Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trạm trộn bê tông dã chiến có phớt lờ vấn đề bảo vệ môi trường

Nằm bên cạnh trục đường quốc lộ 7 đoạn chạy qua xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, từ ngày khởi công dự án Trạm biến áp 220kV Tương Dương và đấu nối. Trạm bê tông dã chiến được mọc lên để phục vụ dự án nêu trên. Có thể mang tính chất dã chiến (trạm bê tông tồn tại trong thời gian thực hiện dự án, khi công trình trên hoàn thành trạm trộn kia sẽ được dỡ bỏ - phóng viên) nên vấn đề bảo vệ môi trường bị phớt lờ.

Tìm hiểu được biết, dự án trạm biến áp 220kV Tương Dương và đấu nối, do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần ứng dụng và phát triển thông tin là đơn vị thi công. Từ ngày dự án đó chính thức đi vào xây dựng năm 2021, ngoài nỗi ám ảnh bụi mù mịt vào mùa nắng, bùn đất lầy lội khi mưa xuống. Đơn vị thi công còn đổ hàng ngàn m3 đất đá xuống dòng sông Lam đoạn chảy qua xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

 Một khúc sông Lam bị lấp bằng hàng chục ngàn m3 đất đá.

Vấn đề người đi đường và người dân phải chịu cảnh “tắm bụi” khi trời nắng nóng, lầy lội khi mưa xuống, cảnh mất an toàn giao thông khi đi qua đoạn đường này, dường như điều bất khả kháng.

Điều đáng nói, hoạt động của trạm bê tông dã chiếm phục vụ dự án gây ô nhiễm môi trường, là điều khó chấp nhận. Việc xả thải ra môi trường của trạm bê tông phục vụ dự án trên là do đơn vị không xây dựng các bể xử lý nước thải. Thay vào đó họ xả thải thẳng ra môi trường để lại hậu quả. Trong khi đó, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động của trạm bê tông nói trên khá đơn giản, kinh phí để thực hiện cũng không quá lớn.

 Chất thải không được thu gom xử lý đổ tràn ra môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên cũng như hỏi ý kiến những người làm trong nghề sản xuất bê tông tươi được biết. Việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở các trạm trộn bê tông, nhất là các trạm trộn bê tông dã chiến rất đơn giản tùy thuộc vào công suất của từng trạm. Chỉ cần xây dựng từ 2 đến 3 bể, để thu gom nước trong quá trình sản xuất. Sau đó lắng đọng lại và thu gom nước để tái sử dụng, kính phí để xây dựng các bể để lắng đọng và thu gom không đáng bao nhiêu.

 Chất thải tràn ra môi trường.

Tuy nhiên, theo quan sát của nhóm phóng viên, trạm bê tông dã chiến nói trên lại vô tư xả thải ra môi trường bất chấp hậu quả để lại sau này. Nước thải gồm hỗ hợp xi măng trộn lẫn với cát sỏi tràn ra con mương nằm dọc theo quốc lộ 7 chạy vào các khe theo đó đổ thẳng xuống sông Lam.

 Bằng chứng cho thấy, trạm bê tông xả thải cách đây chưa lâu.

Để giúp độc giả có cái nhìn khách quan và trung thực hơn, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn gửi đến bạn đọc chùm ảnh phản ánh việc trạm bê tông phục vụ dự án trạm biến áp 220kV Tương Dương và đấu nối xả thẳng chất thải ra môi trường.

Những hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận phần nào phản ánh sự phớt lờ công tác bảo vệ môi trường của chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công. Công trình rồi sẽ hoàn thành đi vào sử dụng, nhưng những hậu quả về môi trường để lại, người dân sống trong khu vực này là người gánh chịu đầu tiên. Có thể, sự ô nhiễm của trạm bê tông này gây ra cho môi trường nó không quá lớn, nhưng đơn vị nào cũng “tặc lưỡi” như đơn vị này thì môi trường sống sẽ đi về đâu?

 Mương thoát nước nằm theo quốc lộ 7 trở thành mương xả nước thải từ hoạt động của nhà máy.

 Một con khe được tưới bằng hỗn hợp xi măng cát sỏi.

 Dấu tích còn lại từ hoạt động xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý của trạm bê tông này.

Tác giả: Ngọc Giáp

Nguồn tin: doanhnghiepthuonghieu.vn