Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Các trường đại học công nhận, bổ nhiệm GS,PGS được không?

Tại các nước phát triển, trường Đại học, các Viện nghiên cứu lớn được quyền công nhận, bổ nhiệm Giáo sư, Phó giáo sư. Chức danh này ở đây được coi là một vị trí việc làm, không phải là một danh vị suốt đời như tại Việt Nam.

Năm 2015, Ban lãnh đạo trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng, TPHCM có ý định xét duyệt, bổ nhiệm Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) đối với các chức vụ chuyên môn của nhà giáo, nhà khoa học tại trường đã khiến dư luận xôn xao, tranh luận.

 

Cũng từ đó đến nay, không trường ĐH nào “dám xông pha” làm việc này nữa. Chuyện xét công nhận chức danh GS, PGS là nhiệm vụ của Hội đồng GS Nhà nước, còn việc bổ nhiệm là do các cơ sở giáo dục ĐH, các viện nghiên cứu.

Theo TS Phạm Hiệp Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng trong tương lai, cần phải tiến tới để các trường ĐH được toàn quyền hoặc có nhiều quyền hơn trong việc bổ nhiệm GS, PGS của đơn vị mình.

Khi đó, Hội đồng GS Nhà nước chỉ đưa ra tiêu chuẩn cứng, Hội đồng GS cơ sở của các trường sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn đó để xét duyệt các ứng viên của mình. Điều này cũng giống như yêu cầu tuyển dụng vị trí chuyên viên là ứng viên phải có bằng ĐH, Bộ Nội vụ đưa ra tiêu chuẩn đó và các cơ quan căn cứ yêu cầu này để thực hiện.

Trao quyền cho các trường trong việc bổ nhiệm GS, PGS còn giúp các đơn vị này thu hút người tài, những nhà khoa học giỏi vào làm việc và cống hiến vì sự phát triển của giáo dục.

TS Phạm Hiệp cho hay thương hiệu của một cơ sở giáo dục ĐH sẽ tạo nên chất lượng đội ngũ GS, PGS. Nếu trường nào thương hiệu tốt thì có thể đặt tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn của Hội đồng GS Nhà nước.

Cũng theo ông Hiệp, những năm gần đây, quy trình bổ nhiệm GS, PGS ở Việt Nam đã rõ ràng, hội nhập với xu thế quốc tế tốt hơn. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả cao nhất thì cần phải có cơ chế trao nhiều quyền hơn cho các đơn vị sử dụng lao động GS trường nào, trường đó công nhận và bổ nhiệm.

TS Phạm Hiệp cho rằng nên coi chức danh GS, PGS như một vị trí việc làm trong các trường ĐH, viện nghiên cứu. Sau khi rời khỏi đơn vị giáo dục đó, có thể được đơn vị khác bổ nhiệm lại hoặc không.

Các trường ĐH ở Anh công nhận, bổ nhiệm GS như thế nào?

Việc công nhận, bổ nhiệm tại các nước như Mỹ, Anh đều do các trường ĐH hay Viện nghiên cứu chịu trách nhiệm. PGS. TS Trần Thanh Long, trường ĐH Warwick cho biết các tiêu chí bổ nhiệm khác nhau rất nhiều giữa các trường ĐH ở Anh.

Lấy ví dụ, để được bổ nhiệm làm GS trong ngành Khoa học Máy tính (KHMT) trong một trường ĐH xếp hạng thấp thì thường dễ hơn so với ở trường đại học thuộc nhóm Russell (nhóm 24 trường đại học hàng đầu nước Anh). Nhưng ngay trong nhóm Russel, các trường ĐH cũng sử dụng những tiêu chí khác nhau: nếu một khoa KHMT nghiêng về tính ứng dụng nhiều hơn, thì việc bổ nhiệm thường đòi hỏi ứng viên có khả năng mang về cho trường nhiều nguồn tài trợ nghiên cứu hơn; một khoa KHMT nghiêng về lý thuyết hơn thì có thể bổ nhiệm một GS mà không đòi hỏi người đó có khả năng tìm tài trợ.

PGS Trần Thanh Long thông tin, chức danh này chỉ gắn với vị trí tại trường ĐH. Điều này có nghĩa là nếu một người rời trường ĐH, họ không còn có chức danh công việc nữa. “Tôi đã thấy những trường hợp là GS thực thụ (full professor) ở một trường ĐH nhỏ khi chuyển đến một trường hàng đầu thì bắt đầu lại sự nghiệp ở vị trí một GS tập sự (assistant professor)”, PGS Trần Thanh Long nói.

Đồng thời ông cho hay tuy là các tiêu chí bổ nhiệm có thể khác nhau nhiều, quá trình bổ nhiệm lại khá đồng nhất trên toàn nước Anh. Đầu tiên, ứng viên thể hiện ý định muốn ứng tuyển để được bổ nhiệm/thăng cấp.

Sau đó bộ môn thường lập một hội đồng nhỏ (có khi chỉ là người cấp trên) để hỗ trợ ứng viên lập hồ sơ và kiểm tra liệu ứng viên có đạt đủ các tiêu chí chưa. Các tiêu chí này có thể được chia thành 4 nhóm: giảng dạy, nghiên cứu, lãnh đạo, và tinh thần kinh doanh.

PGS Long giải thích thêm về tiêu chí lãnh đạo là liên quan đến việc quản lý, các hoạt động hành chính của ứng viên trong bộ môn và trong trường ĐH. Ứng viên đã từng chủ động làm những việc nâng cao năng lực hành chính trong bộ môn chưa (chẳng hạn, đề xuất cách làm mới để nâng cao bình đẳng giới, hoặc xây dựng những bài huấn luyện để giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu của các đồng nghiệp trẻ).

Tiêu chí về tinh thần kinh doanh thì có phần mơ hồ hơn, và thường liên quan đến hoạt động của ứng viên ở bên ngoài trường ĐH như họ có tham gia vào những ban bệ khoa học có uy tín không, có phải là thành viên hội đồng tư vấn của các công ty, hoặc tự họ có xây dựng được công ty để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hoặc làm những việc gì đó giúp tăng danh tiếng của bộ môn/trường ĐH.

Để đánh giá năng lực của ứng viên trong mỗi nhóm này, một số trường ĐH sử dụng một hệ thống tính điểm để tổng hợp các hoạt động vào một thang điểm.

Một số trường ĐH khác yêu cầu sự đánh giá định tính hơn (ví dụ, ứng viên cần cung cấp bằng chứng rằng họ đạt được yêu cầu ở mỗi tiêu chí). Trong kiểu đánh giá định tính này, người ta thường chỉ tính một hoạt động cho một tiêu chí. Lấy ví dụ, nếu một người đã lập một công ty khởi nghiệp có thuê 10 sinh viên từ bộ môn, thì ứng viên không thể dùng hoạt động này để đáp ứng cả tiêu chí về tinh thần kinh doanh (lập được một công ty) và lãnh đạo (quản lý và đào tạo được 10 sinh viên của bộ môn).

Khi hội đồng nhỏ này đã giúp ứng viên hoàn thành hồ sơ đăng ký, thì khoa sẽ lập một hội đồng để đánh giá chất lượng của ứng viên. Hội đồng này cũng thường gửi hồ sơ của ứng viên cho một số người phản biện độc lập từ bên ngoài để nhận báo cáo phản hồi. Mục tiêu của hội đồng khoa là đánh giá chất lượng của ứng viên một cách không thiên lệch.

Do vậy, hội đồng thường gồm những giảng viên cấp cao từ những khoa khác hoặc bên ngoài trường ĐH. Kết quả của ứng viên sẽ được đánh giá dựa trên hồ sơ đăng ký và ý kiến của người phản biện bên ngoài.

Sau cùng, nếu hội đồng của khoa thấy ứng viên có thể được bổ nhiệm, họ sẽ gửi thư đề nghị lên hội đồng của trường. Hội đồng cấp trường sẽ làm đề xuất cuối cùng là có bổ nhiệm ứng viên không. "Lưu ý rằng đây vẫn chưa phải là quyết định cuối cùng, vì đề xuất cuối này còn cần được một ban đại diện trường (gọi là “Senate”, gồm một số giảng viên và sinh viên đại diện các khoa) thông qua. Ban đại diện thường phê duyệt hầu hết đề xuất bổ nhiệm, nhưng tôi cũng từng thấy có ứng viên bị trượt ở bước cuối này khi họ phát hiện ra hành vi sai trái trong nghiên cứu của ứng viên", PGS Trần Thanh Long chia sẻ.

Tác giả: Nghiêm Huê

Nguồn tin: Báo Tiền Phong