Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhạc sĩ Ngọc Châu với "ước mơ về phía mặt trời xanh”

Âm nhạc Ngọc Châu luôn hồn hậu, lấp lánh niềm yêu, niềm lạc quan về tương lai, về nghị lực con người.

 

Ra đi ở tuổi 55, nhạc sĩ Ngọc Châu chưa trọn vẹn một mái ấm gia đình riêng. Tính cách, tâm sự, nỗi niềm về tình yêu, về cuộc đời được anh gửi gắm trong các sáng tác âm nhạc. Và ở đó, luôn hồn hậu, lấp lánh niềm yêu, niềm lạc quan về tương lai, về nghị lực con người, "Dù bao nhiêu gian khó chuyện buồn vui/Ngậm ngùi cùng trái đắng với niềm tin".

Nếu không biết lắng nghe và nâng niu mỗi khoảnh khắc thiêng liêng của đời sống, có lẽ Ngọc Châu không thể viết nên những ca khúc Thì thầm mùa xuân, Chiều xuân. Sự tươi mới, cảm xúc tự nhiên, bay bổng trong từng ca từ, giai điệu một thời đã làm say mê biết bao những người trẻ, khi mà nhịp sống hãy còn bình lặng, êm đềm. Âm nhạc của Ngọc Châu lúc này như những khúc ru về tình yêu, tuổi trẻ với những ước ao, rung động chân thành, trong trẻo. Cảm xúc ấy tiếp nối trong ca khúc Ngây thơ với những hoài niệm thời thơ ấu, tình yêu với quê hương, niềm trân trọng với ký ức một thời.

 Gia đình nhạc sĩ Ngọc Châu

Ở những ca khúc nhạc phim như Cô Tấm ngày nay (phim Chuyện nhà Mộc – đạo diễn Trần Lực) hay Ban mai xanh (trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Trọng Trinh), hiện thực cuộc sống rõ nét với những cản trở, va vấp tuổi thanh xuân đã được nét nhạc Ngọc Châu chuyển thành những câu chuyện lôi cuốn, lay động. Bao nhiêu năm đã trôi qua, với thế hệ 8x, 9x, khi nghe lại những ca khúc này qua giọng hát Khánh Linh, một miền ký ức lại tràn về. Cảm xúc vẫn nguyên vẹn như những ngày đầu. "Với ước mơ về phía mặt trời xanh/ Người yêu nhau sẽ đến với nhau", niềm tin, tâm nguyện ấy đã trở thành khát khao, thành tiếng nói mãnh liệt thôi thúc những bước chân không mệt mỏi trên những hành trình tuổi trẻ. Cô Tấm ngày nay đã trở thành một cụm từ quen thuộc, một hình ảnh đã đi từ sáng tác Ngọc Châu ra đời sống, hình tượng cổ tích đã được người nhạc sĩ với trái tim trong sáng, thánh thiện phả vào những cảm xúc hồn hậu, nhân văn.

Đến nỗi buồn trong âm nhạc Ngọc Châu cũng dịu dàng, êm dịu. Ca khúc Mùa thu vàng có lẽ được viết giữa những chênh vênh khi tình yêu vụt mất. Nỗi bâng khuâng lắng đọng trong từng ca từ giản dị như một tự sự bất chợt. Ca khúc Nếu điều đó xảy ra được ví như một khoảnh khắc thăng hoa trong sáng tác của Ngọc Châu. Vượt lên cái dịu dàng, tha thiết thường tình, câu chuyện âm nhạc thời điểm này đã dày dặn hơn về mặt cung bậc. Và vỡ òa trong đó là những trăn trở về nhân sinh. Nhưng vẫn còn đó chung thủy một niềm tin hướng về mặt trời cho một bình minh luôn thức giấc.

Nỗi trăn trở về Điều không thể mất, về ánh sáng cuộc đời chưa bao giờ đứt đoạn trong hành trình âm nhạc của Ngọc Châu. Có lẽ nhiều người vẫn chưa thể quên giai điệu ca khúc Tạm biệt vang lên cùng những giọt nước mắt khi chia tay nhau của các thí sinh qua mấy mùa giải âm nhạc Sao Mai, Sao Mai Điểm hẹn. Khoảnh khắc "Nghìn trùng xa cách, giọt nước mắt dâng trào" Ngọc Châu viết cho bao cuộc chia tay giờ đây như vang lên trong giờ phút tạm biệt người nhạc sĩ tài hoa. Tin rằng nơi đó, anh đã tìm thấy mặt trời xanh của riêng mình, "vẫn thấy cuộc đời vui, và niềm tin trong đôi mắt"…

Nhạc sĩ Ngọc Châu sinh ngày 16/9/1967. Anh mất lúc 7h30 ngày 17/3 tại Bệnh viện 108 (Hà Nội) do suy tim giai đoạn cuối.

Lễ viếng nhạc sĩ Ngọc Châu diễn ra lúc 12 - 13h ngày 19/3 (nhằm ngày 17/2 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, sau đó đưa đi an táng tại quê nhà Ngọc Lâu, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Tác giả: Mộc Anh

Nguồn tin: phunuvietnam.vn