Vì sao F0 trên cả nước tăng vọt, vượt mức 30.000 ca/ngày?
- 15:06 17-02-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vì sao F0 tăng mạnh những ngày gần đây?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, việc số ca mắc Covid-19 tại TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác tăng vọt là điều đã được dự báo từ trước.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. |
Theo ông, lý do là vì sau khi thực hiện Nghị quyết 128, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường. Mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, biến thể Omicron đã ghi nhận ở nước ta và có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng.
Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vừa qua nghỉ dài, người dân giao lưu, chúc tết, đoàn tụ gia đình nhiều. Thêm vào đó, từ ngày 1/1, chúng ta mở cửa chuyến bay thương mại, du khách đi du lịch Việt Nam, người Việt từ nước ngoài về đón Tết… nguy cơ xâm nhập biến thể Omicron trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nói là người dân đã có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch, 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng.
"Có một bộ phận không nhỏ người bệnh tự phát hiện nhiễm nhưng không khai báo, không tự cách ly cũng dẫn đến làm gia tăng ca mắc. Chưa kể những trường hợp nhiễm không triệu chứng mà không biết cũng là nguồn lây âm thầm trong cộng đồng…", TS Phu nhấn mạnh. "Thích ứng với tình hình mới, chúng ta chấp nhận số ca mắc tăng cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thả lỏng, là chủ quan. Người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập…", chuyên gia khuyến cáo.
Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vừa qua nghỉ dài, người dân giao lưu, chúc tết, đoàn tụ gia đình nhiều cũng là nguyên nhân làm F0 tăng nhanh (Ảnh minh họa). |
Ngay từ trước Tết, dự báo tình hình này, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc về việc tăng cường phòng chống dịch dịp Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội đầu năm. Trong đó nhấn mạnh, việc dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết trong dịp lễ tết đầu năm. Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh nước ta đang dần mở cửa lại các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế xã hội có sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi người thân, việc di chuyển của người dân trở lại làm việc sau Tết... dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng đã cảnh báo nguy cơ dịch bệnh khi thành phố dần mở cửa trở lại các hoạt động thiết yếu sau Tết. Ông yêu cầu các địa phương, đơn vị phải rà soát kỹ nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, đề xuất giải pháp cụ thể để kiềm chế giảm dần số ca từng ngày.
Theo Sở Y tế Hà Nội, mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… dẫn đến nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập. Do đó, cần phải theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để đảm bảo việc phục hồi, phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an ninh y tế.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân hạn chế tập trung đông người. Đối với các địa phương có các sự kiện được phép mở cửa trở lại như Chùa Hương (huyện Mỹ Đức) cần tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm 5K. Các quận, huyện, thị xã có tỷ lệ F0 cao, cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị; tăng cường giám sát, mở rộng xét nghiệm tầm soát đối với các đối tượng nguy cơ cao… Ngoài ra, đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai hiệu quả chăm sóc F0 tại nhà, các túi thuốc điều trị F0…
Mở cửa trường học có khiến dịch lây lan mạnh?
Những ngày số F0 tăng mạnh cũng trùng với thời điểm các trường học trên cả nước bắt đầu mở cửa trở lại, khiến nhiều người lo ngại về việc dịch lây lan mạnh khi trẻ đến trường.
Tuy nhiên, theo BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), chưa chắc khi trẻ đi học trực tiếp nguy cơ lây nhiễm đã cao hơn khi ở nhà.
Theo chuyên gia, trong quá trình đi học, các biện pháp vệ sinh, giãn cách được thực hiện nghiêm ngặt còn hạn chế lây nhiễm hiệu quả hơn (Ảnh minh họa). |
Theo phân tích của chuyên gia này, khi bước vào cuộc sống bình thường mới, xã hội đã hòa nhập, trẻ ở nhà vẫn có thể đi chơi, tiếp xúc với người ngoài nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Trong khi đó, ở trường học, trẻ được giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các biện pháp 5K.
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, không nên quá lo ngại nguy cơ lây nhiễm khi trẻ đến trường, bởi trên thực tế khi trẻ ở nhà vẫn có thể bị lây bệnh. Thậm chí, trong quá trình đi học, các biện pháp vệ sinh, giãn cách được thực hiện nghiêm ngặt còn hạn chế lây nhiễm hiệu quả hơn.
Theo ông, cần kiên định với kế hoạch cho trẻ đến trường. TS Phu nhấn mạnh, việc trẻ phải ở nhà quá lâu cũng gây ra nhiều hệ lụy.
"Trẻ em không được đi học không những thiếu hụt về mặt kiến thức mà còn nhiều vấn đề khác như trầm cảm, nghiện game, chậm biết đọc, biết nói, chậm giao tiếp vì không có tương tác cô trò với nhau. Và hiện nay cũng đang có thực trạng trẻ vẫn đi học tại nhà các thầy cô giáo do không được đến trường cũng đang rất khó quản lý vấn đề an toàn dịch", TS Phu nhấn mạnh.
Tác giả: Minh Nhật và Nam Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí