Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kỳ án đầu độc 3 sư cô chùa Bạch Long: “Phù thủy gây mê” và những màn ra tay tàn nhẫn

Đào Thị Ngừng (50 tuổi, Bình Dương) là kẻ đã gieo rắc nỗi kinh hoàng trong hàng loạt các ngôi chùa từ Long An, Bến Tre, Bình Dương... khiến 3 người chết.

 

"Phù thuỷ gây mê"

Báo Gia đình & Xã hội cho biết, Đào Thị Ngừng (SN 1960), ngụ ở ấp 2, xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương dành hơn nửa cuộc đời mình để "ăn cơm tù mặc áo số". Thời gian thị ở tù còn nhiều hơn ở nhà. Từ năm 18 tuổi (1978), Đào Thị Ngừng đã bị đưa đi cải tạo do hành vi "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

Ngừng bắt đầu mang biệt danh "phù thuỷ gây mê" từ những năm 1983 sau khi liên tục gây ra các vụ gây mê kinh hãi khiến mụ ta phải đi tù 5 năm về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Những tưởng sau khi ra tù thị sẽ hoàn lương nhưng không, Ngừng lại quay về với con đường cướp tài sản trong giai đoạn những năm 1990.

Một số vụ gây mê tiêu biểu của Ngừng có thể kể đến như: tháng 7/1990, Ngừng đã ra tay với sư cô Nguyễn Thị Lê (chùa Quảng Bình, Q.Thủ Đức, TPHCM). Sau đó, tháng 6/1991, Ngừng bị TAND TPHCM xử phạt 4 năm tù thế nhưng mới thi hành án được vài tháng, đến tháng 10/1991, ả ta đã vượt ngục thành công, tiếp tục ra ngoài gây ra 4 vụ cướp tài sản khác.

Ngừng ngày càng củng cố biệt hiệu "phù thủy gây mê" của mình sau khi trốn tù với hàng loạt các nạn nhân như: 

Tháng 6/1993, chị Dương Thị Cúc bị cướp xe máy vì thuốc mê trong cà phê; tháng 7/1993, anh Lê Kim Sơn cũng bị cướp xe máy; tháng 9/1993, Ngừng gây mê ông Lê Văn Rị, ông Nguyễn Văn Hát, ông Nguyễn Văn Quý, bà Nguyễn Thị Bửng ở chùa Tam Bảo (huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé cũ) để cướp xe máy, 6 chỉ vàng và 500 nghìn đồng.

 Nữ quái Đào Thị Ngừng. Ảnh: Người lao động

Đã trốn tù còn "ngựa quen đường cũ", Ngừng trở thành đối tượng truy lùng số 1 của Công an tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ.

Cuối tháng 9/1993, Ngừng bị bắt về hành vi cướp tài sản và đến năm 1995, Ngừng bị TAND tỉnh Sông Bé xử phạt 15 năm tù về tội cướp tài sản, 1 năm tù về tội trốn khỏi nơi giam giữ, đồng thời buộc bị cáo chấp hành hình phạt của TAND TPHCM mà trước đó đã trốn tù, tổng là hơn 18 năm tù. 

Những vụ đầu độc kinh hoàng

Tháng 9/2008, Ngừng được ra tù trước thời hạn. Những tưởng thị đã thực sự ăn năn, hối cải nên được ân xá sớm nhưng không, thị không còn gây mê cướp tài sản nữa mà đã bước lên cấp độ mới là đầu độc cướp tài sản.

Sau khi ra tù, Ngừng tích trữ nhiều thuốc mê rồi đi qua một loạt tỉnh miền Tây tìm con mồi. Vụ đầu độc dã man đầu tiên của thị là ngày 11/2/2009, trụ trì của chùa Pháp Tam (phường Phú Khương, TP Bến Tre) là bà Phạm Lệ Thủy bị Ngừng đầu độc chết rồi cướp đi nhiều tài sản. 

Sau đó, ả ta tiếp tục bắt xe về An Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk để thực hiện hàng loạt vụ đầu độc khác với 10 nạn nhân bị thương và thêm 1 người chết là bà Võ Thị Xiêu (ngụ tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Đặc biệt, ngày 27/5/2009, Đào Thị Ngừng đến chùa Bạch Long (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) và gây ra vụ kỳ án đầu độc tại đây. 

3 sư cô nạn nhân của vụ việc may mắn chỉ bị thương là là Trần Thị Phỉ (SN 1946), Nguyễn Thị Ba (SN 1941), Nguyễn Thị Tuyến (SN 1959). 

Ban đầu khi đến chùa, Ngừng xưng tên là Hà, quê ở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM. Tại đây, ả ta liên tục kể khổ kể sở về hoàn cảnh đáng thương của mình. Vốn có lòng thương người nên 3 sư cô ngay lập tức tin lời Ngừng và hết lòng giúp đỡ.

Khi 3 sư cô sơ hở, Ngừng cho 3 người uống cà phê chứa hàm lượng thuốc gây mê lớn rồi cướp toàn bộ tiền công đức trong chùa. 

 3 sư cô đã may mắn sống sót. Ảnh: An ninh Thủ đô

May mắn là ba sư cô đã được người dân phát hiện, đưa cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng bị ảnh hưởng rất nhiều về sức khỏe. 

Sau khi gây án ở chùa Bạch Long, Ngừng lại đến chùa Long Hòa (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) rồi thực hiện lại chiêu thức tương tự là dùng cà phê chứa thuốc gây mê để đầu độc rồi cướp tài sản. 

Đến ngày 29/7/2009, Ngừng đến chùa Quan Âm (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để gây án khiến ông Nguyễn Văn Chơi (Tiền Giang) tử vong.

Quy án

Theo An ninh Thủ đô, với hành vi táo tợn lặp đi lặp lại thời gian dài, thông tin về Đào Thị Ngừng (kèm theo chân dung và các thông tin liên quan) được Công an tỉnh Bình Dương gửi đến công an các địa phương trong vùng và đăng tin rộng rãi để quần chúng nhân dân có thể tố giác tội phạm. 

Hành tung của Ngừng đã bị lộ khi anh N.T.N - một xe ôm ở thị xã Thủ Dầu Một lúc bấy giờ đã trình báo công an về việc nhiều lần chở người phụ nữ có nhân dạng đặc điểm như Ngừng đi nhiều nơi.

Anh N.T.N sốt sắng đưa các trinh sát đi truy tìm người đàn bà bí ẩn từ 11 giờ trưa 18/10/2019 đến tận đêm thì mới phát hiện thị tại một nhà trọ ở khu phố 2, phường Phú Cường (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Khi lực lượng công an vừa bước vào nhà trọ thì Ngừng phản ứng rất nhanh, định tẩu thoát nhưng không thành. 

Kiểm tra sơ qua phòng trọ của Ngừng, công an phát hiện 1 sợi dây chuyền, 1 đôi bông tai, 1 vòng đeo tai, 1 lắc, 2 bịch cà phê, 2 túi dựng nhiều loại thuốc tân dược, 300.000 đồng và một số giấy tờ. Đó là tang vật từ các vụ án đầu độc cướp tài sản ả phù thủy này.

Sau đó, Công an thị xã Thủ Dầu Một giao Đào Thị Ngừng cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An để điều tra hoàn thiện vụ án. 

Ngày 5/5/2011,TAND tỉnh tỉnh Long An tổ chức xét xử vụ án của Ngừng và kết luận: hành vi phạm tội của Đào Thị Ngừng là đặc biệt nghiêm trọng, đã tước đoạt mạng sống của ba người, gây tổn thương tinh thần và sức khỏe cho nhiều người khác, đã cướp đi số tài sản trị giá 150 triệu đồng, đặc biệt là hành vi đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong hàng chục năm. 

HĐXX cho rằng không còn khả năng cải tạo một con người như Đào Thị Ngừng nên tuyên án tử hình. Một bản án thích đáng dành cho người phụ nữ tham lam lười làm, coi mạng người như cỏ rác. 

Tổng hợp

Tác giả: Chi Chi

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị