Đặc sản xưa đầy không ai ăn, giờ được ưa chuộng đến lạ vì ngon vô cùng, 70.000 đồng/kg
- 09:52 08-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xưa nay, miền Tây nổi tiếng với nhiều đặc sản dân dã nhưng không kém phần thơm ngon làm nao lòng bao người, trong đó phải kể đến các món ăn từ bồn bồn như bồn bồn nấu canh dừa, bồn bồn xào tôm thịt, dưa chua bồn bồn.... Đặc biệt du khách chỉ cần thử một lần sẽ không thể quên được vị giòn, chua lạ của loài cây dại này.
Chị Khánh Vy (29 tuổi, Tiền Giang) cho biết, bồn bồn là loại cây thuộc lọ lau sậy, thường mọc trên mặt nước nhiều phèn mặn, rễ nổi như rau muống và lá dài giống lá sả. Chúng mọc hoang và có phần ảnh hưởng đến cây lúa song biết tận dụng thì có thể đem lại kinh tế cao cho mỗi hộ dân.
Bồn bồn là loại cây thuộc lọ lau sậy, thường mọc trên mặt nước nhiều phèn mặn, rễ nổi như rau muống và lá dài giống sả. |
“Bồn bồn gốc trắng lá xanh là loại thức ăn lành tính vì mọc dại hay trồng canh tác thì vẫn là thứ không cần chăm sóc, phân bón hay phun thuốc trừ sâu. Nó chỉ cần mọc ở mảnh đất màu mỡ là có thể phát triển vù vù”, chị Khánh Vy nói.
Khác với các loại rau dại miền Tây khác, bồn bồn có vụ thu hoạch rất dài, từ tháng 6 đến tận tháng 11 hàng năm. Khi đó tại các cánh đồng chua, bồn bồn đua nhau phủ màu xanh mướt. Người nông dân chỉ cần kéo lấy ngọn bồn bồn trên mặt nước, giữ lại từ gốc lên khoảng 30cm rồi tách lấy lõi non bên trong.
“Bồn bồn sau khi thu hoạch sẽ được mang về rửa sạch để chế biến thành nhiều món ngon. Nếu ai muốn thưởng thức món ăn từ bồn bồn nhanh nhất thì lấy thân, phần non của chúng đem đi nấu canh dừa. Khi đun chín tới, bạn cho phần lá bồn bồn đã sơ chế vào cùng gia vị vừa ăn. Sau đó bạn đổ nước cốt dừa đậm đặc vào đảo đều và múc ra bát là có thể thưởng thức được”, chị Khánh Vy nói.
Gỏi bồn bồn. |
Ngoài ra, đặc sản này có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau như tôm khô, thịt bò, thịt lợn… để làm nên món xào dùng trong các bữa cơm gia đình. Tùy vào nguyên liệu và cách xắt sợi ngắn dài, dày mỏng khác nhau mà mỗi món có vị ngon riêng. Và món ăn luôn được nhiều người nhắc đến đó là gỏi bồn bồn đầy đủ chua, cay, mặn, ngọt, phù hợp khẩu vị của người miền Nam. “Có người trộn gỏi bằng loại bồn bồn đã làm chua để món ăn có nhiều hương vị nhưng người sành ăn lại thích dùng bồn bồn tươi để thưởng thức trọn vẹn vị thơm ngọt của bồn bồn. Theo đó, phần gốc hơi giòn nhưng không cứng, phần lá non mềm nhưng không bở, tan ngay trong miệng. Gỏi bồn bồn thường được trộn với tôm sú và ít thịt luộc béo ngậy”, chị Khánh Vy cho hay.
Bồn bồn muối chua. |
Bên cạnh các món ngon trên, món ngon nhất có lẽ là bồn bồn xào tép bạc - món dễ chế biến nhất và cũng là món giữ được vị ngọt đặc trưng của bồn bồn vì chỉ cần dùng rất ít, thậm chí không cần gia vị. Còn món phổ biến nhất, thường xuất hiện trong những gia đình người dân miền Tây Nam Bộ là dưa bồn bồn muối chua. Cách làm khá đơn giản, bồn bồn chọn lấy phần non và trắng nhất sau đó dùng dao chẻ làm đôi hoặc tư rồi sắp vào hũ nước gạo có pha chút muối, đậy nắp kín, giữ khoảng vài ngày là được. Món ăn này có mùi thơm đặc trưng của ruộng đồng, khi ăn có vị giòn, mềm, vừa giống măng vừa giống ngó sen.
“Nếu các bạn muốn mua bồn bồn về thưởng thức có thể đến các chợ quê miền Tây hoặc các trang thương mại điện tử với giá từ 60.000 – 70.000 đồng/kg. Theo mình biết, người thành thị khá thích ăn bồn bồn vì nó vừa rẻ lại sạch”, cô gái 29 tuổi chia sẻ.
Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn