Nghệ An: Nghỉ việc bị giữ bằng gốc, bác sỹ trẻ cầu cứu
- 21:18 15-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hợp đồng lao động hay hợp đồng dân sự?
Bà Lộc Thị Nhiệm, sinh năm 1993, ở xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk tố Bệnh viện Đa khoa Thái An thuộc Công ty Cổ phần Y tế Nghệ An, địa chỉ tại số 167, đường Nguyễn Sinh Sắc, phường Đội Cung, thành phố Vinh có hành vi không giải quyết quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ); thu giữ các giấy tờ, văn bằng gốc của NLĐ.
Theo nội dung đơn, ngày 18/9/2019, giữa bà Nhiệm và Công ty Cổ phần Y tế Nghệ An ký kết Hợp đồng dân sự số 40/CT-HDDS/2019 để thỏa thuận các điều khoản lao động. Nhưng theo bà, hợp đồng dân sự này là vi phạm pháp luật về lao động, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ và có thời hạn kéo dài tới 25 năm. Sau khi ký hợp đồng, ngày 28/10/2019, Công ty yêu cầu bà phải nộp bằng gốc tốt nghiệp y khoa.
Sau thời gian làm việc, ngày 12/4/2021 bà Nhiệm nộp đơn xin nghỉ nhưng mãi đến ngày 27/5/2021 bà mới chính thức nghỉ việc. Với lý do, dành thời gian đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nhưng Công ty không chấm dứt hợp đồng mà yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo 300 triệu đồng thì mới trả lại bằng gốc.
“Trong quá trình làm việc tại đây, tôi chưa được Công ty cử đi đào tạo ở bất cứ chỗ nào. Vì vậy, yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo là hết sức vô lý. Từ những sự việc trên, tôi cho rằng hành vi của Công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tôi yêu cầu Công ty hoàn trả bằng gốc và cấp chứng chỉ thực tập 18 tháng cho tôi”- bà Nhiệm trình bày.
Bà Lộc Thị Nhiệm bị giữ bằng gốc y khoa và bị doanh nghiệp đòi thường 300 triệu đồng sau khi nghỉ việc |
Yêu cầu của bà không được Công ty giải quyết, bà Nhiệm đã gửi đơn cầu cứu tới các sở, ngành liên quan. Ngày 12/9/2021, Công ty Cổ phần Y tế Nghệ An có công văn gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế Nghệ An, Công đoàn Ngành Y tế Nghệ An với quan điểm, bác sỹ vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Thái An trong 18 tháng đầu là giai đoạn học việc. Muốn ký được hợp đồng khám chữa bệnh tại Bệnh viện phải có chứng chỉ hành nghề. Quy định này được thể hiện tại Luật khám chữa bệnh. Như vậy, khi bà Lộc Thị Nhiệm được cấp chứng chỉ hành nghề thì khi đó mới đủ điều kiện để Công ty ký HĐLĐ.
“Do quy định như đã nêu trên cho nên ngày 18/9/2019, khi bà Nhiệm xin vào làm việc tại Công ty hai bên đã thỏa thuận với nhau ký kết Hợp đồng dân sự số 40 để ràng buộc trách nhiệm dân sự giữa hai bên. Vì vậy, khi Công ty yêu cầu nộp văn bằng y khoa thì bà Nhiệm đã chấp nhận đây là quan hệ dân sự. Quan hệ dân sự này cũng như khi khách hàng vay vốn tại ngân hàng làm thủ tục thế chấp tài sản giao nộp bìa đất”- công văn của Công ty nên rõ.
Trong Hợp đồng dân sự số 40 còn ghi: “Thời gian hợp đồng thực hiện 25 năm và chi chấm dứt khi người lao động hoàn tất các thủ tục thanh lý hợp đồng lao động đối với Công ty...” theo quan điểm của Công ty, có nghĩa là thời gian 25 năm là thời gian có giá trị với hợp đồng dân sự này, không có dòng chữ nào thể hiện thời gian làm việc của bà Lộc Thị Nhiệm là 25 năm.
Theo lý giải của Công ty này, trong điều khoản hợp đồng dân sự còn ghi việc nộp văn bằng chứng chỉ, trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn phải bồi thường cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) tổng số tiền trên 300 triệu đồng.
Quá trình thực hành 18 tháng, Công ty đã chi trả tiền lương và các khoản tiền khác cho bà Nhiệm tổng cộng là hơn 200 triệu đồng; chi trả tiền cho bác sỹ có kinh nghiệm hướng dẫn thực hành với số tiền 100 triệu đồng. Nay, bà Lộc Thị Nhiệm đơn phương chấm dứt hợp đồng, buộc bà Nhiệm trả lại cho Công ty số tiền trên 300 triệu đồng. Với những điều khoản cam kết như đã nêu trên, trong thời gian đang thực hiện hợp đồng, bà Nhiệm đơn phương chấm dứt hợp đồng là vi phạm luật dân sự.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Khắc Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Y tế Nghệ An khẳng định: “Qua hành vi này, Công ty thấy rằng, bà Nhiệm đã lợi dụng vào văn bằng gốc y khoa của mình để lừa đảo Công ty xin vào làm việc hưởng lợi số tiền lương và các khoản khác. Rồi đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nếu Bà Lộc Thị Nhiệm trả lại đầy đủ số tiền trên thì Công ty sẽ giao lại văn bằng gốc y khoa cho bà Nhiệm. Nếu Nhiệm không chấp hành những yêu cầu trên thì Công ty không trả văn bằng gốc đồng thời làm đơn khởi kiện ra trước pháp luật”.
Luật sư nói gì?
Trên cơ sở quy định pháp luật, xem xét tài liệu, lời trình bày của bà Nhiệm, đại diện Công ty Luật BLS Việt Nam (Công ty Luật BLS) cho rằng, nội dung hợp đồng thể hiện: việc làm, tiền lương, sự quản lý; sử dụng cụm từ “hợp đồng lao động”, “người sử dụng lao động” và “người lao động",.. Vì vậy, hợp đồng trên được xác định là HĐLĐ. Do vậy, cần áp dụng các quy định của Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động.
Còn tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động 2012, quy định NSDLĐ không được giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ khi làm khi giao kết, thực hiện HĐLĐ. Do đó, việc Công ty giữ văn bằng gốc của bà Nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng theo Công ty Luật BLS, Hợp đồng dân sự 40/CT-HDDS/2019 thể hiện thời hạn hợp đồng thực hiện là 25 năm. Nhưng Bộ luật Lao động không quy định HĐLĐ có thời hạn 25 năm, mà HĐLĐ từ 36 tháng trở lên thì được xác định là HĐLĐ không xác định thời hạn. Vì vậy, việc hai bên ký HĐLĐ có thời hạn 25 năm là không phù hợp. Ngoài ra, nội dung hợp đồng chưa đảm bảo đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 23 Bộ luật Lao động 2012 như: công việc, địa điểm, thời gian làm việc…. của NLĐ.
Luật sư cho rằng, Hợp đồng dân sự 40/CT-HDDS/2019 ký kết giữa Công ty Cổ phần Y tế Nghệ An và bà Lộc Thị Nhiệm là hợp đồng lao động |
Về bồi thường chi phí đào tạo, theo bà Nhiệm thì cho đến nay, giữa bà và Công ty chưa có bất kỳ văn bản thỏa thuận nào, cũng như chị Nhiệm chưa được Công ty cử đi đào tạo nâng cao nghiệp vụ. Như vậy, tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động 2012 quy định thì bà Nhiệm không được cử đi đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho nên không làm phát sinh các chi phí đào tạo của Công ty nên không phải bồi thường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Quốc Dương, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Nghệ An cho biết, Công đoàn ngành đã đề nghị Giám đốc Công ty Cổ phần Y tế Nghệ An tổ chức đối thoại trực tiếp với bà Lộc Thị Nhiệm để giải quyết các nội dung kiến nghị liên quan đến hợp đồng, tiền lương, việc giữ văn bằng, cấp chứng nhận thực hành cho bà Lộc Thị Nhiệm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn đề nghị Công đoàn Công ty Cổ phần Y tế Nghệ An có trách nhiệm xâu nối với lãnh đạo Công ty đối thoại với NLĐ nhằm giải quyết ổn thỏa các vấn đề tranh chấp đảm bảo quyền và lợi ích cho cả đôi bên.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Trưởng Ban Chính sách pháp luật & Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động Nghệ An cho biết, nếu bà Nhiệm đề nghị, Công đoàn sẽ tư vấn pháp luật miễn phí để đảm bảo quyền lợi của NLĐ theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nhiệm cho biết thêm, bà đồng ý trả cho Công ty 50 triệu đồng nhưng doanh nghiệp không chịu. Sau khi hòa giải không thành, hiện nay, bà và đại diện của Công ty Cổ phần Y tế Nghệ An chuẩn bị ra tòa để nhờ phân xử.
Tác giả: Cao Sơn
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn