Giá xăng cao kỷ lục, Chính phủ muốn làm rõ vai trò của quỹ bình ổn
- 13:50 14-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Tháng 2 và 2 tháng đầu năm, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của xung đột chính trị trên thế giới và dịch bệnh, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt cục bộ xăng dầu trong nước; còn tình trạng ùn tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới. Dự báo thời gian tới, phục hồi kinh tế có thể xảy ra chậm; rủi ro lạm phát, nợ xấu gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn trong 2 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo đề xuất của các Bộ, cơ quan, địa phương, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022-2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3; khẩn trương hoàn thành thẩm định các dự án giao thông quan trọng Quốc gia, các dự án cao tốc để bảo đảm tiến độ báo cáo Quốc hội theo quy định.
Trong khi đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc để khai thác hiệu quả các nguồn cung về điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế; rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ.
Chính phủ giao Bộ Công Thương tăng cường quản lý thị trường, chủ động phương án điều tiết nguồn cung, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa; tập trung kiểm tra giám sát, quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu; xử lý kịp thời tình trạng ùn tắc hàng hóa, nông sản tại cửa khẩu biên giới đất liền.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, đồng bộ, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, công tác điều hành giá những mặt hàng Nhà nước quản lý giá và các chính sách khác để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục xử lý, khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước nói chung cũng như nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán.
Tác giả: Văn Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí