Thi tuyển hiệu trưởng: Tránh được “chạy chọt”?
- 09:46 22-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiệu trưởng Trường THPT Việt Ðức (Hà Nội) Nguyễn Bội Quỳnh (áo đen) kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Quỳnh Anh |
Quận Ba Đình (Hà Nội) vừa thông báo thí điểm thi tuyển hiệu trưởng trong năm 2022 cho 2 cơ sở giáo dục gồm: Trường tiểu học Thủ lệ, Trường mầm non Sao Mai. Mục đích của thi tuyển chức danh này, nhằm tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức có động lực phấn đấu tham gia công tác lãnh đạo, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng cục bộ trong quy hoạch, bổ nhiệm.
Đối với chức danh hiệu trưởng trường tiểu học phải có ít nhất 5 năm dạy học hoặc 4 năm công tác ở trường vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Việc tuyển chọn hiệu trưởng được quy định qua 2 phần thi gồm bài viết và trình bày đề án.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thông tin sẽ thí điểm thi tuyển chức danh Hiệu trưởng 2 trường học gồm: THPT Bất Bạt và PTCS Nguyễn Đình Chiểu trong năm 2022.
Ngoài đối tượng quy hoạch nguồn, Hà Nội có quyền để cử nhân sự để đảm bảo nguyên tắc có số dư hoặc phát hiện nhân tố mới. Nhân sự được để cử tham gia dự tuyển chỉ được dự tuyển đối với chức danh cao hơn liền kề 1 bậc. Hình thức thi tuyển chức danh này cũng bao gồm phần thi viết và trình bày đề án.
Người dự tuyển còn phải thể hiện kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi tuyển trong thời gian 45 phút.
Cần mở rộng đối tượng dự tuyển
Theo các chuyên gia, việc thi tuyển hiệu trưởng được tổ chức công bằng, khách quan sẽ tuyển chọn được người tài giỏi về quản trị nhà trường.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói rằng, thi tuyển hiệu trưởng là cách làm rất đáng hoan nghênh, nếu tổ chức chặt chẽ, khách quan sẽ chiêu mộ được người có năng lực thực sự. Quy trình thi tuyển sẽ có phần đề án yêu cầu ứng viên trình bày kế hoạch giải quyết vấn đề đường hướng phát triển, nâng chất lượng trường học đó ra sao. Với nhiệm kỳ 5 năm, ứng viên cũng phải đưa ra lộ trình năm thứ nhất, thứ 2 giải quyết được những vấn đề gì.
“Trong giáo dục, đánh giá chất lượng, các vấn đề nổi cộm không khó do đó, nếu sau ít năm trúng tuyển, nếu không thực hiện được cam kết, cơ quan quản lý có thể “đánh bật” vị trí đó. Dù thi tuyển nhưng điều kiện các địa phương đưa ra như hiện nay là ứng viên phải nằm trong quy hoạch hoặc phải đủ tiêu chuẩn, điều kiện chức danh thi tuyển hay chỉ được ứng tuyển tăng 1 cấp bậc quản lý (từ hiệu phó lên hiệu trưởng) là chưa thật sự mở. Điều kiện ứng tuyển cần phải mở rộng hơn để giáo viên trẻ có cơ hội được thể hiện”, PGS Nhĩ nói.
Cũng theo ông Nhĩ, với cách làm như lâu nay là quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển vị trí sẽ nảy sinh tiêu cực, không minh bạch. Ai đã lên hiệu trưởng thì ngồi mãi vị trí đó mà không có đánh giá là không đảm bảo sự phát triển cho các nhà trường.
Tác giả: Hà Linh
Nguồn tin: Báo Tiền Phong