Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giáo viên mầm non hợp đồng tại Nghệ An: Khắc khoải chờ chính sách

Trong khi chờ HĐND Nghệ An ra Nghị quyết, Sở Tài chính tỉnh này đã có văn bản tạm thời hướng dẫn các địa phương giải quyết chế độ cho giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06.

 Việc bảo đảm chế độ, quyền lợi giúp giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và 09 yên tâm công tác.

Nhưng vận dụng nguồn ngân sách chi sự nghiệp giáo dục để trả lương về lâu dài gặp khó khăn. Còn việc trích nguồn thu khác của nhà trường lại vướng mắc vì danh mục chi không có nhóm đối tượng giáo viên hợp đồng.

Giải quyết lương và chế độ cho GV hợp đồng

Từ tháng 1/2022, Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV và Nghị định 06/2018/NĐ-CP hết hiệu lực. Giáo viên mầm non hợp đồng theo diện trên tại Nghệ An tạm dừng được trả lương do ngân sách Trung ương đã cắt. Trong thời gian chờ HĐND tỉnh ra Nghị quyết, cuối tháng 2, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản tạm thời hướng dẫn các địa phương phương án chi trả lương cho giáo viên.

Theo đó, các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng số giáo viên trên địa bàn và hợp đồng lao động. Xác định số giáo viên mầm non hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt hưởng lương từ ngân sách. Nếu thiếu so với chỉ tiêu thì sử dụng nguồn ngân sách chi sự nghiệp giáo dục năm 2022 đã được giao để chi trả cho lao động hợp đồng. Số giáo viên mầm non hợp đồng còn lại (ngoài chỉ tiêu hưởng lương từ ngân sách), các địa phương chỉ đạo trường mầm non ưu tiên sử dụng từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để chi trả.

Cô Nguyễn Thị Duyên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Long Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) - cho hay: 12 giáo viên hợp đồng của trường được trả lương tháng 1, 2 và tháng 3. Số tiền trả lương và đóng bảo hiểm cho 12 cô là hơn 85 triệu đồng/tháng, được huyện hỗ trợ từ nguồn ngân sách chi sự nghiệp giáo dục. Đến thời điểm này, nhà trường chưa phải vận dụng các nguồn thu khác để lo chế độ cho các cô hợp đồng. Điều này giúp các cô yên tâm công tác, nhà trường cũng ổn định dạy học.

Huyện Diễn Châu đang vận dụng nguồn ngân sách chi sự nghiệp giáo dục năm 2022 để trả lương cho 75 giáo viên mầm non hợp đồng. Theo ông Mai Ngọc Long, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, sau khi có văn bản hướng dẫn của Sở Tài chính, lương giáo viên được tạm mượn từ nguồn chi thường xuyên của nhà trường, hoặc từ học phí. Huyện cũng tập trung rà soát biên chế, thời gian tới sẽ ưu tiên xét tuyển, tuyển dụng giáo viên hợp đồng vào viên chức để bảo đảm quyền lợi cho lao động.

 Nhiều huyện miền núi Nghệ An đã cơ bản tuyển dụng hết giáo viên hợp đồng vào biên chế.

Không dám nhận ứng trước tiền lương

Cô Lê Thị Thu Hà (SN 1988) được nhận vào dạy hợp đồng theo Nghị định 06 tại Trường Mầm non Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An từ năm 2015. Hiện, cô có mức lương cao nhất trong số 7 giáo viên hợp đồng tại trường với 6 triệu đồng/tháng. Từ tháng 1 đến nay, dù chưa có lương nhưng cô vẫn dạy học đều đặn. “Năm nay, tôi phụ trách nhóm lớp 5 tuổi, giai đoạn quan trọng chuyển tiếp lên lớp 1 nên không thể để trẻ bị xáo trộn. Bản thân thời gian đầu khi nghe tin Nghị định 06 hết hiệu lực cũng lo lắng liệu có bị cắt hợp đồng hay không. Nhưng sau khi được nhà trường động viên, cho biết lãnh đạo các cấp đang đưa ra giải pháp cho giáo viên hợp đồng toàn huyện nên tôi yên tâm hơn, vừa dạy học vừa chờ đợi”, cô Hà cho biết.

Trường Mầm non Kỳ Sơn có tỷ lệ 1,8 cô/lớp, tính cả 7 giáo viên hợp đồng – số lượng cao nhất huyện. Theo cô Ngô Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng nhà trường, giáo viên hợp đồng có vai trò lớn để ban giám hiệu sắp xếp, bố trí đội ngũ thực hiện nhiệm vụ năm học khi có tới 3 điểm trường. Nhưng từ tháng 1 đến nay, ngoài 3 triệu tiền hỗ trợ Tết, các cô đều chưa có tiền lương, dù vẫn đi dạy bình thường.

“Trong hướng dẫn của Sở Tài chính có nói đến trường học được ưu tiên sử dụng từ nguồn thu sự nghiệp, nhưng phải đảm bảo hồ sơ mới được rút để chi trả. Chúng tôi đang tập trung thu tiền học phí, tiền bán trú để hỗ trợ các cô. Nhưng do ảnh hưởng dịch, số trẻ đến trường không đều nên nguồn thu không nhiều. Trong khi đó, giáo viên hợp đồng không dám nhận ứng trước tiền lương vì sợ sau này cắt hợp đồng, phải trả lại”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Sơn cho hay.

Ông Bùi Đức Hồng – Trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Kỳ - thông tin: Huyện  có 106 giáo viên hợp đồng mầm non theo diện 06 và 09. Tổng chỉ tiêu giáo viên mầm non được hưởng lương ngân sách là 599 người, trong khi thực tế có 492 biên chế. Như vậy, số giáo viên hợp đồng trên đều nằm trong tổng định biên hưởng lương ngân sách của huyện Tân Kỳ, không phải sử dụng đến phương án lấy nguồn thu của nhà trường để chi trả cho lao động hợp đồng. Nhưng để được chi trả theo đúng quy định vẫn phải đợi văn bản hướng dẫn của tỉnh.

“Chúng tôi đã tổng hợp danh sách và dự toán kinh phí chi trả lương cho số giáo viên này là 7,2 tỷ đồng/năm. Khi Nghị quyết của HĐND tỉnh được thông qua, huyện kịp thời chi trả lương cho giáo viên”, ông Bùi Đức Hồng nói.

 Cô Lê Thị Thu Hà – giáo viên hợp đồng 06 tại Trường Mầm non Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.

Khó khăn tìm nguồn kinh phí chi đúng cho GV hợp đồng

Huyện Nam Đàn đang triển khai chi trả lương tháng 1, 2 cho 76 giáo viên mầm non hợp đồng từ nguồn chi thường xuyên của các nhà trường. Trường nào quá khó khăn huyện cho ứng ngân sách để chi trả. Tuy vậy, về lâu dài khi nguồn kinh phí của nhà trường có hạn sẽ gặp khó khăn.

Chia sẻ thông tin, cô Dương Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Lâm (huyện Nam Đàn) - đồng thời cho biết: Tháng 1, huyện tạo điều kiện trích một phần học phí chưa nộp vào kho bạc để trả lương cho giáo viên, còn tháng 2 trường linh hoạt lấy tiền học tăng cường tiếng Anh. Nhưng các tháng tiếp theo sẽ khó khăn bởi nguồn thu của nhà trường theo quy định phải nộp về kho bạc. Nếu chi, phải đúng mục đích và đối tượng, trong khi giáo viên hợp đồng không nằm trong danh mục được chi.

Huyện Quế Phong đã tuyển dụng vào biên chế 44/46 giáo viên hợp đồng diện 06 trong năm học 2021 – 2022. Ông Lữ Thanh Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện - chia sẻ: Do địa hình miền núi cao, bậc mầm non duy trì nhiều điểm lẻ nên huyện ưu tiên tuyển dụng giáo viên hợp đồng lâu năm khi có chỉ tiêu. Điều này giúp các cô yên tâm công tác và ngành cũng thực hiện được kế hoạch, mục tiêu giáo dục bậc mầm non. Hai giáo viên còn lại tại Trường Mầm non Quang Sơn và Mầm non Kim Sơn chưa đủ tiêu chí để tuyển dụng. Huyện đang lấy nguồn ngân sách định biên lương của ngành Giáo dục chi trả để hai cô được hưởng đầy đủ lương, các quyền lợi, chế độ khác.

Huyện Kỳ Sơn cơ bản giải quyết số giáo viên hợp đồng theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV và Nghị định 06/2018/NĐ-CP. Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện - cho hay: Vừa qua, huyện tuyển được 57 giáo viên mầm non hợp đồng vào biên chế trong tổng 63 chỉ tiêu. Số giáo viên còn chưa đủ các điều kiện bằng cấp theo quy định (bằng cao đẳng theo Luật Giáo dục sửa đổi thay vì trung cấp như trước đây). Trong thời gian tới, nếu bổ sung đủ bằng cấp, huyện sẽ tuyển số giáo viên này vào viên chức.

Theo ông Vương Hồng Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, tỉnh cần sớm có văn bản hướng dẫn và cấp ngân sách để địa phương trả lương cho giáo viên. Còn giải pháp lâu dài là bổ sung chỉ tiêu để huyện tuyển dụng số lao động hợp đồng này vào biên chế.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn