Người phụ nữ 9 năm lặng thầm "giúp tử thi lên tiếng" và tiếp cận sự thật các vụ xâm hại
- 07:47 16-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bén duyên với nghề
Trước khi đến gặp chị Nguyễn Thị Thanh, SN 1991, nữ điều dưỡng, kỹ thuật viên của Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An, chúng tôi hình dung có lẽ Thanh là người phụ nữ có nhiều nét nam tính, mạnh mẽ. Nhưng khác với suy nghĩ đó, nữ kỹ thuật viên này có thân hình nhỏ nhắn, xinh xắn, khuôn mặt tươi rói, nhân hậu.
Nói về việc chọn nghề này, chị Thanh cho biết từ nhỏ chị đam mê đọc truyện trinh thám, xem phim hình sự nên cũng muốn phá án. Tuy nhiên, một điều khá lạ lùng, chị đam mê những pha hành động nhưng lại rất sợ ma. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành điều dưỡng, thấy bên Trung tâm Pháp y tuyển nữ điều dưỡng Thanh nghĩ công việc này phù hợp với mình nên đã nộp hồ sơ xin vào. Đây cũng là lần đầu tiên phía trung tâm tuyển nữ điều dưỡng.
Giám định viên Cần Quang Hà hướng dẫn chị Thanh phân tích hình ảnh từ các vụ giám định. |
Ngày đầu tiên chị Thanh đi làm, Trung tâm Giám định pháp y nhận được thông tin về vụ tai nạn cần giám định pháp y. “Ngày đó, chú Nguyễn Quang Trung đang giữ chức vụ là Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y. Chú hỏi “Có vụ tai nạn chết người, cháu có muốn đi tham gia khám nghiệm không?”. Bất ngờ với câu hỏi đó, tôi nhanh chóng gật đầu đồng ý. Mặc dù, bản thân lúc đó hơi sợ. Tuy nhiên, khi đến hiện trường tâm lý trong tôi thay đổi hoàn toàn. Nỗi sợ hãi bỗng nhiên không còn nữa mà thay vào đó là nỗi ám ảnh, xót thương cho số phận một con người.
Nỗi đau của người ở lại khi mất người thân đột ngột không thể diễn tả được bằng lời. Từ đó tôi hứa với lòng mình phải làm tròn trách nhiệm của mình để sự thật được sáng tỏ, để cho người chết có thể nhắm mắt và người thân cũng thấy an ủi được phần nào”, chị Thanh nhớ lại.
Chị Thanh tâm sự về nghề của mình. |
Qua vụ việc đó, Thanh vượt qua được nỗi sợ hãi và gắn bó với công việc một các trách nghiệm và say “nghề” hơn nữa. Cứ như vậy, mỗi lần cơ quan Cảnh sát Công an Nghệ An cần bên Trung tâm Pháp y giám định, Thanh đều xung phong đi cùng. Vì theo chị, chỉ có tham gia thực tiễn mới giúp chị có nhiều kỹ năng hơn, tích lũy nhiều kinh nghiệm. Lúc đầu, công việc của chị cũng chỉ là chuẩn bị dụng cụ, chụp ảnh, lưu lại hồ sơ quá trình khám nghiệm. “Nhờ sự chỉ dạy tận tình của các đồng nghiệp, tôi có đủ kinh nghiệm và mạnh dạn hơn trong nghề. Và sau đó, tôi được cấp trên trực tiếp tham gia công việc khám nghiệm tử thi- “giúp tử thi lên tiếng”, chị Thanh chia sẻ về công việc của mình.
Phòng làm việc của Thanh và những giám định viên, kỹ thuật viên tại Trung tâm Pháp y tỉnh là phòng đại thể, căn phòng rộng tầm 20m². Trong phòng có 2 bàn đá, với nguồn điện, nguồn nước, ánh sáng đầy đủ được thiết kế riêng để phục vụ công việc khám nghiệm, giải phẫu tử thi. Nếu người bình thường nhìn thấy căn phòng này thôi cũng đỡ rợn, nỗi cả da gà. Tuy nhiên, đây là môi trường lý tưởng để Thanh và đồng nghiệp thực hiện công việc của mình. Vì không phải lúc nào, việc khám nghiệm tử thi cũng đó đủ dụng cụ như ở phòng. Khi có vụ tai nạn, tử vong không rõ nguyên nhân Thanh chỉ mang đem theo hộp dụng cụ bên mình. Đặc biệt những vụ việc xảy ra vùng nông thôn và miền núi thì càng thiếu thốn hơn nữa.
Trách nhiệm cao với nghề
Dù vụ việc xảy ra đêm khuya hay tờ mờ sáng chị Thanh và đồng nghiệp luôn luôn sẵn sàng lên đường. 9 năm trong nghề chị không nhớ bao nhiêu lần mình thực hiện nhiệm vụ mổ tử thi. Tuy nhiên, mỗi lần giám định tử thi là một câu chuyện buồn đè nặng trong tâm trí chị. Chứng kiến những cái chết nghiệt ngã, thương tâm, sự đau xót của những người ở lại chị Thanh càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa với nghề.
“Có lẽ lần tác nghiệp ở huyện Tương Dương là thử thách lớn nhất đối với tôi. Đó là một lần khám nghiệm tử thi ở tại một bản vùng sâu vùng xa huyện Tương Dương, giáp với nước Lào. Con đường vào đó có những khúc cua liên tục khiến tài xế cũng phải nôn nao vì cảm giác say xe. Khi đến nơi mặc dù rất mệt mỏi nhưng đoàn công tác cần phải bắt tay vào công việc ngay lập tức. Vì không còn cách nào khác, nạn nhân được giải phẫu ngay trên nền đất của gia đình mình. Gia đình chỉ chuẩn bị được một tấm ván để tiến hành mổ tử thi. Trong khi đó, ở nơi đây thiếu thốn nhiều thứ, từ nguồn nước đến vật dụng... Hai tiếng đồng hồ, những người khám nghiệm phải ngồi xổm để mổ, khi đứng lên 2 chân tê cứng. Tuy nhiên chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Chị Thanh chuẩn bị dụng cụ để thực hiện giám định pháp y. |
Ngoài tham gia hỗ trợ giám định pháp y tử thi thì nhiệm vụ chính của chị Thanh là đảm nhận công tác tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ giám định pháp y tình dục và giám định thương tích. Điều chị cảm thấy ám ảnh nhất là những vụ án xâm hại tình dục về trẻ em.
Theo chị Thanh, mỗi năm trung tâm thực hiện khoảng trên dưới 50 vụ giám định pháp y tình dục. Nói về áp lực tinh thần của những vụ án này nó ám ảnh nhiều gấp bội lần so với những vụ việc khác bởi sự non nớt và sợ hãi của các bé. “Mỗi lần nghe đến phải giám định pháp y liên quan đến bé bị xâm hại tình dục tôi lại cảm thấy rất sợ. Các cháu còn quá nhỏ để ý thức được hết những tổn thất tinh thần và thể chất các cháu phải chịu. Có nhiều trường hợp các em phải trải quá cú “sang chấn tâm lý mạnh”. Chính vì vậy, chúng tôi phải cẩn trọng, tỉ mỉ để đưa ra kết luận chính xác nhất, giúp cơ quan tố tụng đánh giá khách quan về sự việc. Từ kết quả đó, mới bảo vệ và đòi lại công bằng cho các nạn nhân”, chị Thanh kể.
Là người trực tiếp hướng dẫn cho Thanh, bác sĩ Cần Quang Hà - giám định viên Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Thanh là một cô gái rất nhanh nhẹn, tháo vát, táo bạo và đặc biệt có độ chai lỳ. Không chỉ làm tốt chuyên môn, Thanh là người đã xoa dịu những bức xúc, đau đớn của người nhà nạn nhân bằng tác phong điềm tĩnh, bản lĩnh của một nhân viên ngành pháp y và sự chân thành, dịu dàng, nhân hậu của một người phụ nữ. Đến thời điểm hiện tại thì ở Nghệ An, Thanh là người duy nhất trực tiếp đảm nhận những công việc như vậy” - bác sĩ viên Cần Quang Hà Nhận xét về đồng nghiệp.
Tác giả: Hà Hằng - Đậu Trung
Nguồn tin: nguoiduatin.vn