Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cô giáo bế con giảng bài: Người xúc động, kẻ nói "không chấp nhận"

Hình ảnh cô giáo ở TPHCM vừa bế con vừa giảng bài làm nhiều người thương cảm cay khóe mắt nhưng cũng có ý kiến "không chấp nhận được".

Bức ảnh cô giáo Trường THCS Thanh Đa, TPHCM vừa bế con gái vừa dạy học liên tục được chia sẻ trên các diễn đàn, các trang cá nhân trong những ngày qua. 

Nhiều người cay khóe mắt khi nhìn bức ảnh cô giáo một tay bế con, ánh mắt và tay còn lại vẫn say sưa hướng về phía học trò bên dưới. Trong một hoàn cảnh không ai mong muốn đó, cô giáo vẫn nỗ lực để hoàn thành tốt nhất có thể cả hai nhiệm vụ của mình là làm thầy, làm mẹ. 

 Cô Kim Cúc vừa ẵm con nhỏ vừa giảng bài kéo theo nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh do cô hiệu trưởng chụp lại).

"Nhìn ảnh cô giáo bế con giảng bài, tự nhiên mình xúc động không cầm được nước mắt. Cuộc sống có những thời điểm chúng ta không thể lựa chọn hay thể hiện vai trò một cách rạch ròi, nhất là với người làm mẹ", cô Trần Ngọc Dung, giáo viên tiểu học ở TPHCM chia sẻ. 

Cô Dung kể, hồi bé lúc 4, 5 tuổi cô cũng theo mẹ đi dạy, một mình chơi ở phòng giáo viên, hành lang, có khi còn được cô hiệu trường trông. Có lẽ ước mơ sau này trở thành cô giáo của cô đã nhen nhóm từ ngày đó. 

Cũng như cô Dung, một số người cũng bày tỏ, họ thấy hình ảnh tuổi thơ mình trong đó. Ngày bé, có người cũng theo bố mẹ đi làm rồi ngồi chờ, ngồi chơi chờ bố mẹ làm việc. 

Đặc biệt, trong câu chuyện này, nhiều người cảm phục cách ứng xử nhân văn, thấu cảm của cô hiệu trưởng, cũng là người chụp bức hình. Cô không gây khó dễ mà còn rất thông cảm, chia sẻ với hoàn cảnh của giáo viên. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, giáo viên bế con đứng trên bục giảng bài là việc khó chấp nhận. Việc đưa con đến chỗ làm, nhất là ở môi trường sư phạm sẽ ảnh hưởng đến tác phong của người thầy, ảnh hưởng đến học sinh cũng như hiệu quả bài giảng.

Ở góc nhìn này, có người, cả những người trong nghề nhấn mạnh đã là công việc thì phải tuân thủ nội quy, kỷ luật. Giáo viên phải biết cách thu xếp giữa việc nhà vừa việc cơ quan. 

Cô Đinh Thị Thiên Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa cho biết, sau bức hình trên cô nhận được nhiều phản hồi từ mọi người. Cũng có ý kiến như vậy là chưa được chuẩn mực, ảnh hưởng đến công việc, môi trường sư phạm...

Cô Ân ghi nhận mọi ý kiến nhưng cô chia sẻ đây tình huống bất đắc dĩ, không một ai mong muốn. Cô chụp lại bức hình để thấy phía sau người thầy, họ cũng có những áp lực và cả những nỗ lực.

Bức ảnh "cô giáo bế con giảng bài" không chỉ  là khoảnh khắc xúc động của người thầy mà còn phản ánh nhiều vấn đề của đời sống. 

Những bé nhỏ vì điều kiện phải theo bố mẹ đi làm có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ thiếu an toàn; hình ảnh người phụ nữ chịu nhiều áp lực khi phải gồng gánh một bên là việc cơ quan, một bên là việc gia đình, con cái... Hơn ai hết, trẻ nhỏ và phụ nữ là những đối tượng cần nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ và cả cảm thông từ gia đình, nơi làm việc và cả xã hội. 

 Một đứa trẻ tại TPHCM ngủ trưa khi theo mẹ đến công sở (Ảnh: HN)

Trước đó, chiều 10/3, học sinh lớp 6A4, Trường THCS Thanh Đa trải qua giờ học đặc biệt khi cô Kim Cúc giáo viên dạy Địa lý vừa bế con vừa giảng bài.

Thời điểm này, khi đi kiểm tra tình hình các lớp học, cô Đinh Thị Thiên Ân, hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa thấy cô Kim Cúc vừa bế con nhỏ vừa giảng bài. Cô Ân có ý định bế giúp con cho cô Cúc, nhưng lúc đó cháu đang buồn ngủ nên chỉ theo mẹ.

Đây là lần đầu tiên bé theo mẹ đến trường vì hôm đó người giữ bé có việc, chồng cô Cúc lại đi công tác. Buổi sáng bé tự chơi đồ chơi để mẹ lên lớp, nhưng đến buổi chiều bé mệt, nhõng nhẽo đòi mẹ, cô Cúc đành xử lý nhanh bằng cách vừa bế con vừa dạy học để không bị mất tiết của học sinh. Trước khi dạy học, cô Cúc cũng đã giải thích cho học sinh về tình cảnh lúc đó của mình để học sinh hiểu và hợp tác.

Cô Kim Cúc là một trong hai giáo viên của trường giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý lớp 6 theo chương trình mới, nếu cô nghỉ sẽ không có giáo viên dạy thay. Tuy nhiên, cô vẫn có thể báo mệt, báo bệnh để dạy online ở nhà, nhưng cô vẫn chọn đi từ quận 12 đưa con đến trường để dạy học.

Tác giả: Lê Đăng Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí