Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Màn kịch" không tưởng của cựu trụ trì chùa lừa đảo hơn 67 tỷ đồng, nạn nhân chủ yếu là nữ

Để "kịch" không bị lộ, cựu trụ trì nhờ người ở cửa khẩu Lạng Sơn dùng số điện thoại từ Trung Quốc liên hệ với "con mồi", để họ tin tưởng chuyển tiền.

 

Trong cáo trạng mà VKSND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành mới đây, bị can Phạm Văn Cung (SN 1982, tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - cựu trụ trì chùa Phước Quang) và một người nữa bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

"Tổng cộng, Cung đã vay tiền của 4 người hơn 77,7 tỷ đồng để chi xài cá nhân, dẫn đến không có khả năng thanh toán. Sau khi bị tố giác, Cung đã trả lại cho các bị hại gần 10 tỷ đồng. Như vậy, số tiền mà Cung còn chiếm đoạt là hơn 67,7 tỷ đồng", tờ Dân trí dẫn nội dung trong cáo trạng.

Từng được xác định không có dấu hiệu tội phạm

Ông Cung là tu sĩ từ năm 2005, có pháp danh Thích Phước Ngọc, tu tại chùa Phước Quang, ở thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Theo thuật lại của báo Dân Việt, trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2005, ông Cung du học và hoạt động Phật sự tại Thụy Điển, Đan Mạch, Anh Quốc. Cung về Việt Nam vào năm 2006 và được Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm trụ trì Chùa Phước Quang.

Năm 2007, Cung được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử vào Ban Hoằng Pháp Trung ương.

Năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Long cho phép thành lập trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương nuôi dạy trẻ mồ côi. Cung được cử làm giám đốc trung tâm này.

Những ồn ào về ông Cung đã nổi lên từ năm 2018. Báo Dân Việt cho hay, vào năm này, ông Nguyễn Ngọc T.S. (trú tại Thủ Đức, TP.HCM) và bà B.T.N. (trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tố cáo Cung lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long. Song khi đó, cơ quan này xác định vụ việc không có dấu hiệu tội phạm nên không khởi tố vụ án.

Ông S., bà N. và có thêm một số nạn nhân khác tiếp tục gửi đơn tố cáo Cung. Đầu tháng 4/2019, công an đã phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm và 1 tháng sau đó Thượng tá Huỳnh Văn Em ký thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trong đó nêu, công an nhận được đơn của ông S., bà N., bà H. tố bị Cung vay mượn hơn 34,5 tỷ đồng từ năm 2012 đến 2018.

Một nạn nhân nữa là bà H.T.Y. (ở tỉnh Hưng Yên) có đơn tố Cung lừa đảo chiếm đoạt khoảng 18 tỷ đồng, vào tháng 9/2020. Các nạn nhân sau đó gửi cả đơn tố Cung đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật Giáo tỉnh Vĩnh Long.

Từ tháng 9/2020, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thông báo Cung đã hoàn tục và không còn là tu sĩ.

Tới ngày 26/11/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Văn Cung để điều tra.

 Cung thời điểm bị bắt. Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Dựng "màn kịch" công phu để lừa đảo

Tờ Dân trí dẫn cáo trạng cho hay, khi tu tại chùa Phước Quang, Cung tổ chức nhiều chương trình có thật hoặc không có thật để nhằm tạo uy tín cho mình. Đối tượng còn giới thiệu mình có quen với nhiều lãnh đạo cấp cao ở Trung ương, làm các video về hoạt động từ thiện của chùa và trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương nuôi dạy trẻ mồ côi để quảng bá cho mình.

Lợi dụng hoàn cảnh đó, đối tượng tìm cách liên hệ với những người có điều kiện kinh tế, giở trò than khổ trong việc nuôi dạy trẻ mồ côi, lợi dụng sự thương hại của mọi người để được giúp đỡ, dễ bề đi vay tiền.

Đồng phạm của Cung là Lê Nguyên Khoa (36 tuổi, ngụ tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ  - đang bị truy nã) và Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi, ngụ tại TP Vĩnh Long). Không chỉ vậy, những "màn kịch" bọn chúng dựng lên còn lợi dụng được nhiều người tham gia. Các nạn nhân từ Bắc vào Nam đã bị chúng lừa số tiền hàng chục tỷ đồng.

Bà N.T.H.P. (40 tuổi, ở TP.HCM) kể trên tờ Tri thức trực tuyến, đối tượng Cung nói dối việc xây dựng chùa và trung tâm cô nhi viện còn thiếu 6,5 tỷ đồng để vay tiền. Bà liền đem 700 triệu đồng cho hắn vay. 

 Phạm Văn Cung. Ảnh: báo Dân Việt

Tinh vi hơn, nhà sư này đã "kỳ công" nhờ một số người làm bốc vác tại cửa khẩu Lạng Sơn đóng giả nhóm bắt cóc sử dụng số điện thoại từ Trung Quốc để liên hệ với bà P. Nhóm này dọa, một tuần bà phải chuyển đủ tiền, nếu không thì sư Cung không thể về nước.

Nhóm "bắt cóc" cho bà nói chuyện với Cung qua điện thoại, nhà sư này "diễn" vô cùng đạt khi nói giọng hoảng hốt làm bà "tin sái cổ" chuyển cho bọn chúng gần 5,8 tỷ đồng.

Hai lần "cuỗm" được số tiền khủng của bà P. nhưng lòng tham của sư Cung không dừng lại. Gã nhắn tin cho bà P. nói đang nợ 7 tỷ đồng phải bỏ trốn sang Trung Quốc. Để bà tin, hắn gửi cả tấm ảnh mình đang trốn trong rừng với toàn cây cối sương mù. 

Bà P. không mảy may nghi ngờ, chuyển tiền cho Cung. Sau đó, bà còn bị hắn lừa thêm 4,5 tỷ đồng. Chiêu thức của Cung vẫn là "thiếu nợ nên bỏ trốn".

Với nạn nhân T.T.A.H. (nữ Việt kiều Đức), Cung mời bà về thăm Cô nhi viện Suối Nguồn Tình Thương rồi nhiều lần giả vờ than khó khăn, thiếu tiền nuôi các trẻ em ở đây để nhờ bà giúp. Cung "vay" được của bà hơn 7 tỷ đồng.

Nạn nhân B.T.N. (trú Hà Nội) cho tờ Dân Việt biết, bà đã bị ông Cung dụ dỗ lấy tổng cộng khoảng 30 tỷ đồng. Cung viện cớ nợ tiền xây dựng chùa Phước Quang, xây dựng Cô nhi viện Suối Nguồn Tình Thương để bà cho vay. 

"Ông Cung lợi dụng sự tội nghiệp của các em nhỏ để đánh vào lòng thương hại của chúng tôi để chiếm đoạt tài sản", nguồn trên dẫn tố cáo của bà N.

Theo Tri thức trực tuyến, nạn nhân H.T.Y. (57 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên) bị Cung chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng. Khi làm quen với bà năm 2018, Cung "nổ" mình là "Đặc phái viên Quốc tế của Ủy ban Tuyên dương khen thưởng Phật giáo" của nước ngoài. Sau này gã còn về Hưng Yên gặp bà Y. Khi "con mồi" đã cắn câu, Cung bịa ra những câu chuyện để đối phương chuyển tiền. Thậm chí, hắn còn mượn tiền để mua ô tô. 

Cung còn "nổ" mình là "mật vụ, tình báo" của Chính phủ thường đi nước ngoài để hoạt động trong các lĩnh vực tôn giáo rất nhạy cảm và có mối quan hệ quen biết nhiều quan chức cấp cao.

Tác giả: Tú

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị