Loạn giá gas, vì đâu nên nỗi?
- 05:52 24-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cạnh tranh không lành mạnh
Tháng 3/2022, với việc giá gas thế gới tăng dẫn đến giá gas thị trường Việt Nam tăng lên 42.000 đồng/bình loại 12kg, giá gas giao đến tay người tiêu dùng dao động từ 430.000 - 515.000 đồng/bình gas 12kg tùy theo thương hiệu. Cụ thể, tại TP Vinh (Nghệ An), gas của Tập đoàn xăng dầu Petrolimex (Petrolimex gas) báo giá 515.000 đồng/bình loại 12kg, trong khi cùng loại này, giá gas bán lẻ của Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam (Petrovietnam) báo giá là 455.000 đồng, Công ty Shell Việt Nam TNHH (Shell gas) là 480.000 đồng, Công ty TNHH Total Việt Nam (Total) là 430.000 đồng….
Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, ngoại trừ Petrolimex vẫn giữ nguyên giá bán so với thị trường Nghệ An, nhiều hãng gas đã có sự chênh lệch giá khác nhau, tùy từng đại lý và từng khu vực kinh doanh. Với mức tăng 42.000 đồng/bình 12kg kể từ đầu tháng 3/2022, giá gas đến tay người tiêu dùng của Công ty cổ phần Dầu khí Sài Gòn Nghệ An (SP) và Công ty Total Gas Vietnam tại đây đạt mức 502.000 đồng/bình 12kg, cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, qua tìm hiểu thực tế tại thị trường các tỉnh miền Trung, trong đó đặc biệt tại Nghệ An, trong thời gian gần đây giữa các hãng gas đang có sự cạnh tranh gay gắt, tạo nên những đợt “sóng ngầm” về giá giữa các hãng. Những con số “biết nói” trên chưa phản ánh đúng thực tế giá gas thị trường hiện nay, mà đó chỉ là con số để các hãng này báo giá niêm yết với cơ quan chức năng, thực tế giá gas loại bình 12kg khi phân phối đến đại lý bán lẻ của các hãng tại Nghệ An chỉ khoảng từ 310.000 - 330.000 đồng/bình 12kg. Trong khi đó, tại Hà Tĩnh con số này là 375.000 - 380.000 đồng/bình 12kg, và Thanh Hóa là 380.000 - 390.000 đồng/bình 12kg.
Vậy, vì đâu mà trong bối cảnh giá khí đốt trên thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt là từ sau khi chiến sự giữa Nga và Ukraina nổ ra thì giá gas tại các tỉnh miền Trung lại liên tục nhảy múa, thậm chí hạ giá thành? Ông Trần Hậu Tâm, Chủ tịch Hội Kinh doanh gas Hà Tĩnh cho rằng, về sự chênh lệch giá gas giữa các tỉnh miền Trung trong thời gian qua, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh với nhau dẫn đến loạn giá trên thị trường.
Theo ông Tâm, mức bình ổn giá chỉ được tính trong khoảng thời gian nhất định, hiện tại các doanh nghiệp bán ra thị trường đang chấp nhận bù lỗ nên thời gian tới, dự kiến sự bình ổn trên địa bàn Hà Tĩnh cũng sẽ đứt gãy. Hiện tại, giá bán ra thị trường của các hãng gas ở Hà Tĩnh so với Nghệ An là cao hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn phải bù lỗ. Trước câu hỏi của phóng viên, liệu với vai trò trung gian, Hội Kinh doanh gas Hà Tĩnh có thể đứng ra để bình ổn giá hay không, thì vị chủ tịch này thừa nhận là khó.
Giá gas tăng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. |
Cần có tiếng nói chung
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên ngay bên lề cuộc họp giữa các thành viên hiệp hội vào ngày 15/3, thư ký Hiệp hội gas Nghệ An ông Hoàng Sỹ Tĩnh cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến không bình ổn được giá gas trên thị trường tỉnh Nghệ An trong thời gian gần đây là do lãnh đạo Hiệp hội gas Nghệ An không đoàn kết, không quản lý và điều tiết nổi dẫn đến các doanh nghiệp hạ giá thành để cạnh tranh chiếm thị phần lẫn nhau, chấp nhận bù lỗ. Theo vị này, giải pháp hữu hiệu nhất là Nghệ An cần phải đoàn kết, thực hiện đúng luật cạnh tranh, mời các cơ quan chức năng vào cuộc để bình ổn mức giá khi phân phối ra thị trường đảm bảo quyền lợi cho các công ty kinh doanh về khí LPG.
Hệ lụy của việc các doanh nghiệp cạnh tranh thiếu minh bạch, không chỉ phải liên tục bù lỗ để giữ thị phần khi bán ngang giá đầu vào, làm nhiễu loạn thị trường mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Đó là tình trạng thu giữ, chiếm dụng vỏ bình giữa các hãng với nhau vẫn ngấm ngầm diễn ra. Thực tế này đã xảy ra từ hơn 10 năm qua, và đến nay vẫn âm ỉ tồn tại, tạo nên cuộc chiến ngầm giữa các hãng gas với nhau. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật nhưng tình trạng chiếm dụng vỏ bình vẫn diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, gây nguy hiểm cho tính mạng của người tiêu dùng.
Trong khi đó, việc “loạn giá” gas giữa các doanh nghiệp cũng khiến người tiêu dùng hoang mang, không biết phải chọn thương hiệu nào để vừa đảm bảo chất lượng, vừa an toàn trong quá trình sử dụng. Trên thị trường hiện nay, có các loại gas áp thấp (gas nặng) và gas áp cao (gas nhẹ), nguồn gas trong nước và gas nhập khẩu tương đối ổn định, giá bán của các thương nhân đầu mối ổn định theo thông báo quốc tế. Tuy nhiên, giá bán của các doanh nghiệp khi mua về sang chiết ra bình phục vụ người tiêu dùng thì lại nhảy múa làm cho người tiêu dùng cũng bị cuốn vào “ma trận”, không biết nên lựa chọn sản phẩm nào.
Là cơ quan nhà nước đóng vai trò quản lý, nhưng Sở Công thương các tỉnh cũng chỉ nắm được số lượng doanh nghiệp, nắm bắt giá niêm yết để quản lý, không để doanh nghiệp bán vượt quá mức giá quy định. Ông Nguyễn Văn Khang, chuyên viên Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An cho biết, đến thời điểm hiện tại Sở Công Thương chưa nhận được bất cứ phản ánh, đơn thư nào của các doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn phản ánh về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá thành để giành thị phần, thị trường.
Tuy nhiên, với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động thương mại, dịch vụ thuộc lĩnh vực ngành công thương, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho các công ty kinh doanh khí LPG cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, trong thời gian tới, Sở Công Thương Nghệ An sẽ nắm bắt tình hình, điều phối doanh nghiệp và bình ổn giá, qua đó giúp các doanh nghiệp ngồi lại với nhau, tìm được tiếng nói chung để có sự cạnh tranh lành mạnh trên thương trường.
Tác giả: Thiên Thảo
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân