Dai-ichi Life Việt Nam xin lỗi khách hàng, chịu toàn bộ phí giám định chữ ký
- 16:42 25-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khách hàng Nguyễn Thị Hồng Phượng cho biết chữ ký trên phiếu rút 100 triệu tiền bảo hiểm không phải của mình - Ảnh: BÔNG MAI |
Đại diện Dai-ichi Life Việt Nam vừa phản hồi Tuổi Trẻ Online, bày tỏ xin lỗi khách hàng vì chậm trễ gặp trực tiếp, liên quan đến phản ánh bị đại lý bảo hiểm giả chữ ký và rút mất hàng trăm triệu đồng. Doanh nghiệp sẽ trả phí giám định chữ ký.
"Thay mặt Dai-ichi Life Việt Nam, tôi xin gửi lời xin lỗi đến khách hàng Nguyễn Thị Hồng Phượng và khách hàng Nguyễn Thị Mai vì đã làm phiền lòng và gây bức xúc cho khách hàng trong thời gian qua", bà Lưu Thị Thu Hằng - giám đốc cấp cao, thương hiệu và marketing Dai-ichi Life Việt Nam - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online vào hôm nay 24-3 trong việc chậm trễ gặp mặt trực tiếp và xử lý vụ việc liên quan đến hai khách hàng này.
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, bà Phượng (quận 7, TP.HCM) và bà Mai (quận Tân Phú, TP.HCM) tố bị đại lý bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam tự ý dùng thông tin cá nhân và giả mạo chữ ký trên "Phiếu yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm" và hồ sơ mở tài khoản tại Ngân hàng Bảo Việt (chi nhánh Nam Sài Gòn), nhằm rút trót lọt của mỗi người 100 triệu đồng và 350 triệu đồng tiền bảo hiểm.
Trước đó hai khách hàng này đã liên hệ với doanh nghiệp bảo hiểm nhưng sự việc bị kéo dài nhiều tháng, chưa có hướng giải quyết thỏa đáng. Sau khi báo chí lên tiếng, doanh nghiệp này đã có cuộc gặp trực tiếp với bà Phượng vào ngày 21-3 và bà Mai vào ngày 23-3.
Trong nội dung phản hồi, vị lãnh đạo của Dai-ichi Life Việt Nam cũng cho biết tại thời điểm bà Phượng gửi phản ánh đến báo Tuổi Trẻ, công ty vẫn chưa đủ căn cứ pháp lý để có thể "kết luận" đại lý Phan Trần Duy Hóa giả mạo chữ ký khách hàng theo quy định của pháp luật.
Do đó, trong thư phản hồi, công ty có đề nghị khách hàng đi trình báo cơ quan có thẩm quyền. Đại diện công ty này khẳng định hoàn toàn không có ý "phủi tay". Cụ thể, ngay sau khi nhận thông tin bà Phượng báo bị giả mạo chữ ký, công ty đã chủ động gửi văn bản đến Ngân hàng Bảo Việt nhưng phía ngân hàng đã từ chối cung cấp thông tin.
Phía Dai-ichi Life Việt Nam cũng thông tin sau khi làm việc với bà Mai vào chiều qua, công ty đã liên lạc và đại diện Ngân hàng Bảo Việt khẳng định phía ngân hàng chỉ cung cấp hồ sơ, thông tin cho cơ quan công an, không thể cung cấp cho Dai-ichi Life Việt Nam.
Về phí giám định chữ ký, doanh nghiệp này cho biết không yêu cầu bà Phượng chi trả chi phí giám định chữ ký, mà do khách hàng chủ động trên tinh thần hợp tác.
Trước đó, tại biên bản làm việc do doanh nghiệp soạn thảo, phần phí giám định do bà Phượng chi trả. Tuy nhiên, Tuổi Trẻ Online có dẫn ý kiến của luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, trong sự việc trên, thời gian xử lý của công ty bảo hiểm kéo dài đến gần 4 tháng là quá lâu, chưa nhiệt tình hỗ trợ khách hàng và trách nhiệm của mình. Thông thường người tố cáo nộp phí giám định chữ ký nhưng nếu phải nộp thì công ty bảo hiểm nên nộp vì thể hiện trách nhiệm và thiện chí với khách hàng.
Sau khi làm việc với bà Mai vào chiều qua, doanh nghiệp cho biết sẽ cho giám định chữ ký hai người là bà Phượng và bà Mai trên tất cả các phiếu yêu cầu rút tiền, chậm nhất là ngày 31-3-2022, toàn bộ khoản phí này do doanh nghiệp trả.
Vị lãnh đạo từ Dai-ichi Life cũng cho biết doanh nghiệp sẽ làm việc tiếp với hai khách hàng, Ngân hàng Bảo Việt để trình báo sự việc cho cơ quan điều tra.
Nếu kết quả vụ việc được kết luận rằng giao dịch tạm ứng từ giá trị hoàn lại của hợp đồng theo thư xác nhận hoàn toàn bị giả mạo, thì giao dịch trên sẽ được hủy bỏ. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp sẽ đảm bảo mọi quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai khách hàng.
Dù vậy, đối mặt với vụ việc trên, cả hai khách hàng đều cho biết cảm thấy bất an, nếu tiếp tục đóng phí để duy trì hợp đồng thì sợ lại gặp rủi ro, còn hủy ngang (tất toán hợp đồng trước hạn) thì số tiền nhận về không đáng là bao so với khoản phí đã đóng trong nhiều năm qua.
Tác giả: Bông Mai
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ