Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều địa phương cho học sinh mầm non, tiểu học trở lại trường: Xử lý thế nào nếu có F0?

Hôm nay (14/2), nhiều địa phương như Hưng Yên, Cao Bằng, TP.HCM, Long An...) quyết định mở cửa đón học sinh cấp tiểu học và mầm non trở lại trường.

Sau hơn 5 tháng kể từ ngày khai giảng năm học mới, học sinh tiểu học, trẻ mầm non của TP.HCM sáng nay được đến trường học trực tiếp.

Như vậy, bên cạnh gần 700.000 học sinh từ khối 7-12, TPHCM sẽ đón thêm gần 1 triệu học sinh mầm non, tiểu học và lớp 6 tới trường học trực tiếp. Như vậy, sau gần 10 tháng phải tạm dừng đến trường kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, toàn bộ học sinh TPHCM đã được đến trường.

Tại Cao Bằng, học sinh các cấp mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn sẽ trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14/2. Vì vậy, thời điểm này các trường chuẩn bị xong về cơ sở vật chất, dọn dẹp vệ sinh, phun khử khuẩn, đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Hưng Yên, theo kế hoạch, các trường học mở cửa đón học sinh đi học trực tiếp từ ngày 14/2. Đại diện Sở GD&ĐT cho biết, các trường xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp, kịch bản cụ thể để xử lý tình huống khi có ca F0 hoặc dịch bệnh lây lan trong cơ sở giáo dục.

Các trường học tại Hưng Yên sẽ tổ chức dạy học trực tiếp linh hoạt. Một số trường có thể kết hợp dạy học trực tiếp với trực tuyến, điều này sẽ giúp những trường hợp học sinh đang phải cách ly phòng, chống COVID-19 có thể tham dự lớp học trực tuyến, đảm bảo thống nhất chương trình cho các học sinh.

Tại Hải Phòng đã ghi nhận hơn 9.600 học sinh và giáo viên mắc COVID-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sau Tết, nhiều phụ huynh ngại cho con tới trường học trực tiếp. Nhiều người mua dự phòng một số thiết bị y tế, thuốc điều trị COVID-19 tại nhà.

Hôm nay (14/2), trường học các cấp ở Hải Phòng mở cửa trở lại dạy học trực tiếp. Sở GD&ĐT TP Hải Phòng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện đảm bảo dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến an toàn phòng chống dịch. Đồng thời, hoàn tất việc tập huấn kịch bản hướng dẫn, điều trị, xử lý tình huống phát sinh F0 trong quá trình giảng dạy.

Từ 14/2, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận sẽ cho tất cả học sinh đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, Bà Rịa-Vũng Tàu chuẩn bị 1 phòng học trực tuyến cho những em chưa thể đến trường. Còn Bình Thuận sẽ dừng hoạt động tổ chức bán trú trong thời gian 2 tuần đầu.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bắt đầu từ 14/2, toàn bộ học sinh các cấp được tới trường học tập trực tiếp theo kế hoạch, thời khóa biểu của nhà trường, bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19. Sở dự kiến cho học sinh cấp tiểu học học 1 buổi/ngày từ 1-2 tuần mới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú. Trẻ mầm non không tổ chức cho ăn sáng tại cơ sở giáo dục trong giai đoạn này. Trước khi trở lại trường, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh đều phải test nhanh COVID-19.

Với các trường chuyên biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất học sinh nội trú không về nhà hàng tuần mà 2 tuần về 1 lần và được xét nghiệm COVID-19 trước khi trở lại trường. Căn cứ công điện tối 8/2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất toàn tỉnh cho học sinh đến trường trên tinh thần tự nguyện.

Tương tự, từ ngày 14/2, trẻ mầm non, học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ trở lại trường học trực tiếp. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận yêu cầu, căn cứ tình hình dịch tại địa phương (cấp xã/phường) chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp, bắt đầu từ ngày 14/2.

Tại Đồng Nai, từ ngày 14/2 toàn tỉnh tổ chức cho trẻ em mầm non, học sinh và học viên các cấp học đồng loạt đi học trực tiếp trở lại. Sở GD&ĐT tỉnh cùng các trường xây dựng nhiều phương án để đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh vì lý do bất khả kháng không thể đến trường học trực tiếp (học sinh, học viên là F0, F1, thuộc diện cách ly theo quy định của ngành y tế hoặc lý do khác).

Tại An Giang, theo kế hoạch của Sở GD&ĐT tỉnh, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp trở lại. Trước đó, huyện Châu Phú của tỉnh ũng đã tổ chức thí điểm cho học sinh đi học trở lại từ ngày 10/2, hiện tại chỉ phát hiện 1 học sinh bị nhiễm COVID-19 và tổ chức xử lý theo đúng kịch bản đề trước đó.

Sở GD&ĐT tỉnh này cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục lấy mẫu và tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 để chủ động tầm soát, sàng lọc các ca nhiễm một cách tốt nhất.

Với bậc học mầm non, các nhà trường sẽ tổ chức dạy học trên cơ sở tự nguyện của các phụ huynh đưa con đến trường.

Tại Long An, sau bậc THPT, THCS, từ sáng nay (14/2) tỉnh cho phép trẻ mầm non, học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh trở lại trường học trực tiếp trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ.

Để chuẩn bị cho tiểu học và mầm non học trực tiếp (trong đó tiểu học hơn 137.000 học sinh), UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, tập huấn, xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình tổ chức dạy học.

Có đóng cửa trường khi xuất hiện F0?

Sáng nay toàn bộ học sinh bậc tiểu học và lứa trẻ 3-6 tuổi bậc mầm non tại TP.HCM cũng như các địa phương khác cũng đã cho học sinh đi học trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học phòng dịch.

Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp xấu nhất, có nhiều học sinh là F0 thì có đóng cửa trường?

Trả lời báo chí, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết việc việc đóng cửa trường hay không không nói trước được nhưng trong trường hợp xấu nhất, việc đóng cửa trường sẽ là phương án cuối cùng, chỉ bất khả kháng mới tính đến phương án này.

Ông Đức cũng cho rằng, tinh thần chung là phải cố gắng duy trì cho trẻ đến trường, còn việc hoạt động ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức của trường.

Trong trường hợp xấu, nếu trường nào xuất hiện F0, theo ông Dương Anh Đức, sẽ xử lý theo quy trình, hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM. Thậm chí trường nào phát hiện nhiều ca F0 thì xử lý cục bộ trong trường đó, không có chuyện đóng cửa trường học như trước đây.

Với trường THCS Minh Khai (huyện Hoài Đức, Hà Nội) - bà Nguyễn Ngọc Dung, hiệu trưởng nhà trường cho biết, ban giám hiệu nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp được yêu cầu thường xuyên cập nhật tình hình sức khoẻ của học sinh từ phụ huynh trước mỗi ngày học. Những em biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt sẽ được ở nhà theo dõi sức khoẻ và xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được tiếp tục đến trường.

"Trường đặt sức khoẻ và sự an toàn của học sinh lên hàng đầu. Với cách làm cẩn thận thì hy vọng sẽ không có trường hợp học sinh bị mà vẫn đến trường để lây lan cho các bạn", bà Dung nói.

Bà Dung cũng cho rằng, theo hướng dẫn của phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức cho biết, nếu không may phát hiện F0, trường sẽ khoanh vùng từng lớp thay vì đóng cửa toàn bộ, tránh ảnh hưởng hoạt động dạy học và tâm lý của học sinh toàn trường.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc COVID-19?

Trả lời báo chí, TS.BS. Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi trẻ trở lại trường học, cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp.

Cụ thể, trẻ cần được tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; tăng cường sức đề kháng; tránh để trẻ nhiễm lạnh, đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập; Hướng dẫn trẻ vệ sinh bàn tay đúng cách; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác; bỏ rác thải đúng nơi quy định…

Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ...trẻ cần được kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm.

Đặc biệt, nếu trẻ mắc COVID-19, cha mẹ cần theo dõi sát trạng thái của trẻ. Cụ thể, trẻ có thể được điều trị tại nhà khi trẻ vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối như những ngày khỏe mạnh; đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh.

Tác giả: Đỗ Hợp

Nguồn tin: Báo Tiền Phong