Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Lôi nhau ra tòa vì chính quyền cấp đất “trên giấy”

Nhiều hộ dân đang nhận khoán đất rừng ở huyện Thanh Chương, Nghệ An hàng chục năm nay bỗng dưng phát hiện đất rừng của mình nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) của người khác.

Việc làm tắc trách này đã khiến người dân đã phải mất thời gian dài đi hầu kiện để giành lại đất rừng.

Bìa đỏ “lén” mọc trên đất rừng

Ông Nguyễn Văn Quang ở thôn An Ngọc, xã Thanh An, huyện Thanh Chương, Nghệ An rất bức xúc vì đất rừng của gia đình ông cùng một số người nhận khoán canh tác 20 năm nay bỗng dưng bị người nhà của nguyên cán bộ xã kiện ra tòa đòi 4,5 ha.

Ông Quang cho biết: “Năm 2002, tôi cùng 5 người dân khác được công chức địa chính UBND xã Thanh An dẫn vào khu đất rừng nằm cách đường Hồ Chí Minh khoảng 9 km về phía tây, để giao đất với diện tích 7,8ha. Sau khi được giao đất, vợ chồng tôi phát cây bụi, mở đường vào để trồng chè, keo. Lúc đó, khu rừng này bị cháy nham nhở nhưng địa chính xã nói cứ nhận rồi làm thủ tục giao đất sau. Tôi đã phải bán 2 con trâu lấy tiền để thuê máy mở đường. Mất 3 tháng, con đường mới mở xong tại đây để vào canh tác”.

Năm 2019, người nhà của ông Nguyễn Danh T. (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh An) tự dưng đến yêu cầu ông Quang trả lại hơn 4,5 ha đất rừng vì diện tích này nằm trong sổ đỏ đã được UBND huyện Thanh Chương cấp cho ông T. năm 2006. Diện tích cấp cho ông T. là khu vực vợ chồng ông bỏ công khai hoang thành khu vực rừng tốt nhất, địa hình lại thuận lợi cho việc canh tác và vận chuyển. Không chấp nhận yêu cầu đòi đất này, ông Quang bị người nhà ông T. khởi kiện. Tháng 9/2021, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Thanh Chương tuyên vợ chồng ông phải trả hơn 4,5 ha rừng này cho người nhà ông T. . Không đồng tình với bản án, ông Quang đã làm đơn kháng cáo.

 Vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang bức xúc vì đất rừng canh tác 20 năm nay bỗng dưng bị người khác kiện ra tòa đòi 4,5 ha

12 năm qua liên tục bị người lạ tìm mọi cách lấy đất rừng nhận khoán từ năm 1993 , bà Tô Thị Hương ở xóm 4, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương đang có nguy cơ trắng tay vì không còn đất rừng để làm ăn. Bà Hương cho biết, năm 1993, vợ chồng bà lên khai hoang ở tiểu khu 996, rừng Khe Hàn (thuộc địa phận xã Thanh An, huyện Thanh Chương) để trồng cây.

Năm 1997, Lâm trường Thanh Chương giao khoán cho vợ chồng bà 14,5 ha đất ở khu vực này để trồng rừng, thời hạn 50 năm. Đến năm 2007, ông Nguyễn Công Đức (nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh An) cùng 1 công chức xã Thanh An và 1 người lạ đến yêu cầu bà Hương phải trả lại đất rừng cho họ vì đất này đã được cấp sổ đỏ cho 3 người từ năm 2006.

Hiện nay, 3 người này đã bán đất cho người khác nên họ tìm cách lấy lại diện tích đất trên bìa đỏ đã mua. Bà Hương nói: “Họ cho người đến phá cây, phá trại của gia đình tôi khiến chúng tôi vô cùng khổ sở. Tôi đã gửi đơn đi nhiều nơi. Mới đây, tôi khởi kiện đề nghị tòa án hủy các bìa đỏ đã cấp cho 3 người nói trên. Tuy nhiên, tòa trả lại đơn vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Hiện nay, tôi vẫn tiếp tục ôm đơn đi gõ cửa các cơ quan liên quan để giữ lại đất rừng”.

Anh Nguyễn Như Liên ở xóm 3, xã Thanh Hương được bố mẹ cho 4,5 ha đất rừng và ông Lê Văn Lộc ở thôn Sơn Thịnh, xã Thanh Thịnh nhận chuyển nhượng 1,5ha đất rừng, cả 2 thửa đất liền kề nhau, thuộc tiểu khu 978B, rừng Luồi Luồi, xã Thanh An, huyện Thanh Chương. Năm 1995, 2 thửa đất này được UBND huyện Thanh Chương giao sử dụng trong thời gian 50 năm. Từ đó, trên 2 thửa đất, các hộ dân đã sử dụng liên tục để trồng keo và chè.

Tuy nhiên, đến năm 2017, cả anh Liên và ông Lộc bị bà Trần Thị Kim Ngân ở xã Thanh An tố lấn chiếm đất rừng trái phép. Bà Ngân còn chìa bìa đỏ do huyện Thanh Chương cấp năm 2006 với diện tích gần 4,1ha, nằm lọt giữa 2 thửa đất của anh Liên và ông Lộc.

Sau đó cả 2 không trả đất nên bị bà Ngân kiện ra tòa. Ngày 28/8/2018, TAND huyện Thanh Chương đã xử cho bà Ngân thắng kiện. Không chấp nhận bản án, cả 2 người cùng kháng án lên TAND tỉnh Nghệ An.

Ngày 4/6/2021, tại Bản án số 12/2021/DSST, TAND tỉnh Nghệ An nhận định, các thửa đất của gia đình ông Liên, ông Lộc được Nhà nước giao đất trước năm 1995 và đều không thể hiện tiếp giáp với thửa đất của bà Ngân. Quá trình xác minh của Tòa, chính quyền địa phương thừa nhận khi làm thủ tục cấp bìa đỏ cho các hộ không giao đất tại thực địa, có sự chồng lấn khi cấp bìa đỏ và cũng không giải thích được lý do vì sao lại có thửa đất của bà Ngân nằm giữa đất của 2 hộ dân.

Căn cứ vào quy định của pháp luật, TAND tỉnh Nghệ An không chấp nhận nội dung khởi kiện của bà Ngân và yêu cầu hủy bìa đỏ mà UBND huyện Thanh Chương cấp năm 2006.

Chưa thanh lý hợp đồng đã cấp bìa đỏ

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 20/2/2004, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 161 thu hồi gần 1.675 ha đất lâm nghiệp của Lâm trường Thanh Chương (nay là Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Thanh Chương) đang quản lý tại các xã: Hạnh Lâm (98,2ha), Thanh Hương (491,9ha), Thanh Mỹ (629,4), Thanh An (455,3 ha).

UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu giải quyết tài sản trên phần diện tích đất bị thu hồi; giao UBND huyện Thanh Chương quản lý và bố trí sử dụng theo quy hoạch, đúng pháp luật.

Được biết, khi thực hiện chủ trương này đã không thanh lý hợp đồng nhận khoán của nhiều hộ, quá trình làm thủ tục cấp bìa đỏ nhiều nơi không đi thực tế hiện trường nên hiện nay phát sinh tranh chấp giữa người nhận khoán và người được cấp bìa đỏ.

Ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết, thời điểm đó (năm 2004), UBND xã có thông báo cho người dân làm thủ tục tiếp tục giao khoán nhưng một số người tiếp nhận được thì đến làm, còn người không tiếp nhận được thì vẫn canh tác như cũ. Khi đất rừng có giá trị, cây trồng cũng cho thu hoạch nên nhiều hộ mới kiểm tra thì mới biết đất mình lâu nay nằm trong bìa đỏ của người khác.

“Còn khi làm thủ tục cấp đất do khó khăn nên cán bộ chỉ đi thực địa được một số diện tích gần, còn nơi xa, có địa hình dốc thì căn cứ trên bản đồ rồi chia. Sau đó làm thủ tục cấp bìa đỏ. Cho nên 1 số người nhận bìa đỏ nhưng cũng không biết đất rừng mình ở đâu. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp cấp bìa đất chồng lấn, cấp cho 2 người trên 1 diện tích,… Khi đó, giá trị đất rừng không phải như bây giờ nên việc giao rừng rất khó, cán bộ xã mà giao không hoàn thành thì sợ bị kỷ luật”- ông Nam cho chia sẻ.

Một cán bộ cấp xã ở Thanh Chương phàn nàn, đáng ra khi làm thủ tục giao đất từ Lâm trường về cho huyện Thanh Chương quản lý thì phải thanh lý hợp đồng giao khoán, sau đó kiểm đếm hoa lợi trên đất để trả cho người nhận khoán. Thế nhưng không hiểu tại sao, không có thanh lý hợp đồng mà vẫn làm được thủ tục cấp bìa đất cho nhiều người.

 Hơn 10 năm qua, bà Tô Thị Hương đã gửi nhiều đơn đến các cơ quan liên quan để giữ lại đất rừng

Ông Lê Phùng Thiều, Trưởng BQL Rừng phòng hộ Thanh Chương cho biết, ông là người mới tiếp quản đơn vị nhưng theo ông được biết, khi đó, một số hộ đã được Ban thanh lý hợp đồng còn một số hộ có nguyện vọng xin chuyển về xã để tiếp tục nhận khoán. Ban đã có văn bản gửi về địa phương tiếp tục xem xét giao khoán cho hộ dân này. Nhưng văn bản lâu rồi không lưu, xã cũng thay nhiều nhiệm kỳ cán bộ nên cũng không nắm rõ. “Lẽ ra khi đó cẩn thận hơn phải thanh lý hợp đồng của các hộ để có cơ sở giải quyết sau này. Tuy nhiên, theo quy định, chính quyền địa phương khi làm thủ tục cấp bìa đỏ phải đi hiện trường để nắm rõ thực tế, để lấy chữ ký giáp ranh liền kề. Khi đó nếu phát hiện hộ dân đang nhận khoán thì làm việc với Ban để đơn vị thanh lý hợp đồng”- ông Thiều nói.

Theo người dân địa phương cho biết, hiện nay, mới chỉ có 5 vụ việc tranh chấp bị kiện ra tòa liên quan đến hàng chục người. Hiện, trên địa bàn còn rất nhiều trường hợp đang tranh chấp đất rừng nhưng vì nhiều lý do nên chưa khởi kiện.

Tác giả: Cao Sơn

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn