Ngành Y tế Nghệ An luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân
- 15:59 27-02-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phóng viên: Ngày 27/02/1955, nhân dịp tổ chức Hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho hội nghị. Trong thư, Người căn dặn ngành Y tế nói chung và người thầy thuốc nói riêng phải thật thà đoàn kết; thương yêu người bệnh; xây dựng nền y học nước nhà… 67 năm qua, ngành Y tế Nghệ An đã thực hiện lời dạy này như thế nào?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Ở mỗi thời kỳ, ngành Y tế thực hiện một chiến lược, nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe khác nhau, trên cơ sở của sự kế thừa và nâng cao hơn. Tuy nhiên, phải nói rằng, những lời dạy của Bác Hồ vẫn luôn là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của ngành Y tế, cũng như hành động của tất cả các thế hệ của thầy thuốc Việt Nam.
PGS.TS Dương Đình Chỉnh đã đến kiểm tra công tác đón công dân từ các tỉnh, thành phía Nam trở về tại chốt cầu Bến Thủy 2 trước thời điểm cơn Bão số 8 chuẩn bị đổ bộ. |
Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt 67 năm qua, các thế hệ thầy thuốc tỉnh Nghệ An đã đoàn kết một lòng, không ngừng cố gắng, phấn đấu trưởng thành. Cụ thể: Từ chỗ, toàn tỉnh chỉ có trên 50 cán bộ y tế thì hiện nay, chúng ta đã có hơn 12.000 cán bộ, nhân viên y tế. Từ chỗ công tác chăm sóc sức khỏe người dân chủ yếu dựa vào cộng đồng thì nay đã phát triển y tế chuyên sâu, áp dụng nhiều kỹ thuật mới phục vụ bệnh nhân.
Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thôn, bản, làng đã được củng cố và ngày càng hoàn thiện. Mạng lưới khám, chữa bệnh - phục hồi chức năng phát triển nhanh chóng theo hướng kỹ thuật chuyên sâu. Đến nay, Nghệ An đã có 13 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 bệnh viện đa khoa cấp huyện, 21 Trung tâm y tế tuyến huyện, thành, thị và 16 bệnh viện tư nhân…
Cán bộ y tế Nghệ An lên núi, vào bản phòng chống Covid-19. |
Bằng tinh thần trách nhiệm và tấm lòng yêu thương người bệnh, đội ngũ thầy thuốc Nghệ An đã không ngừng nâng cao y đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Có nhiều chuyển biến rõ nét về y đức, y đạo có thể thấy rõ trên tất cả các lĩnh vực từ khám, chữa bệnh đến dự phòng.
Những chuyển biến có thể thấy rõ, đó là: Các chỉ tiêu về giường bệnh, bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân, tỷ lệ BHYT luôn tăng qua từng năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng luôn đạt mức cao, các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện, công tác dân số, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đảm bảo.
Phẫu thuật nội soi cứu sống bệnh nhân nguy kịch. |
Ngành Y tế hoàn thành một số mục tiêu xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ tại thành phố Vinh; thực hiện thành công các kỹ thuật tiên tiến, phức tạp, như: can thiệp tim mạch, mổ tim hở, phẫu thuật mạch máu, thần kinh, cột sống, kỹ thuật ghép tủy...
Ngành đã và đang từng bước chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến, như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật phaco… cho y tế tuyến huyện; ưu tiên tuyển dụng bác sĩ, thu hút nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nhân lực cho y tế tuyến dưới, xóa dần ranh giới giữa tuyến tỉnh và tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn.
Quan tâm bồi dưỡng người thầy thuốc “Vừa hồng vừa chuyên”, y đức, y đạo của người thầy thuốc ở tỉnh nhà không ngừng được vun đắp. Chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của bệnh nhân ngày càng được nâng lên (qua các đợt tiếp xúc cử tri, đối thoại với người dân và các kỳ họp HĐND các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân về tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã giảm nhiều so với những năm trước).
Phóng viên: Trong 3 năm qua, ngành Y tế Nghệ An đối mặt với một thử thách rất lớn mang tên “đại dịch COVID-19”. Trong giai đoạn này, phẩm chất “Mẹ hiền” của người thầy thuốc đã được thể hiện ra sao?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Trong 3 năm qua, khi dịch Covid-19 lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngành Y tế đã chủ động, tích cực, tham mưu quyết liệt cho tỉnh nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Và cùng một lúc đã triển khai tốt 2 nhiệm vụ: vừa phòng chống dịch, vừa triển khai tiêm chủng vắc-xin nhanh, kịp thời an toàn cho người dân.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân vùng cao. |
Thực hiện phòng chống dịch, kể từ 4 ca nhiễm đầu tiên là công dân nhập cảnh vào tháng 4/2021 cho đến nay, hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế của ngành Y tế Nghệ An đã phải làm việc suốt ngày đêm; chạy đua từng phút, từng giờ chống chọi với dịch Covid-19 và tiêm vắc-xin. Giữa những ngày nóng nực, trong bộ đồ bảo hộ kín bưng, các cán bộ y tế vẫn cần mẫn lấy mẫu cộng đồng. Vào những đêm Đông lạnh buốt, các bộ y tế vẫn dò dẫm bước theo ánh đèn pin lên những bản, làng thực hiện điều tra, truy vết, lấy mẫu cho các đối tượng nguy cơ cao, tránh bỏ sót các đối tượng nghi ngờ. Bất cứ nơi nào xuất hiện ca nhiễm, nơi nào còn có người chưa được tiêm chủng, các cán bộ y tế đều có mặt. Họ đã thực hiện nhiệm vụ như đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã dặn dò: “Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch, phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu”.
Nhìn nhận lại giai đoạn chống dịch vừa qua, phải nói rằng các đơn vị y tế, cán bộ y tế Nghệ An gặp rất nhiều gian nan, vất vả song vẫn không ngừng cố gắng mà không hề kêu ca. Tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực đã thấm sâu vào từng cán bộ y tế, từng đơn vị... Với sự thống nhất chỉ đạo điều hành từ trên xuống dưới, các đơn vị trong ngành đã phối kết hợp nhuần nhuyễn để chống dịch hiệu quả. Điều này thể hiện rõ ở thời điểm này: Số lượng F0 điều trị tại nhà tăng, F0 ở tầng 3 tăng nặng nhưng ngành Y tế Nghệ An không rối. Ngành Y tế vẫn đáp ứng được trong tình huống dịch xấu đi khi lượng bệnh nhân có thể tăng 3-4 lần.
Phóng viên: Trong giai đoạn chống dịch vừa qua, có thể nói cán bộ, nhân viên y tế Nghệ An đã rất vất vả, có nhiều hy sinh thầm lặng. Ngành Y tế đã có những tham mưu, hành động nào để đảm bảo tốt quyền lợi, động viên tinh thần cho họ?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Những tháng ngày chống dịch vừa qua, trong toàn ngành đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh thầm lặng, những thiệt thòi không kể hết bằng lời. Đó là những y, bác sỹ đã không quản ngại khó khăn vất vả, thậm chí là nguy hiểm, dấn thân, xông pha vào vùng dịch, tất cả vì sức khỏe và tính mạng của người dân…
Cán bộ y tế Nghệ An lên đường giúp các tỉnh bạn phòng chống dịch Covid-19. |
Và ngay lúc này đây, đang có rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã gác lại niềm vui kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, vẫn lặng lẽ, âm thầm miệt mài không ngại gian khổ để dồn sức chống dịch, bảo vệ sức khỏe và bình an của người dân. Chính những hy sinh thầm lặng của người cán bộ y tế đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của ngành Y; chính trong gian nan, hiểm nguy, vất vả, đã nhân lên niềm tin và sự tin yêu của nhân dân đối với “Chiến sĩ áo trắng” trên quê hương Bác Hồ.
Nhằm góp phần động viên, khích lệ các cán bộ và nhân viên y tế trong giai đoạn chống dịch này, Nhà nước ta đã có những chính sách cụ thể liên quan đến chế độ, quyền lợi lực lượng chống dịch. Ngay sau khi có các Nghị quyết, nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đến chính sách, ngành Y tế Nghệ An đã cụ thể hóa và tham mưu cho các cấp, ngành thực hiện… Song phải nói rằng, Nghệ An đang là tỉnh nghèo, có nhiều khó khăn trong ngân sách chi trả. Mong muốn rằng, thời gian tới các địa phương cố gắng chi trả đầy đủ, động viên kịp thời cho các cán bộ y tế.
Nguồn động viên về mặt vật chất là rất tốt song cũng phải nhấn mạnh thêm rằng cán bộ y tế Nghệ An không hề tâm tư gì về việc này. Từ lâu nay, không có một cán bộ y tế nào kêu ca, đòi hỏi liên quan đến chính sách, chế độ chống dịch. Đáng mừng nhất là thời gian chống dịch vừa qua, y tế Nghệ An không bị mất nhân lực – không có một cán bộ, nhân viên y tế nào bỏ việc do chống dịch quá vất vả như đã xảy ra ở một số địa phương khác trong cả nước.
Phóng viên: Dự báo trong thời gian tới, ngành Y tế Nghệ An sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, từ phòng chống dịch và cho đến các lĩnh vực khác. Ông có thể cho biết rõ hơn về những khó khăn này và những giải pháp khắc phục để ngành tiếp tục phát triển vươn lên?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Trong thời gian tới, ngành Y tế có nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, trong đó, thách thức lớn nhất đó là việc đối mặt với dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh cả xã hội thích ứng với Nghị quyết 128 của Chính phủ; độ bao phủ vắc-xin tiếp tục tăng lên thì xu thế miễn dịch cộng đồng sẽ dần diễn ra. Từ đây, COVID-19 được coi như một bệnh thông thường. Thử thách của ngành Y lúc này không còn là việc lấy mẫu xét nghiệm mà sẽ là công tác điều trị. Tuy nhiên, ngành Y tế Nghệ An vẫn luôn xác định khó khăn là luôn thường trực và hiện nay đã có những kế hoạch trong việc điều trị bệnh nhân.
Áp lực sẽ ngày càng đè nặng hệ thống điều trị Covid-19. |
Khi cả xã hội đã thích ứng với Nghị quyết 128 thì ngành Y tế cũng phải như vậy, mỗi lĩnh vực từ dự phòng đến khám chữa bệnh, dân số, an toàn thực phẩm cũng phải có chiến lược linh hoạt để thực hiện tốt tất cả các nhiệm vụ. Trong 2 năm vừa qua, tất cả các đơn vị trong ngành đã tập trung lớn cho công tác chống dịch. Thì nay với mục tiêu kép “chống dịch và nhiệm vụ chuyên môn”, các đơn vị cần tiếp tục cố gắng, phấn đấu với 200% sức lực của mình để thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu của năm, của nhiệm kỳ.
Để làm được điều này, toàn ngành Y tế Nghệ An cần nỗ lực, đoàn kết và phối kết hợp tốt hơn. Tại các đơn vị cần đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; tính gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ ngành Y tế cần không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt lời dạy của Bác "Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền"; dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải nêu cao đạo đức nghề nghiệp, khẳng định hình ảnh đẹp về người cán bộ y tế, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.
Nguồn tin: baoquankhu4.com.vn