Mẹ vi vu với người tình, con gái 14 tuổi 3 lần tìm cách tự vẫn
- 08:57 02-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
5 năm làm công tác tư vấn học đường, chị Nguyễn Thanh Thúy, chuyên viên tâm lý tại một trường THCS ở TPHCM gặp nhiều câu chuyện vô cùng đau lòng của học trò. Chị gặp nhiều trường các em học sinh có vấn đề về tâm lý nặng, hoàn cảnh phức tạp như bố mẹ ly hôn, bạo hành gia đình, thiếu sự quan tâm, chia sẻ... Trong đó, chị Thúy nhớ nhất câu chuyện nữ sinh 14 tuổi L.T.N.
Từ bé, N. phải sống trong bạo lực gia đình khi người bố hà khắc, độc đoán thường xuyên chửi rủa, đánh đập hai mẹ con. Ngay từ tiểu học, N. đã bất ổn, nổi loạn...
Cô nữ sinh 14 tuổi từng ba lần tự vẫn (Ảnh minh họa). |
Suốt năm lớp 6, N. trải qua thời gian căng thẳng khi bố mẹ tranh chấp, mâu thuẫn, cãi vã trước khi ly hôn. Những tưởng khi bố mẹ chia tay, N. thoát khỏi cuộc sống địa ngục, nhưng tiếp đó là chuỗi ngày em chống chọi với nỗi cô đơn, trống trải.
Mẹ lao vào công việc, N. lủi thủi một mình đến trường rồi về nhà, không ai quan tâm, hỏi han. Từ khi có người tình, mẹ thường xuyên vắng nhà, đi du lịch... N. thấy mình như người vô hình.
Trước khi lên phòng tư vấn, N. hai lần thực hiện hành vi tự vẫn nhưng may mắn dừng lại ở phút cuối. Trên cánh tay, trên đùi cô bé chi chít các vết rạch bằng lưỡi lam.
Chị Thúy cùng giáo viên chủ nhiệm từng nhiều lần liên hệ hẹn gặp trao đổi với mẹ N. nhưng không thành. Bà nhắn với chị Thúy cần gì trao đổi có thể viết gửi qua em.
Hai mẹ con sống chung nhà, nhưng N. rất hiếm có dịp nói chuyện với mẹ. Trong mắt mẹ, em là đứa con bất thường, hư đốn... Những tin nhắn, cuộc gọi của mẹ gửi N. cũng thưa thớt dần.
"Cái con thấy buồn nhất đó là con cảm thấy cô đơn. Dù có bạn bè chơi trong trường đi nữa, khi ở nhà con hoàn toàn một mình. Vì ba mẹ con không có ở chung nhà nữa, nên giờ việc nói chuyện với ba mẹ là chuyện xa xỉ. Con cảm thấy khó chịu. Cái cảm giác cô đơn làm con cảm thấy khó chịu. Không phải vì áp lực học tập, áp lực học tập nó làm con khó chịu thật nhưng không có quan trọng". (Chia sẻ của một học sinh 17 tuổi tại TPHCM trong báo cáo về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên của UNICEF) |
Chỉ khi nào cãi nhau với người tình, mẹ em mới ở nhà nhiều. Những lúc đó, có khi bà hét vào mặt N.: "Vì mày mà đời tao ra nông nỗi này!".
Lần gần nhất, khi N. uống thuốc tự vẫn được hàng xóm đưa vào viện cấp cứu, người mẹ đang đi du lịch với tình nhân ở Phú Quốc, nhờ dì qua chăm con gái.
"Đến thăm cô học trò lúc đó, tôi tính gọi cho người bố, em ngăn lại: "Bố có vợ mới, ông không qua đâu cô", chị Thúy kể.
N. cũng như nhiều hoàn cảnh học trò chị Thúy từng gặp trong quá trình tư vấn, giáo viên không biết phải gọi cho ai khi các em có chuyện. Các em rất cô đơn, lạc lõng hoặc bị bỏ rơi ngay trong gia đình. Nhiều em sa vào chất gây nghiện, game, quan hệ tình dục sớm, tự hủy hoại bản thân, trầm cảm...
Con học lớp 5 muốn giết bố rồi... tự vẫn
Chị Phan Thanh L., ở Thủ Đức, TPHCM dẫn cậu con trai lớp 5 đi tìm chuyên gia tâm lý trong sự hoảng loạn. Mới đây, chị rùng mình khi con trai ngồi một mình trong góc phòng tối, nói nhỏ với mẹ: "Con sẽ giết bố rồi tự vẫn!".
Chị L. biết, từ lâu cháu với bố không hợp nhau. Cháu làm gì chồng chị cũng không vừa mắt, thường xuyên chê bai, la mắng và lôi ra so sánh với cậu em trai. Ông bố chì chiết con hỗn láo, mất dạy, rồi quay sang đổ lỗi cho mẹ không biết dạy con.
Bị bố chửi mắng, chê bai, đứa trẻ lớp 5 rơi vào bất ổn, có suy nghĩ giết cha rồi tự vẫn (Ảnh minh họa). |
Hai bố con cứ giao tiếp với nhau là có chuyện. Người bố chửi mắng, bảo con hỗn, mất dạy thậm chí đánh đòn cháu. Còn cháu từ khóc lóc, sợ hãi dần chuyển qua chống đối, thách thức.
Tình trạng kéo dài nhiều năm nay, vợ chồng chị nhiều lần suýt bỏ nhau vì vấn đề liên quan đến con. Đặc biệt, trong đợt cách ly xã hội kéo dài vì dịch bệnh năm qua, cháu không đi học, bố con càng mâu thuẫn, gia đình càng căng thẳng.
Một thời gian dài cháu ở trong phòng ôm máy tính chơi game, không giao tiếp, không tắm rửa, không ra ngoài ăn uống...
Chồng chị vẫn chửi mắng "nhà có thằng con bị điên". Hết cách, chị L. đưa con đi khám tâm lý, tình trạng vô cùng khó khăn khi cháu không hợp tác.
Thời gian qua, nhiều trường hợp học sinh trầm cảm, tìm đến cái chết... đều có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, di cư, trẻ sống với ông bà... Đây cũng là nhóm đối tượng dễ gặp các nguy cơ không an toàn trong cuộc sống như bị bắt nạt, bạo hành, xâm hại.
Theo báo cáo về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam của UNICEF, một trong những yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe tinh thần của trẻ xuất phát từ gia đình. Đó có thể là những áp lực từ gia đình muốn trẻ phải thể hiện xuất sắc ở trường, những xung đột trong hôn nhân, cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình. Và nhất là việc thiếu giao tiếp giữa cha mẹ và con cái làm trầm trọng thêm những căng thẳng.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) từng nhiều lần báo động với ngành giáo dục, với gia đình tình trạng cấp bách về sức khỏe tâm thần của học trò. Vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ chưa được quan tâm phòng ngừa, sàng lọc, tư vấn và thường chỉ được đưa thăm khám khi tình trạng đã nặng.
Chưa kể, theo một chuyên gia tâm lý ở TPHCM, ngay khi tình trạng của các em đã rất nặng nhiều phụ huynh vẫn trì hoãn, không hợp tác, có lịch hẹn rồi cho bác sĩ... "leo cây". Trong khi, nhiều vấn đề của con trẻ nhưng người cần "chữa" là bố mẹ.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí