Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đất Hà Tĩnh vẫn chưa "hạ nhiệt", nhiều người bỏ nghề chính đi làm "cò"đất

Thời gian gần đây giá đất tại Hà Tĩnh tăng chóng mặt, trước nhu cầu mua bán đất của người dân không ít người đã nghỉ hoặc tạm thời nghỉ nghề chính của mình để “đu” theo sóng thị trường đất nền tỉnh.

 

Gần 1 năm trở lại đây, thị trường bất động sản ở Hà Tĩnh “nóng hầm hập”. Ngay cả môi giới bất động sản cũng trở thành nghề “hot” khi thu nhập có thể lên tới vài trăm triệu đồng/tháng. Không ít người chạy theo nghề "hot" này bỏ nghề chính. Trong số đó, không ít người đang có chuyên môn cao, nghề nghiệp ổn định.

 Nhiều người bỏ công việc chính đi làm "cò" đất.

Vốn là một cán bộ xã, chị T.T.H (Ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) gần như "đam mê" nghề môi giới - đầu tư đất hơn kể từ khi nguồn tài chính đem lại dồi dào. Dù vẫn làm cán bộ công chức, nhưng chị H. tranh thủ để có thêm nguồn thu nhập từ đất, và hiện tại nguồn thu nhập này chiếm phần lớn. "Thực ra đến với nghề môi giới đất cũng là một cái duyên. Trước đây tôi không biết gì về đất đai, giá cả, thấy mọi người đua nhau giới thiệu đất và có thu nhập cao nên tôi cũng theo họ. Từ khi làm môi giới đất, kinh tế của gia đình cũng ổn định hơn. Tuy vậy, tôi cũng xác định đây là nghề tay trái", chị H. cười nói.

Theo chị H. qua nhiều vụ môi giới đất thành công, thấy lợi nhuận qua chị bắt đầu bỏ tiền ra "lướt sóng" đất. Vì vốn ban đầu hạn hẹp nên chị rủ thêm nhóm bạn có kinh nghiệm trong giới BĐS cùng đầu tư. "Chúng tôi cùng nhau hùn vốn, tìm kiếm những mảnh đất có tiềm năng phát triển và có khả năng sinh lời cao để đầu tư sau đó tất cả rao bán kiếm lời, có những lô đất chúng tôi lời gần 1 tỷ đồng", người môi giới này cho hay.

 Nhiều người đăng tải lên mạng xã hội để rao bán đất.

Tương tự chị M.T.D. (ở Kỳ Anh) vốn là giáo viên dạy mầm non, thời gian vừa rồi do tình hình dịch phức tạp nên chị phải nghỉ dạy, đúng thời điểm này giá đất trên địa bàn "nhảy vọt", chị đã đi theo những người làm môi giới đất. Theo chị D. ban đầu việc giới thiệu đất cũng gặp nhiều khó khăn bởi chưa quen biết rộng, kinh nghiệm còn ít.

"Khi thấy nhiều người vào uống nước hỏi thông tin về đất tại Kỳ Anh tôi nghĩ ngay đến việc đi tìm "nguồn hàng" để giới thiệu cho khách. Mới bước vào nghề, vì chưa có kinh nghiệm nên tôi phải lăn lội khắp nơi trên địa bàn để tìm người bán đất. Bất cứ chỗ nào rao bán đất tôi đều ghi lại thông tin và dẫn khách đi xem", chị D. kể.

Với mỗi giao dịch thành công, chị D. đút túi từ 20 - 30 triệu đồng. Có tháng, chị D. bán được 2 - 3 lô đất, tương đương với gần 100 triệu tiền hoa hồng. “Làm nghề này thu nhập cao lắm, nhiều khi bán được lô đất bằng tiền lương tôi đi dạy cả năm”, chị D. chia sẻ.

Cũng theo chị D., trước đây hầu như ở quê chưa ai biết tới khái niệm bất động sản, làm "cò" đất. Tuy nhiên, khoảng nửa năm trở lại đây, khi đất đai bắt đầu tăng giá, người người, nhà nhà đổ xô đi làm bất động sản. Trong số đó có rất nhiều người là cán bộ công nhân viên.

 Tại nhiều vùng quê ở Hà Tĩnh người đi mua đất như trẩy hội.

Thực tế, thời gian gần đây Hà Tĩnh tiếp tục đón cơn “sốt đất”, đơn cử, tại các xã ven biển thuộc huyện Nghi Xuân như: Xuân Phổ, Xuân Hải, Xuân Thành,... đang bàn tán xôn xao vì tình trạng giá đất nhảy vọt. Nhiều vùng đất trước đây không ai ngó ngàng bỗng dưng có giá tiền tỷ. Theo người dân nơi đây, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất tăng giá như thế là do các "cò" đất tự tăng giá. Từ một vùng quê yên tĩnh nay bỗng xôn xao vì đất, người dân ngồi đâu cũng bàn tán chuyện giá đất tăng "phi mã".

Từ khi đất ở các vùng quê Hà Tĩnh "sốt" kéo theo các hoạt động liên quan đến giao dịch bất động sản cũng mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa. Nhiều công ty trong lĩnh vực này từ Nghệ An, Hà Nội vào mở chi nhánh để môi giới, tư vấn cho khách hàng và người dân có nhu cầu. Thậm chí, một số người dân trên địa bàn cũng bỏ cả công ăn việc làm hằng ngày để “ăn theo” khi nhiệt tình nghe ngóng, săn đón và giới thiệu cho khách có nhu cầu về các lô đất đang được rao bán.

Theo thống kê, nửa quý đầu năm 2022, Văn phòng Đăng ký đất đai - Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý hơn 29.000 giao dịch liên quan đến đất đai. Trong khi đó, tổng giao dịch phải xử lý năm 2020 của toàn tỉnh Hà Tĩnh rơi vào khoảng 84.000 hồ sơ và năm 2021 là hơn 122.000 giao dịch.

Ông Phan Lê Hùng, Trưởng Phòng quản lý nhà, thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng Hà Tĩnh) cho biết, những năm gần đây thị trường bất động sản ở Hà Tĩnh có những chuyển biến tốt. Tuy nhiên việc kiểm soát và quản lý các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.

“Hiện rất nhiều người tham gia vào lĩnh vực môi giới bất động sản, nhưng số người có chứng chỉ hành nghề rất ít. Để đảm bảo an toàn, các tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện giao dịch tại các dự án bất động sản đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản và quy định khác có liên quan”, ông Hùng cho hay.

Không thể phủ nhận, đất đai là một loại hình đầu tư sinh lời, thậm chí lời rất nhiều, để không cũng tăng giá trị. Bởi lý do này mà nhiều người đổ xô đi buôn đất, canh thời điểm để đầu tư, kiếm lời.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều gì cũng có mặt trái của nó cả. Kênh đầu tư nào cũng có khả năng rủi ro nếu người đầu tư thiếu hiểu biết, không tìm hiểu kỹ trước khi ném tiền vào. Những "bong bóng" đất vẫn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khiến không ít người giàu lên bất thường, nhưng cũng nghèo đi bất ngờ. Cho nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đầu tư không bao giờ thừa.

Tác giả: Nguyễn Sơn

Nguồn tin: giadinh.suckhoedoisong.vn