Sinh viên trở lại trường sau đại dịch: Đối diện nỗi sợ để vượt qua
- 14:39 11-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một lớp học trực tiếp của Trường ĐH Kinh tế quốc dân |
Đối diện nhiều khó khăn
Hiện tại, các giảng đường của ĐHQGHN đã kết hợp với Bệnh viện ĐHQGHN để chuẩn bị đủ các cơ sở thiết yếu đón sinh viên trở lại trường học an toàn. |
Tại buổi toạ đàm “Trở lại trường học sau đại dịch - biến thách thức thành cơ hội” do Trung tâm Hỗ trợ Giảng dạy, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa tổ chức; TS Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, (ĐHQGHN) – thông tin:
Khảo sát hơn 1.500 sinh viên đến từ 13 đơn vị khác nhau trong ĐHQGHN cho thấy, 56,7% sinh viên cảm thấy bản thân sẽ gặp phải khó khăn khi quay trở lại học trực tiếp với nhiều lý do khác nhau; trong đó nhiều nhất là khả năng có thể bị lây nhiễm Covid-19, di chứng hậu Covid-19. Xếp sau đó là khó khăn tài chính, thay đổi thói quen học tập, thuê nhà trọ…
Từ đó, sinh viên bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà trường như: Được tạo điều kiện và hỗ trợ trong học tập (26,3%); có quy định và chính sách cụ thể với các sinh viên mắc Covid-19 hoặc có nguy cơ mắc Covid-19 trong quá trình học tập (24,1%); Kiểm soát dịch bệnh để giảm thiểu nguy cơ mắc Covid-19 (13,1%); Có hoạt động để sinh viên làm quen lại/hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt (6,1%)…
TS Nghiêm Xuân Huy đặt vấn đề, các nhà quản lý, giảng viên cần “thấu cảm người học” để giải quyết bài toán đảm bảo chất lượng dạy học khi sinh viên trở lại trường học sau đại dịch Covid-19.
TS Nghiêm Xuân Huy chia sẻ kết quả “Báo cáo kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng của người học đối với việc trở lại trường học” do Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy thực hiện giữa tháng 2/2022 |
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) chỉ ra rằng, 80% học sinh, sinh viên đã và đang có biểu hiện tổn thương sức khoẻ tinh thần với nhiều dấu hiệu như: khó khăn về ăn ngủ, mất tập trung, buồn chán, không hứng thú và dễ khó chịu, ít thông cảm và chu đáo hơn, thường xuyên bị đau đầu, không hiểu bài giảng… Đến thời điểm hiện tại, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước thấy rằng giai đoạn vừa rồi tỉ lệ lo âu, trầm cảm tăng lên đến 700%.
Biến thách thức thành cơ hội
“Cách thức vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó chứ không phải né tránh mãi. Né mãi cũng không phải là giải pháp và thậm chí còn làm chúng ta lo sợ hơn”- PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, đồng thời khuyến nghị: nhà trường cần đồng hành cùng sinh viên để các em bảo vệ mình an toàn khi trở lại trường trong bình thường mới.
Tại buổi tọa đàm PGS.TS Phạm Kim Chung - Phó chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục đã trao đổi: Sau đại dịch, việc dạy học sẽ có những thách thức và cơ hội dạy nhất định. Do đó, cần có phương pháp dạy học hiệu quả cho thầy trò nhằm giúp sinh viên thích nghi, lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả.
PGS.TS Phạm Kim Chung nhấn mạnh dạy học trực tiếp là cơ hội được học một cách toàn diện của sinh viên. Để đảm bảo an toàn cho sinh viên, mỗi người thầy là người truyền cảm hứng, khuyến khích sáng tạo, hứng khởi cho sinh viên, giúp sinh viên cảm thấy được an toàn khi tham gia học trực tiếp trong đại dịch.
PGS.TS Trần Thành Nam: Cách thức vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó chứ không phải né tránh mãi |
Trao đổi về việc ứng dụng hệ thống quản lý học tập LMS để dạy học linh hoạt và sáng tạo; TS Nghiêm Xuân Huy cho rằng. Mỗi giảng viên cần linh hoạt trong tư duy để có những cách tiếp cận phần mềm tốt nhất, đưa ra nhiều tình huống đều đáp ứng được chương trình học tập kiến thức và trải nghiệm cho sinh viên. LMS là phần mềm được áp dụng rộng rãi trong hoạt động đổi mới giảng dạy của ĐHQGHN.
Chuyên gia cũng đưa ra những lời khuyên dưới góc độ khoa học, những chuẩn bị để sinh viên, giảng viên trở lại trường học trong trạng thái bình thường mới như: An tâm về các nguy cơ, an tâm về các hệ thống hỗ trợ, Hiệu quả giáo dục và mục tiêu cho tương lai, sẵn sàng về sức khỏe và sức khỏe tinh thần, viễn tượng tích cực về tương lai.
Tác giả: Minh Phong
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn