh

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí