Gồng gánh công việc khi đồng nghiệp lần lượt thành F0
- 13:22 01-03-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Phòng mình hôm nay có thêm một bạn test nhanh dương tính. Mọi người chủ động phòng tránh, tuân thủ đúng quy định an toàn khi đi làm để giữ gìn cho chính mình, gia đình cũng như đảm bảo công việc nhé”.
21h chủ nhật, N.M. (28 tuổi, nhân viên ngân hàng ở TP.HCM) nhận được tin nhắn từ nhóm chat của phòng làm việc. Tâm trạng chùng xuống, anh vẫn tự nhắc bản thân tắt điện thoại, đi ngủ sớm để chuẩn bị đối mặt với “núi công việc” đang chờ mình trong tuần mới.
Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chưa ngày nào bộ phận của N.M. hoạt động với đông đủ nhân sự. Riêng mảng công việc vốn do N.M. cùng hai đồng nghiệp khác phụ trách hiện chỉ còn một mình anh đảm nhận.
Ca mắc Covid-19 tăng cao khi 100% nhân viên trở lại làm việc trực tiếp. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
“Cứ hết người này đến người khác bị nhiễm bệnh. Ban đầu, tôi còn cảm thấy may mắn vì vẫn khỏe mạnh, trụ vững nhưng càng về sau lại càng cảm thấy mệt mỏi, áp lực vì việc cứ chất đống lên”, N.M. nói với Zing.
Khi hầu hết công ty, doanh nghiệp ở TP.HCM yêu cầu 100% nhân viên trở lại làm việc trực tiếp, số ca mắc Covid-19 tại các văn phòng có xu hướng tăng. Nhiều người phải chấp nhận lượng công việc gấp 2,3 lần hay mang việc về nhà khi đồng nghiệp trở thành F0.
Mắc kẹt ở văn phòng
N.M. cho biết đặc thù công việc của ngành ngân hàng khiến hầu hết nhân viên chỉ có thể làm việc tại văn phòng. Điều đó có nghĩa là khi một người nhiễm Covid-19 và cách ly ở nhà, họ phải bàn giao toàn bộ công việc cho đồng nghiệp.
“Một người nghỉ thì lượng công việc của những người khác sẽ phải nhân lên gấp 2-3 lần. Với những mảng ít người phụ trách thì lại càng áp lực và vất vả”, anh chia sẻ.
Gần một tháng qua, N.M. chưa khi nào được về nhà trước 20h. Anh thường ăn tối tại văn phòng và cố gắng giải quyết xong phần công việc trong ngày vì không muốn tồn đọng sang hôm sau.
Nhiều đồng nghiệp xung quanh anh cũng không tránh được tình cảnh này. Một số người thậm chí phải đến văn phòng cả ngày cuối tuần.
Làm thêm giờ do thiếu nhân sự trong dịch khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt, mắc kẹt. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
“Tất nhiên làm thêm giờ sẽ có tiền overtime nhưng đó là điều không ai mong muốn cả. Nhiều hôm, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, sáng không dậy nổi để đi làm. Lấy kit test kiểm tra ngay vì nghĩ mình nhiễm bệnh rồi, nhưng kết quả vẫn là âm tính. Hóa ra, mình mệt không phải vì Covid-19 mà vì quá sức với công việc”.
Khoảng thời gian này mọi năm, Lê Thư (26 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP Thủ Đức, TP.HCM) thường lên kế hoạch du lịch cùng hội bạn thân hoặc hào hứng chuẩn bị cho đợt teambuilding cùng công ty. Tuy nhiên, năm nay, Thư đoán sẽ chẳng có chuyến đi chơi nào cả, ít nhất là trong 2 tháng tới.
Trong tuần qua, phòng làm việc của Thư có 3 F0, hiện đều đang cách ly ở nhà. 6 người còn lại được khuyến khích đi làm đầy đủ, không xin nghỉ phép trong thời gian này.
“Hôm trước, sếp tôi đánh tiếng rằng đợt này công ty đang chạy cùng lúc nhiều dự án nhưng lại thiếu nhân sự nên mọi người cố gắng tạm hoãn các kế hoạch cá nhân, ưu tiên cho công việc. Nghe vậy nên cũng chẳng ai dám nghĩ đến chuyện xin nghỉ phép hay đi du lịch nữa”, Thư cho hay.
Việc theo về tận nhà
Theo nghiên cứu toàn cầu của nền tảng gắn kết nhân viên TinyPulse, hơn 80% giám đốc điều hành nguồn nhân lực cho biết việc vừa đến văn phòng, vừa phải làm việc từ xa đã gây mệt mỏi, căng thẳng cho người lao động, theo CNBC.
“Mang việc về nhà khiến nhân viên kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần. Nhịp sinh hoạt các ngày trong tuần bị đảo lộn vì lịch làm việc chồng chéo, thiếu nhất quán”, Elora Voyles, nhà khoa học tại TinyPulse, cho biết.
Tình trạng kiệt sức của nhân viên sẽ khó có thể cải thiện với các công ty đang bắt buộc 100% nhân viên quay lại văn phòng trong khi nguy cơ lây nhiễm và chăm sóc trẻ em vẫn chưa được giải quyết.
Nghiên cứu gần đây từ Viện Becker Friedman của Đại học Chicago cho thấy rằng các giám đốc điều hành muốn nhân viên đến làm việc trực tiếp nhiều gấp đôi so với mong muốn của chính người lao động. 42% công nhân cho biết họ sẽ nghỉ việc hoặc bắt đầu tìm kiếm một công việc mới nếu được yêu cầu trở lại văn phòng toàn thời gian, theo Time.
Nhiều người phải giải quyết công việc trong cả ngày nghỉ. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
Thúy Ngân (27 tuổi) cho biết số ca nhiễm Covid-19 tại công ty cô đang tăng lên từng ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Nữ nhân viên văn phòng giờ đây không còn dám mơ đến chuyện kết thúc công việc trong 8 tiếng ở công ty. Nếu không muốn việc hôm nay bị dồn sang ngày mai, Ngân phải tăng ca ở nhà.
Cô cần đảm bảo mình luôn online, sẵn sàng trả lời tin nhắn của đồng nghiệp, nghe điện thoại phân việc của sếp cả trong ngày cuối tuần.
“Một số đồng nghiệp của tôi bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng đã chuyển sang làm việc ở nhà. Dù vậy, hiệu suất công việc không thể đảm bảo 100% so với khi khỏe mạnh. Đó là lý do những người khác sẽ phải nhận nhiều việc hơn”, Ngân cho hay.
Vừa làm việc tại văn phòng lẫn ở nhà khiến Ngân kiệt sức. “Tôi chỉ hy vọng tình trạng này sớm kết thúc. Có cảm giác đã lâu lắm rồi chưa được ngủ thẳng giấc, không cần đặt báo thức vào sáng chủ nhật”.
Tác giả: Lê Vy
Nguồn tin: zingnews.vn