F0 vội uống kháng sinh để ngăn virus "ăn" xuống phổi, bác sĩ cảnh báo!
- 13:15 14-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, ho khi mắc Covid-19 về bản chất là phản ứng bảo vệ cơ thể, nhằm tống xuất mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu ho nhiều quá gây mệt, khó ngủ, người bệnh cần nhập viện.
Theo bác sĩ Hoàng, có 2 loại là ho khan và ho có đờm, cách xử lý sẽ khác nhau. Nếu ho khan thường do nhiễm virus, gây kích ứng đường hô hấp, F0 có thể dùng thuốc giảm ho. Còn nếu ho có đờm thường do có bệnh mạn tính về đường hô hấp hoặc do nhiễm vi khuẩn, thì không nên dùng thuốc giảm ho mà dùng thuốc long đờm.
Thực tế hiện nay, nhiều F0 ho nhiều, vội dùng kháng sinh để ngăn virus lan xuống phổi. Về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cảnh báo F0 điều trị tại nhà không nên lạm dụng kháng sinh. Đây là loại thuốc do bác sĩ tư vấn và chỉ định.
Theo bác sĩ Hường, sau khi làm các xét nghiệm, nếu xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, F0 mới sử dụng kháng sinh. "Kháng sinh là con dao hai lưỡi nếu dùng sai cách, vừa không hiệu quả, vứa có thể gây dị ứng, tổn thương men gan và chức năng thận", bác sĩ Hường nhấn mạnh.
Để xác định có tổn thương phổi hay không, người bệnh cần đến các cơ sở y tế thăm khám và chụp CT ngực đánh giá, tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh.
Bác sĩ Hường khuyến cáo, nếu người bệnh xét nghiệm PCR âm tính nhưng tiếp diễn tình trạng tổn thương phổi, thì cần nhập viện để tiếp tục điều trị.
F0 vội uống kháng sinh để ngăn virus lan xuống phổi, bác sĩ khuyến cáo những nguy hại (Ảnh minh họa) |
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng.
Theo bác sĩ, nhóm thuốc kháng sinh dùng để phòng và điều trị bội nhiễm vi khuẩn (viêm amidan, viêm tiểu phế quản, viêm xoang...). Nhưng thực tế, nhiều F0 vội sử dụng 2 loại kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh đây là sai lầm nghiêm trọng!
Theo bác sĩ, với các F0 nhiều bệnh nền, sức đề kháng vốn đã kém thì có thể tiềm ẩn nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, không nên dùng tới 2 loại để dự phòng, chỉ 1 kháng sinh dự phòng là đủ.
"Thậm chí một số người, dù không có các nguy cơ trên, vẫn cứ theo các đơn thuốc truyền tai nhau, uống cùng lúc đến 2 loại kháng sinh mạnh, trong khi không hề có dấu hiệu nhiễm khuẩn", bác sĩ Hoàng cho hay.
Vị chuyên gia phân tích, có nhiều loại kháng sinh, tuy nhiên các loại dùng đường uống hiện nay chủ yếu 3 nhóm.
- Nhóm marcolid: erythromycine, azithromycine, clarithromycine...
- Nhóm beta-lactam: amoxicillin/clavulanic, amoxicillin/sulbactam, cephalexine, ceforuxime, cefixime, cefpodoxime...
- Nhóm quinolon: ciprofloxacine, levofloxacine...
"Việc lạm dụng kháng sinh tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do bị virus tấn công. Ngoài ra, nếu dùng không đúng, sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu bị nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng", bác sĩ Hoàng khuyến cáo người bệnh nếu dùng kháng sinh phải được bác sĩ tư vấn.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo người dân không nên vội vàng uống kháng sinh khi có biểu hiện ho, đau họng. Thay vào đó, F0 có thể sử dụng mật ong, siro thảo dược giảm ho.
Khi ho khan kéo dài gây mệt mỏi, khó ngủ, đau bụng, người dân có thể dùng thuốc hoặc siro có alimemazin hoặc diphenhydramin. Đây là các chất có tác dụng giảm ho, chống dị ứng, an thần. Nếu bệnh diễn biến nặng, F0 nên thông báo ngay cho cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng tư vấn xử trí ho khi mắc Covid-19 A. Các thuốc giảm ho: 1. Mật ong, bạc hà và các loại thảo dược, làm giảm kích thích đường hô hấp. Bổ phế Nam Hà, Eugica, các loại bổ phế khác, Prospan... 2. Thuốc giảm ho bằng cách ức chế trung khu hô hấp: Hoạt chất codein: - Codein có tác dụng giảm ho do ức chế trực tiếp trung tâm ho, nhưng làm khô và tăng độ quánh của dịch tiết phế quản. Khi bào chế thường kết hợp với terpin để làm loãng dịch tiết đường hô hấp. Dùng codein trong trường hợp ho khan gây khó chịu, mất ngủ và trong các chứng đau nhẹ và vừa. - Chống chỉ định: trẻ em dưới 1 tuổi, bệnh gan, suy hô hấp, phụ nữ có thai . - Codein làm khô đường hô hấp, tăng độ quánh của dịch tiết phế quản. Hoạt chất dextromethorphan... - Do ức chế trung tâm ho, dextromethorphan có tác dụng chống ho tương tự codein, nhưng ít gây tác dụng phụ hơn. - Dextromethorphan không gây nghiện, không có tác dụng giảm đau và rất ít tác dụng an thần. - Dextromethorphan chỉ định tốt trong trường hợp ho khan, mạn tính. - Chống chỉ định: quá mẫn với thuốc, trẻ em dưới 2 tuổi, đang điều trị bằng thuốc ức chế monoaminoxydase (MAO) . - Thận trọng: người có nguy cơ hoặc đang suy giảm hô hấp, tiền sử bị hen, dị ứng. Ngoài ra, trong nhóm này còn có hoạt chất pholcodin, noscapin... 3. Thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamin thế hệ cũ: - Hoạt chất alimemazin (siro Theralene hoặc các loại siro tương tự) - Hoạt chất diphenhydramin (siro Benadryl hoặc các loại tương tự). - Chỉ định: các chứng ho khan do dị ứng, do kích thích, nhất là về ban đêm. - Các thuốc nhóm 3 này gây buồn ngủ. B. Thuốc long đờm: Có 2 loại làm tăng dịch tiết đường hô hấp và làm tiêu nhầy, loãng đờm. 1. Các thuốc làm tăng dịch tiết: - Là chất kích thích niêm mạc dạ dày hoặc bản chất là tinh dầu, có tác dụng kích thích các tế bào niêm mạc đường hô hấp tăng tiết dịch - Bao gồm: Hoạt chất Guaiphenesine, Terpin, Eucalyptol,... Khi dùng các thuốc này cần uống nhiều nước. 2. Các thuốc tiêu nhầy: - Hoạt chất N-acetyl cystein: Acemuc hoặc các loại tương tự có cùng thành phần. - Họa chất ambroxol: Bisolvon hoặc các loại tương tự. - Hoạt chất bromhexin: Mucosolvan hoặc các loại tương tự. Lưu ý khi sử dụng các thuốc long đờm loại tiêu nhầy: - Thuốc có thể gây co thắt phế quản nên chống chỉ định cho người hen phế quản. - Thuốc làm tiêu màng nhầy bảo vệ dạ dày nên có thể làm bệnh nhân dạ dày tá tràng bị nặng hơn. - Không dùng các thuốc long đờm quá 10 ngày trừ phi có chỉ định của bác sĩ. XỬ TRÍ HO KÉO DÀI Nhiều người sau khi âm tính vẫn ho kéo dài, xử trí như thế nào? Ho khan - Có thể vẫn còn virus chưa hết hẳn, hoặc nhiễm virus đường hô hấp khác. Hoặc ho do dị ứng, do khói thuốc, hóa chất... - Cách xử lý là dùng giảm ho bổ phế, thuốc chống dị ứng thế hệ cũ như alimemazine, diphenhydramin (Theralene hoặc Benadryl hoặc các loại có thành phần tương tự). - Một số trường hợp là do trào ngược dạ dày thực quản, do khi bị Covid-19, dễ lo lắng, mất ngủ, suy nghĩ nhiều... có thể gây tăng tiết acid dạ dày, gây rối loạn co thắt dạ dày thực quản, cũng gây ho khan. Trường hợp này cần dùng kháng acid để trung hòa dịch vị dạ đay, thuốc an thần nhẹ để giảm lo lắng, căng thẳng. Ho có đờm - Có thể do viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này phải thăm khám bác sĩ để dùng kháng sinh và long đờm (thường dùng loại ambroxol). - Có thể do các bệnh phổi khác như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản. Khi đó cần đi khám chuyên khoa hô hấp để được xử lý triệt để. Ho do nấm đường hô hấp - Việc dùng kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch... có thể khiến một số loại nấm phát triển, dù bình thường không gây bệnh. - Nếu dùng các biện pháp điều trị ở trên mà vẫn ho kéo dài thì cần nghĩ đến nhiễm nấm. Khi đó cũng phải có bac sĩ chuyên khoa thăm khám và sử dụng thuốc chống nấm (thường rất hại gan) để điều trị triệt để. |
Tác giả: Minh Nhân
Nguồn tin: doanhnghieptiepthi.vn