Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Loại rau dại "cứu đói" xưa nhà nghèo mới ăn, nay thành đặc sản nổi tiếng đặt trước mới có

Loại rau rừng này là thức ăn bổ dưỡng, vị ngọt, ăn rất lạ miệng, vốn món ăn "chống đói" một thời chưa xa.

Giảo cổ lam hay còn có tên gọi khác là cỏ trường thọ (Trung Quốc), phúc ẩm thảo (Nhật Bản), cây trường sinh, dền toòng, cổ yếm, ngũ diệp sâm, ... Tên khoa học của giảo cổ lam là Gynostemma pentaphyllum, cây thuộc họ bí (Cucurbitaceae). Nó là loại cây thân thảo mảnh, có chiều dài các phân đốt từ 6 -10 cm. Cây leo được nhờ tua cuốn đơn ở nách lá. Lá của cây giống như lá kép hình chân vịt, nhưng chúng mọc đơn và xẻ rất sâu. Mặt trên lá có màu xanh thẫm và mặt dưới có màu xanh lá cây.

 

 Giảo cổ lam là loại rau cứu đói ngày xưa

Cây sinh trưởng tốt nơi ánh sáng yếu và đất ẩm hoặc hơi chịu bóng. Thường leo trùm lên các tảng đá, hay những cây bụi, dây leo khác ở ven rừng thưa núi đá vôi. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã phát hiện loại thảo mộc này ở vùng núi Phan Xi Păng (Sa Pa) và vùng núi đá vôi Hòa Bình.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao thì giảo cổ lam còn là một loại “rau rừng”, được sử dụng trong nhiều trong các bữa cơm hàng ngày. Giảo cổ lam có 3 loại: loại 3 lá, 5 lá và 7 lá. Để nấu ăn, người dân thường dùng loại 7 lá, hương vị món ăn sẽ thơm ngon hơn. Người dân thu hoạch lá cây để làm thành các món xào như giảo cổ lam xào lòng gà, rau xào, vò nát nấu canh, thái nhỏ rán cùng trứng,… đều là những món ăn ngon miệng và dinh dưỡng.

 Giảo cổ lam mọc thành bụi.

Tìm gặp chị Đặng Vân Anh, chủ cơ sở Homestay tại Tuyên Quang, chị Vân Anh cho biết món ăn đặc trưng nhất từ rau giảo cổ lam là nấu canh trứng. “Món canh trứng giảo cổ lam có cách chế biến đơn giản nhưng hương vị vô cùng đặc biệt. Chỉ cần nấu sôi nước lên cho lá giảo cổ lam vào, sau đó đánh thêm 1 quả trứng. Vị ngọt thanh pha chút đắng nhẹ của giảo cổ lam kết hợp với vị thơm, quyện béo của trứng sẽ tạo nên một món canh rất dễ đưa cơm. Thực khách đến Homestay nhà mình khi nào cũng được mình giới thiệu món ăn này và đều nhận được nhận xét là rất ngon”, chị Vân Anh chia sẻ thêm.

Giảo cổ lam có vị hơi nhặng nhặng đắng, cộng thêm vị ngọt đầu lưỡi vô cùng lạ miệng. Đặc biệt món ăn này được xem là “thần dược” cho sức khỏe. Một số tài liệu còn ghi lại người Trung Quốc đã ưu ái đặt tên cho loại cỏ này là “cỏ trường thọ”. Ở Nhật Bản, thảo dược này là được gọi là “phúc ẩm thảo” và đã được các nhà khoa học Nhật Bản công nhận đây là loại thảo mộc mang lại nhiều lợi ích cho con người.

Nhiều năm trở lại đây, rau giảo cổ lam ngày càng được nhiều người biết đến. Một số nơi tại các tỉnh Tây Bắc đã quy hoạch vùng trồng rau đặc sản, trong đó có giảo cổ lam. Loại rau này được bày bán phổ biến tại các phiên chợ phiên. Một số nhà hàng, khách sạn tại các tỉnh Tây Bắc cũng đã đưa các món ngon từ giảo cổ lam vào thực đơn.

 Giảo cổ lam xào trứng là món ăn đặc sản được nhiều du khách thích mê

Còn về thành phố, để thưởng thức món ăn này phải tìm đến các cửa hàng đặc sản hoặc đặt mua tại các sàn thương mại điện tử. Theo khảo sát, giảo cổ lam tươi có giá 70.000 -90.000 đồng/kg, còn rau khô được bán với giá trung bình 140.000 - 180.000 đồng/kg, các loại mặt hàng này khá phổ biến tại đây. Chính vì giá cả và nguồn khách ổn định, loại rau này mang lại nguồn thu nhập cho bà con tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ông Hoàng Ngọc Chỉ (67 tuổi) là chủ nhân một vườn rau giảo cổ ở Tuyên Quang, tâm sự: “Xưa nghèo khổ, thiếu thốn, những buổi lên rừng bác thường tranh thủ hái ít rau về làm thực phẩm phục vụ bữa ăn của gia đình rồi mang về nhân giống, trồng tại vườn nhà. Ngoài việc phục vụ nhu cầu gia đình, bác đem bán cho các hộ gia đình làm dịch vụ du lịch trên địa bàn xã. Ấy thế mà được nhiều người yêu thích, rau nhiều khi không đủ cung cấp cho các mối…”.

 Giảo cổ lam được bày bán trên thị trường.

Không chỉ là loại rau rừng thơm ngon, giảo cổ lam giúp hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2, điều trị bệnh tăng huyết áp và phòng ngừa biến chứng của các bệnh tim mạch...

Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn