Từ đề tài khoa học cấp quốc gia đến đại án Việt Á
- 05:55 15-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhưng sau đó, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á bất ngờ xuất hiện và là doanh nghiệp đồng hành trong nghiên cứu đề tài với Học viện Quân y. Tiếp đó, Công ty Việt Á nghiễm nhiên được ứng dụng sản xuất và được độc quyền, được bảo hộ để bán cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố, thu nguồn lợi nhuận cả ngàn tỉ đồng?
Từ ý tưởng phục vụ chống dịch…
Đầu năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 manh nha bùng phát tại một số địa phương của Việt Nam, Học viện Quân y đã đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm nCoV. Ngày 3-2-2020, đề xuất được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phê duyệt với yêu cầu, sau một tháng phải có sản phẩm kit xét nghiệm phục vụ chống dịch.
Đề tài khoa học - công nghệ cấp quốc gia với tên đầy đủ là “Nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)” được phê duyệt và cấp kinh phí nghiên cứu. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu là Học viện Quân y, do PGS-TS Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm. Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ trên là 18,98 tỉ đồng. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2-2020 đến tháng 7-2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2-2020 đến tháng 10-2021 (sau khi được gia hạn thêm đến tháng 10-2021).
Thượng tá Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài (phải), cùng bị can Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á) giới thiệu bộ kit test COVID-19 |
Chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng về quá trình triển khai, thực hiện đề tài, ông Hồ Anh Sơn từng cho biết: Có gần 80 người tham gia nhóm nghiên cứu, trong đó 16 thành viên chính là các giáo sư, tiến sĩ và chuyên gia đầu ngành lĩnh vực y sinh, hô hấp, truyền nhiễm... Số còn lại là các bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên đảm nhiệm việc thu thập mẫu, xét nghiệm, phân tích...
Cũng theo ông Sơn, sau một tháng, nhóm đã hoàn thiện quy trình và có những sản phẩm kit đầu tiên, phát hiện chính xác nCoV trong mẫu bệnh phẩm với độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương kit của Đức và kit của CDC Mỹ sử dụng thời điểm đó. Đây là kết quả sáng tạo, kết hợp kinh nghiệm, kiến thức được tích lũy nhiều năm của các nhà khoa học của Học viện Quân y nói riêng và Việt Nam nói chung(!)
Theo báo cáo kết quả tự đánh giá của nhóm nghiên cứu về bộ sinh phẩm đối với hiệu quả xã hội được Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tải, sản phẩm khoa học của nhiệm vụ nghiên cứu đã đạt về cả số lượng, khối lượng và chất lượng. Cụ thể, "sản phẩm của đề tài là bộ sinh phẩm đã được tối ưu hóa các thành phần, đóng gói thành kit test dưới dạng "super mix" sẵn sàng sử dụng, thuận tiện cho các cơ sở chẩn đoán - là các trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh có trang bị chẩn đoán phân tử có thể tiến hành đơn giản theo hướng dẫn sử dụng của bộ kit. Bộ sinh phẩm tạo ra đạt trình độ cao về sinh học phân tử, có khả năng phát hiện sớm và đáp ứng nhanh trong trường hợp khi có dịch xảy ra và đạt đỉnh dịch với số lượng người nhiễm lớn trên phạm vi cả nước.
Trong báo cáo kết quả tự đánh giá của nhóm nghiên cứu cũng ghi rõ sản phẩm khoa học đã được ứng dụng là kit xét nghiệm RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV đã được ứng dụng từ tháng 3-2020 đến nay do cơ quan ứng dụng là Học viện Quân y và các đơn vị xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn quốc. Tương tự, ở phần danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng - chuyển giao (nếu có) là bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc chủng 2019-nCoV với thời gian dự kiến ứng dụng từ tháng 9-2021 đến tháng 9-2022 cũng chỉ ghi tên đơn vị dự kiến ứng dụng là Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y.
...đến thông đồng, nâng khống giá thiết bị
Tuy nhiên, theo thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, kit xét nghiệm COVID-19 là sản phẩm do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất. Tham gia nhiệm vụ có 17 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có 4 thành viên thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Ông Phan Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á là thành viên nghiên cứu chính tham gia thực hiện nhiệm vụ này.
Xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán COVID-19 |
Đến thời điểm vụ án liên quan đến những vi phạm của Công ty Việt Á được Bộ Công an khởi tố, điều tra, PGS.TS Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu lại khẳng định sai phạm của Công ty Việt Á không liên quan đến nghiên cứu kit xét nghiệm. Theo PGS Sơn, giai đoạn 1 các nhà khoa học đảm nhiệm chế tạo sản xuất quy mô phòng thí nghiệm, giai đoạn 2 doanh nghiệp (tức Công ty Việt Á) chủ trì. Ông Sơn lý giải cho việc người của Công ty Việt Á tham gia nhóm nghiên cứu từ những ngày đầu triển khai nhiệm vụ nghiên cứu là bởi tính cấp bách, hai giai đoạn được tích hợp vào làm một?
Trả lời báo chí vì sao có Công ty Việt Á vào nhiệm vụ nghiên cứu này, ông Sơn cho hay: Doanh nghiệp này tham gia cùng nhóm từ những ngày đầu nghiên cứu là bởi tính cấp bách. Đây cũng là đơn vị được Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ đề xuất lựa chọn là đối tác nghiên cứu phát triển sản phẩm. Tại thời điểm đó, Việt Á là đơn vị có năng lực sản xuất kit. Cơ sở sản xuất của họ đạt chứng chỉ ISO 13485/2016.
Tiếp đó, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời (theo Quyết định 774/QĐ-BYT ngày 4-3-2020), cấp phép đăng ký lưu hành chính thức (theo Quyết định 5071/QĐ-BYT ngày 4-12-2020) sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19, việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế. Sau khi được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19, Công ty Việt Á dưới sự chỉ đạo của Tổng giám đốc Phan Quốc Việt chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành sử dụng.
Không dừng lại, Phan Quốc Việt còn thông đồng với lãnh đạo các đơn vị sử dụng sản phẩm này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để quyết toán theo giá mức do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Thực tế, Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit. Tính đến nay, công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng.
Chủ nhiệm đề tài bị điều tra tội “tham ô”
Câu hỏi lớn được đặt ra: Ngân sách chi gần 19 tỷ đồng để Học viện Quân y chủ trì nghiên cứu đề tài, vậy kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao như thế nào, bằng hình thức gì cho Công ty Việt Á? Tại sao đề tài sử dụng tiền ngân sách lại lọt tay Công ty Việt Á để rồi công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó công ty thu về số tiền hơn 500 tỷ đồng, chi “hoa hồng” cho các đối tác lên tới gần 800 tỷ đồng… Nếu như chỉ một mình Việt Á đứng tên thì bộ kit test COVID-19 liệu có được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt nhanh chóng và Bộ Y tế cấp phép thần tốc (chưa đầy 24 giờ sau đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ)?
Hình ảnh sản phẩm kit xét nghiệm của công ty Cổ phần công nghệ Việt Á |
Tại kỳ họp thứ 12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. 3 vị tướng, trong đó có 2 Trung tướng, 1 Thiếu tướng cùng nhiều lãnh đạo cấp tá của Học viện Quân y bị Ủy ban kiểm tra Trung ương nêu đích danh với những vi phạm được xác định là “gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gây bức xúc trong xã hội”.
Mới đây, Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố, điều tra vụ “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Học viện Quân y”. Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn về tội “Tham ô tài sản” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng phòng Trang bị, vật tư - Học viện Quân y, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị can bị khởi tố do liên quan đến những sai phạm trong việc nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Học viện Quân y là cái nôi nổi tiếng đào tạo bác sĩ giỏi, đóng góp rất nhiều công sức, vật lực và y, bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Không ít đề tài khoa học cấp quốc gia từng là những thành quả đáng tự hào của Học viện. Việc những cán bộ của Học viện Quân y bị xem xét kỷ luật do vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng liên quan vụ Việt Á một lần nữa khẳng định sự quyết liệt trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, để lấy lại niềm tin của nhân dân.
Vụ Việt Á, bắt đầu từ vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương. Tính đến nay, đã có 22 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam về các tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, trong đó có các lãnh đạo, cán bộ thuộc Công ty Việt Á, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của nhiều tỉnh, thành trong nước. Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra, thu hồi triệt để tài sản thất thoát cho Nhà nước. |
Tác giả: Kim Sa
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân
Nhưng sau đó, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á bất ngờ xuất hiện và là doanh nghiệp đồng hành trong nghiên cứu đề tài với Học viện Quân y. Tiếp đó, Công ty Việt Á nghiễm nhiên được ứng dụng sản xuất và được độc quyền, được bảo hộ để bán cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố, thu nguồn lợi nhuận cả ngàn tỉ đồng?
Từ ý tưởng phục vụ chống dịch…
Đầu năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 manh nha bùng phát tại một số địa phương của Việt Nam, Học viện Quân y đã đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm nCoV. Ngày 3-2-2020, đề xuất được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phê duyệt với yêu cầu, sau một tháng phải có sản phẩm kit xét nghiệm phục vụ chống dịch.
Đề tài khoa học - công nghệ cấp quốc gia với tên đầy đủ là “Nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)” được phê duyệt và cấp kinh phí nghiên cứu. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu là Học viện Quân y, do PGS-TS Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm. Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ trên là 18,98 tỉ đồng. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2-2020 đến tháng 7-2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2-2020 đến tháng 10-2021 (sau khi được gia hạn thêm đến tháng 10-2021).