Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


COVID-19 chuyển thành bệnh nhóm B, sẽ không còn cách ly, hạn chế tập trung đông người?

Chính phủ vừa có nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. COVID-19 chuyển sang bệnh nhóm B sẽ có những thay đổi như thế nào?

 Nhiều gia đình F0 cách ly y tế tại nhà ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Căn cứ các quy định trên, năm 2020 dịch bệnh COVID-19 được xếp là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, ngày 17-3 Chính phủ có nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch, chuyển biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, đảm bảo nguồn lực tài chính cho phòng chống dịch, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng...

Sẽ không còn hạn chế tập trung đông người

COVID-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B sẽ thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Theo nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch, đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, tùy thuộc vào tình hình dịch sẽ áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch.

Đồng thời áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh, áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng.

Dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc thuộc nhóm B nhưng có khả năng lây truyền ở mức độ cao, theo quy mô và tính chất của từng loại bệnh truyền nhiễm sẽ áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng trong vùng đang có dịch.

Như vậy nếu COVID-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, theo quy định phòng, chống dịch hiện hành sẽ không còn áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B cần phải căn cứ vào tình hình dịch tễ, khả năng miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vắc xin), tỉ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và đặc biệt vấn đề tác động nghiêm trọng và nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội…

Vẫn cần các biện pháp phòng chống dịch đặc thù với COVID-19

"Chúng ta đang thích nghi linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin đã đạt mức cao. Tuy nhiên, không thể sử dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 như các bệnh thuộc nhóm B như bệnh cúm, ho gà, lao phổi…, mà phải có những biện pháp phòng, chống dịch hợp lý.

Cần xem xét tỉ lệ chuyển nặng, tử vong do COVID-19 để đưa ra biện pháp phù hợp trong phòng, chống dịch, cần có cơ chế đặc thù cho dịch bệnh này", ông Phu nhận định.

Việc chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng, chống dịch.

Theo ông Phu, hơn 2 năm qua Nhà nước đã sử dụng nhiều kinh phí cho công tác phòng, chống dịch. Khi chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, những biện pháp phòng chống dịch thay đổi, theo đó gánh nặng lên cơ sở y tế, nhân viên y tế sẽ giảm.

"Theo tôi, nghị quyết đưa ra quan điểm như vậy là rất đúng và hợp lý. Chúng ta cần nghiên cứu và căn cứ tình hình dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng cả về khoa học và thực tiễn để xây dựng kế hoạch chuyển đổi bệnh nhóm A sang nhóm B.

Chúng ta phải làm sao để vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa làm được kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết", ông Phu nhấn mạnh.

Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì bệnh truyền nhiễm nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nin; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do virus Zika, bệnh do virus Adeno; bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ Amibe; bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng-gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng-gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan virus; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não virus; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do virus Rota.

Tác giả: DƯƠNG LIỄU

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ