Đi học trực tiếp mỗi nơi một kiểu, phụ huynh, học sinh đứng ngồi không yên
- 16:20 12-02-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khi nào con được trở lại trường?
Đó là câu hỏi mà Chí Hiếu – học sinh lớp 6 tại một trường nội thành Hà Nội hỏi mẹ mình trong mấy ngày gần đây. Chí Hiếu chia sẻ, con học cùng trường cấp 2 với anh trai nhưng lớp anh trai được đến trường từ đầu tuần mà lớp con vẫn phải ở nhà học online. "Con chưa được gặp thầy cô và các bạn lần nào từ khi trở thành học sinh cấp THCS. Con mong, lớp con cũng sớm được trở lại trường như lớp của anh".
Sau thời gian quá dài bị "nhốt" ở nhà học online để phòng, chống dịch COVID-19, thì đến nay, các con học sinh đều mong đợi từng ngày đến trường để có những giờ học tập, vui chơi đúng nghĩa.
Không chỉ học sinh mà phía phụ huynh cũng trong tâm thế "thèm" được đến trường cùng con, cùng con làm những điều tưởng chừng như đơn giản và quen thuộc nhất.
Theo chị Kim Hoa, mẹ của Chí Hiếu cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đa phần phụ huynh chúng tôi đều tán thành việc cho trẻ đi học trở lại nhằm thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, tránh cho con trẻ khỏi bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập....
"Cả gia đình tôi đều đã tiêm đầy đủ 2, 3 mũi vaccine và sẵn sàng tâm lý thích ứng an toàn với COVID-19". Tôi mong lắm ngày được đưa con tới trường học trực tiếp, được gặp thầy cô, các bậc phụ huynh và bạn bè của con như những ngày bình thường trước đây. Mong lắm ngày con được trở lại trường để nghe cô giảng bài trực tiếp và con được tham gia các hoạt động tại trường với bạn bè cùng trang lứa... Mong lắm những ngày bình thường…" - chị Kim Hoa tâm sự.
Học sinh mong sớm được tới trường học trực tiếp như những ngày bình thường trước đây. Ảnh minh họa. |
Trẻ chỉ bình thường khi được điều hòa hoạt động
Mới đây, TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục đã công bố số liệu đánh giá về mức độ ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh và học online, dựa trên kết quả nghiên cứu hơn 20.000 học sinh trên toàn quốc khi các em trải qua 6 tháng học trực tuyến.
Kết quả đánh giá, có 65,1% học sinh có biểu hiện stress với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ, trung bình, đến nặng và rất nặng. Trong đó, có 32,9% học sinh ở tình trạng stress nặng và rất nặng; 41,8% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu ở các mức độ khác nhau, trong đó có 14,3% ở mức nặng và rất rặng; 34,4% học sinh có biểu hiện rối loạn trầm cảm ở các mức độ khác nhau, trong đó có 8,3% ở mức nặng và rất rặng.
Để khắc phục tình trạng trên, theo TS. Hoàng Trung Học, một trong những giải pháp hữu hiệu là học sinh cần sớm được đến trường. "Trẻ chỉ bình thường khi được điều hòa hoạt động".
Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều tỉnh thành đã quyết định cho học sinh đi học luôn nhưng mỗi nơi quy định một kiểu. Có nơi, việc đến trường của trẻ lại trở thành gánh nặng cho chính trẻ và gia đình. Theo chuyên gia tâm lý, TS. Vũ Thu Hương, một số địa phương, việc đi học trực tiếp diễn ra vào buổi sáng, còn buổi chiều thì các con vẫn học online ở nhà. Đây là việc hết sức nhiêu khê mà không có giá trị bảo đảm phòng dịch.
Các sở GD&ĐT muốn giảm thời gian học trực tiếp ở trường của trẻ để việc bùng dịch ít khả năng xảy ra. Tuy nhiên, thực tế nếu trẻ đã gặp gỡ nhau trong suốt buổi sáng hay buổi chiều, việc lây nhiễm khó tránh khỏi. Với học sinh đã tiêm phòng, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo 5K. Trong đó, giãn cách vẫn là phương án cần được quan tâm. Thế nhưng, cả lớp học chung với nhau trong cả buổi sáng thì việc lây lan nếu có F0 trong lớp là điều rất khó tránh khỏi.
"Hiện nay, độ phủ vaccine và các biện pháp bảo đảm an toàn đã tốt hơn, phương án học nửa trực tiếp, nửa online là phương án không đem lại bất kể hiệu quả gì cho việc phòng dịch COVID-19 mà lại khiến việc học tập của học sinh gặp khó khăn hơn. Học sinh di chuyển giữa giờ cũng gây ra khó khăn cho cha mẹ. Các trường lo lắng việc bán trú liên quan đến ăn ngủ tại trường sẽ khó giữ an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ đi quán ăn cùng gia đình cũng sẽ phải đối diện với vấn đề này… Đã đến lúc, chúng ta trả lại cho trẻ tất cả những bình thường theo quyền của các em" - TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Tác giả: Đỗ Vi
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống