Mắc lại Covid-19 trong thời gian ngắn, vì sao?
- 11:15 09-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tối 8-3, Sở Y tế TP Hà Nội cho biết số mắc Covid-19 mới trong ngày của Hà Nội đã lên mốc 32.650 ca/ngày. Đây là số ca bệnh cao nhất từ khi có dịch ở Hà Nội.
1 tháng 2 lần là F0
Là F0 vào cuối tháng 1 vừa qua lại mắc bệnh nền phức tạp nên chị V.H.T (trú tại quận Hoàng Mai) được chuyển đến một cơ sở điều trị Covid-19 của Hà Nội để được theo dõi, điều trị. Sau 8 ngày điều trị, có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, chị T. được xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe. Chưa kịp hồi phục sức khỏe thì cuối tháng 2 chị T. lại đau rát họng, mũi nhiều dịch. Test nhanh, chị tiếp tục mắc Covid-19. Theo chị T., lần tái nhiễm này, chị không sốt kéo dài, không mất vị giác nhưng ho nhiều, khó ngủ, liên tục hụt hơi. Anh N.V.H (trú tại quận Thanh Xuân) có con trai 9 tuổi khỏi Covid-19 từ tháng 12-2021 nhưng những ngày vừa qua tiếp tục dương tính lần 2 cùng 4 thành viên khác trong gia đình.
Các chuyên gia y tế cho rằng một người có thể mắc 2 chủng khác nhau, thậm chí mắc lại cùng 1 chủng sau một thời gian nhất định. TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm. Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỉ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại một trạm y tế phường ở TP Hà Nội Ảnh: GIA NGUYỄN |
Một số bác sĩ cũng cho biết các bệnh nhân tái nhiễm bệnh sau khoảng một tháng khỏi bệnh, triệu chứng sẽ nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà. Về nguyên tắc, sau khi khỏi Covid-19, cơ thể sẽ sinh kháng thể để chống lại sự xâm nhập SARS-CoV-2 và lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau. Nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, sau 3 tháng, người bệnh có thể tái nhiễm nhưng đối với chủng Omicron thì có thể lây trong 1 tháng trở lại. Ngoài ra, các bác sĩ cũng không loại trừ khả năng với những người dương tính trong một thời gian rất ngắn sau khỏi bệnh có thêm một khả năng là tình trạng dương tính kéo dài.
Các chuyên gia khuyến cáo người càng lớn tuổi, bệnh nền, người bị suy giảm chức năng miễn dịch, tim mạch, cấy ghép tạng, người chưa tiêm vắc-xin... thì khả năng tái nhiễm cao hơn.
Bao giờ Hà Nội đạt đỉnh dịch?
Tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch của UBND TP Hà Nội ngày 27-2, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết theo các chuyên gia, 2 tuần tới số ca mắc ở Hà Nội có thể đạt đỉnh.
Việc xác định đỉnh dịch cũng phụ thuộc vào việc xét nghiệm, để tính toán được chính xác số ca nhiễm trong một ngày. Dịch Covid-19 tại Hà Nội trong thời gian tới sẽ còn phức tạp và tăng nhanh.
PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dự đoán với tốc độ lây nhiễm rất nhanh tại Hà Nội thời gian gần đây, có thể biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế. Số liệu khảo sát cũng chứng minh điều này, khi 20/30 quận, huyện đã ghi nhận ca mắc Omicron. Hiện Hà Nội một ngày lên mức trên 32.000 ca nhiễm theo số liệu công bố, tuy nhiên thực tế có thể lên tới 100.000 ca trong vòng 24 giờ. "Với tốc độ lây nhiễm như hiện tại đồng nghĩa với số lượng, tỉ lệ người dân là F0 sẽ tăng lên, dần dần sẽ đạt đỉnh. Tôi dự đoán hơn 10 ngày nữa, Hà Nội sẽ đạt đỉnh dịch và sau đó số ca nhiễm sẽ giảm dần" - ông Nga nhận định.
Cả nước thêm 162.435 F0 Bộ Y tế cho biết ngày 8-3, cả nước ghi nhận 162.435 ca mắc Covid-19, tăng hơn 15.000 ca so với ngày trước đó. TP Hà Nội tiếp tục lập đỉnh mới với 32.650 ca, tiếp đến là Nghệ An 15.292 ca, Bắc Ninh 10.731 ca, Hải Phòng hơn 5.100 ca... Cùng ngày, tỉnh Bắc Ninh bổ sung 32.380 ca sau khi rà soát thông tin. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 134.041 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có gần 4,8 triệu ca nhiễm, trong đó 40.977 ca tử vong, chiếm tỉ lệ 0,9% so với tổng số ca nhiễm. Trong ngày, có 70.902 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên gần 2,8 triệu ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.258 ca. Hiện nước ta đã tiêm hơn 198,2 triệu liều vắc-xin Covid-19. Thời gian tới, Việt Nam triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi và đang nghiên cứu triển khai tiêm mũi vắc-xin thứ 4. N.Dung |
Tác giả: Ngọc Dung - Huy Thanh
Nguồn tin: Báo Người lao động