Giảm áp lực cho thí sinh
- 14:41 11-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa/INT |
Theo đó đợt 1 sẽ dành cho thí sinh thường. Đợt 2 dành cho thí sinh là F0, F1 không thể tham gia thi đợt 1.
Theo lãnh đạo ngành Giáo dục TPHCM, thời gian đợt 2 cách đợt 1 khoảng 10 ngày vì theo quy định của ngành Y tế, F0 có thời gian cách ly là 7 ngày và 3 ngày theo dõi; F1 có thời gian cách ly là 5 ngày và 5 ngày theo dõi. Vì thế, nếu thí sinh rơi vào 1 trong 2 trường hợp nêu trên, sau khi hoàn thành thời gian cách ly, các em vẫn có thể tham gia kỳ thi, đảm bảo quyền lợi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo đúng nguyện vọng và năng lực. Các trường ĐH theo đó cũng thuận lợi hơn khi thực hiện tuyển sinh đồng loạt, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Đề xuất của TPHCM về cách thức tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là mới, bởi thực tế hai năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh, ngành Giáo dục từng áp dụng 2 đợt thi, trong đó đợt chính theo lịch thi chung, đợt sau chủ yếu dành cho học sinh có yếu tố dịch tễ. Tuy vậy, cách tính toán thời gian tổ chức 2 đợt thi cách nhau 10 ngày của lãnh đạo ngành Giáo dục TPHCM cũng có thể nói là một sáng kiến có cơ sở khoa học, góp phần giảm áp lực cho thí sinh F1, F0, nhất là về mặt thời gian.
Cho đến nay, căn cứ vào kế hoạch thời gian năm học, Bộ GD&ĐT dự kiến kỳ thi sẽ diễn ra trong tháng 7/2022. Việc thi một đợt hay hai đợt sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, Bộ sẽ có thông báo hướng dẫn kịp thời. Tuy nhiên, quan điểm xuyên suốt của Bộ GD&ĐT về công tác dạy học nói chung, tổ chức thi tốt nghiệp THPT nói riêng vẫn là linh hoạt, thích ứng, tất cả vì sự thuận lợi, quyền lợi của thí sinh.
Thực tế cho thấy, tiếp tục triển khai quan điểm tất cả vì quyền lợi thí sinh, năm 2022, Bộ GD&ĐT không sửa đổi, cũng không ban hành quy chế thi mới như mọi năm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tiếp tục được giữ ổn định như năm trước, theo văn bản hợp nhất Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Trước đó, từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó với dịch Covid-19.
Theo đó, việc dạy học thực hiện theo mức độ cần đạt của chương trình và nội dung dạy học các môn học được điều chỉnh theo hướng giảm tải. Đặc biệt, Bộ lưu ý không kiểm tra, đánh giá định kỳ những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm. Quy định này đã tháo gỡ nhiều khó khăn, áp lực cho cả thầy và trò trong điều kiện vừa dạy học vừa phòng, chống dịch.
Căn cứ diễn biến của dịch Covid-19 và tình hình triển khai công tác dạy học của các địa phương, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ có thông tin hướng dẫn cụ thể về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, giúp thí sinh giảm bớt áp lực, tiếp tục yên tâm ôn tập để sẵn sàng bước vào kỳ thi.
Giai đoạn căng thẳng, phức tạp nhất của dịch bệnh đã đi qua, khi tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin của học sinh THPT cả nước rất cao, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong đang xuống thấp. Cùng với chủ trương giảm tải, giữ sự ổn định trong công tác thi cử của Bộ, linh hoạt tổ chức dạy học trực tuyến, trực tiếp của trường phổ thông, đa dạng phương thức xét tuyển của trường đại học, học sinh 12 sẽ không còn phải quá áp lực với kỳ thi tốt nghiệp.
Song song với công tác dạy học và ôn thi, vấn đề quan trọng nhất mỗi địa phương, nhà trường cần đẩy mạnh trong giai đoạn này là quan tâm đến sức khoẻ thể chất, tâm thần, hướng nghiệp, hướng trường tốt cho học sinh, để các em vượt vũ môn một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.
Tác giả: Gia Khánh
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn