"Lời tiên tri" từ 8 năm trước của ông Kissinger: Muốn tồn tại, Ukraine không nên vào NATO
- 16:45 01-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: Xinhua |
Vào ngày 16/3/2014, sau khi cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý đạt kết quả 95% ủng hộ, Crimea và Sevastopol tuyên bố ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Ngay sau đó, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cho phép hai khu vực này gia nhập vào Liên bang Nga với tư cách chủ thể liên bang.
Ukraine không công nhận cuộc trưng cầu dân ý nói trên và phản đối việc sáp nhập Crimea và Sevastopol vào Nga, kể từ đó, phương Tây đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Tuy nhiên, đáng chú ý là, vào ngày 5/3 cùng năm, trước thời điểm cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea diễn ra, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã đăng một bài báo trên tờ Washington Post với tiêu đề "Henry Kissinger: Giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, bắt đầu từ kết thúc".
Ông nhắc nhở các nước phương Tây rằng, họ phải hiểu rằng đối với Nga, Ukraine chưa bao giờ chỉ là "nước ngoài", Ukraine đã là một phần của Nga trong nhiều thế kỷ và lịch sử của họ gắn liền với nhau.
"Phương Tây phải hiểu rằng, Ukraine không bao giờ có thể chỉ là nước ngoài đối với Nga. Lịch sử của nước Nga bắt đầu từ Kiev Rus (một liên bang thời trung cổ bao gồm các phần lãnh thổ của nước Nga và nước Ukraine ngày nay, với trung tâm là Kiev – thủ đô của Ukraine). Tôn giáo ở Nga bắt đầu được truyền bá từ đây. Ukraine là một phần của Nga trong nhiều thế kỷ, và trước đó, lịch sử của họ gắn liền với nhau. Ngay cả những người bất đồng chính kiến như Alexander Solzhenitsyn (cố nhà văn nổi tiếng người Nga) và Joseph Brodsky (cố nhà thơ gốc Nga) vẫn khẳng định rằng Ukraine là một phần tất yếu của lịch sử Nga...", cựu Ngoại trưởng Mỹ viết.
Ông cho rằng, Nga không nên ép buộc Ukraine trở thành một quốc gia vệ tinh để từ đó thay đổi lại biên giới. Bởi nếu không, Moscow chắc chắn sẽ khôi phục lại vòng lịch sử gây sức ép lẫn nhau giữa Nga với châu Âu và Mỹ.
Đặc biệt, nhà ngoại giao Mỹ cảnh báo Ukraine không nên gia nhập NATO nếu không muốn sự tồn tại của quốc gia bị đe dọa.
"Nếu Ukraine muốn tồn tại và phát triển thì không nên trở thành tiền đồn đối địch giữa bên này với bên kia, mà nên trở thành cầu nối kết nối hai bên", ông Kissinger nhấn mạnh. "Ukraine không nên gia nhập NATO".
Tác giả: An An
Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị