Số ca mắc mới tăng nhanh, F0 tử vong được duy trì ở ngưỡng thấp
- 08:59 12-02-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tính từ 16h ngày 10/2 đến 16h ngày 11/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 26.471 ca nhiễm mới trong nước tại 62 tỉnh, thành phố.
Số ca mắc mới tại Việt Nam tiếp tục vượt kỷ lục được xác lập trong ngày trước đó. Tốc độ ghi nhận các trường hợp dương tính trong ngày cũng giữ đà tăng nhanh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, số người tử vong do Covid-19 đang cho thấy dấu hiệu chững lại và duy trì ở ngưỡng dưới 100 ca.
Số ca mắc mới tăng cao là điều đã được các chuyên gia y tế dự báo khi mức độ giao lưu, tiếp xúc của người dân nhiều hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong, diễn biến nặng thấp cũng phần nào giảm tải áp lực đặt lên hệ thống y tế.
Hà Nội duy trì số ca mắc mới cao
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tối 11/2, địa phương này vừa ghi nhận thêm 2.908 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Hà Nội đã có tổng cộng 165.817 ca mắc Covid-19 tính từ ngày 29/4/2021 đến nay.
Hà Nội cũng nằm trong nhóm 5 địa phương có số ca mắc Covid-19 tích lũy cao nhất trong đợt dịch lần này, bên cạnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.
|
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 11/2, cho thấy Hà Nội có 69.909 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.
Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.817 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 605 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (giảm 0,7% so với trung bình 7 ngày trước).
Trong đó, 517 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 21 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 24 người thở máy không xâm lấn, 41 ca thở máy xâm lấn, một bệnh nhân được lọc máu và một trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Mới đây, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký ban hành công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Theo đó, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước thành phố về việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trực tiếp tại trường.
Cụ thể, địa phương phải thành lập tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường học trên địa bàn. Tổ công tác do lãnh đạo xã, phường, thị trấn là tổ trưởng. Phê duyệt kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp và kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc Covid-19. Xây dựng các phương án đảm bảo bố trí đủ cán bộ y tế học đường.
Khuyến khích các trường học thành lập nhóm gia đình tự quản học sinh, khoảng 3-5 em/nhóm để phối hợp, nắm bắt tình hình sức khỏe khi học sinh trở lại học trực tiếp.
Tốc độ phát hiện F0 tại TP.HCM tăng nhẹ
Ngày 11/2, TP.HCM ghi nhận thêm 260 ca mắc Covid-19 mới. Trong khoảng một tuần qua, số người dương tính với SARS-CoV-2 tại địa phương này cũng cho thấy dấu hiệu tăng nhẹ khi từ ngưỡng hơn 20 ca (ngày 5/2) đã về mức hơn 200 trường hợp.
Thừa nhận tình hình này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết báo cáo của Sở Y tế cũng cho thấy số ca nhiễm nCoV trên địa bàn thành phố có tăng lên trong thời gian qua. Tuy nhiên, lượng ca diễn biến nặng, tử vong do Covid-19 vẫn ở mức thấp.
|
“Tôi cứ đọc tới, đọc lui xem có đọc nhầm không. Mấy ngày nay ca tử vong tiến về hướng số 0. Đó là kết quả rất đáng mừng", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Bên cạnh đó, hơn 96% công nhân, người lao động trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết cũng là tín hiệu đáng mừng bởi trước đó, TP.HCM lo ngại sự trở lại của người dân sẽ rất "dè dặt".
"Người dân đánh giá là sự chăm lo Tết của thành phố khiến họ cảm thấy có niềm tin chứ không như trước đó. Như vậy, người dân không bỏ thành phố khi chúng ta có trách nhiệm với họ", ông Nên chia sẻ.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng đây là sức mạnh mới để TP.HCM hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022 với tốc độ cao nhất.
Trưa 11/2, thành phố cũng phát hiện thêm 5 ca mắc Covid-19 do nhiễm biến chủng Omicron tại cộng đồng.
Cụ thể, theo báo cáo của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), 5 ca nhiễm biến chủng mới nằm trong số 72 mẫu bệnh phẩm tầm soát ngẫu nhiên tại các bệnh viện.
Trong 5 trường hợp nhiễm này, một người đến từ Nghệ An, 3 trường hợp cư trú tại TP.HCM, một trường hợp di chuyển về Đồng Tháp và quay lại thành phố làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Cả 5 trường hợp này đều đã tiêm đủ vaccine.
Sau khi phát hiện ca nhiễm Omicron, ngành y tế thành phố đã thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc gần (F1) phát hiện có 19 người. Tất cả được làm xét nghiệm nhanh cho thấy có 3 trường hợp dương tính và 16 trường hợp âm tính.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), phân tích yếu tố dịch tễ cho thấy đây là 5 trường hợp mắc Covid-19 do biến chủng Omicron lây nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn thành phố.
Như vậy, tính từ cuối tháng 12/2021 đến nay, TP.HCM đã phát hiện 125 ca mắc biến thể mới Omicron, trong đó 115 ca nhập cảnh, 10 ca trong cộng đồng. Tất cả đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không có ca nặng và tử vong liên quan người mắc chủng mới trên địa bàn thành phố.
Dịch phức tạp dần ở phía Bắc
Bên cạnh Hà Nội, trong số 5 địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 ngày 11/2 trên ngưỡng 1.000, có tới 4 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc gồm Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định.
Nghệ An có ngày thứ 5 liên tiếp đứng thứ 2 cả nước về số ca mắc mới với 1.501 trường hợp dương tính. Cũng trong thời gian này, số người nhiễm nCoV của tỉnh luôn ở mức trên 1.000 ca.
|
Mới đây, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh đánh giá cao sự vào cuộc tích cực và chủ động trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tiêm chủng vaccine cũng như phát triển y tế cơ sở của những đơn vị trong ngành.
Tuy nhiên, ông cho rằng bên cạnh các kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong công tác cách ly y tế, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và tiếp nhận, theo dõi F0 tại nhà, nơi lưu trú. Cùng với đó, do tình hình dịch phức tạp nên một số thời điểm, có đơn vị chưa quan tâm đúng mức về công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật tại tuyến huyện.
Về công tác tiêm chủng, lãnh đạo sở y tế yêu cầu phải đảm bảo 24/24 tất cả điểm tiêm có cán bộ tiêm, các đơn vị phải chủ động tham mưu Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng Covid-19 cấp huyện để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Tại miền Bắc, Hải Dương có ngày thứ 4 liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên ngưỡng 1.000 người với 1.447 trường hợp dương tính. Số lượng này cũng liên tiếp tăng trong thời gian qua, đặc biệt sau Tết Nguyên đán.
|
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Phòng thông tin trong ngày 11/2 ghi nhận 1.511 ca mắc Covid-19. Mặt khác, thành phố đang điều trị cho 22.251 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, số lượng F0 diễn biến nặng, nguy kịch là 130 người.
Thành phố hiện xếp thứ 4 cả nước về số ca mắc Covid-19 trung bình trong 7 ngày qua với 915 trường hợp dương tính mỗi ngày.
Việt Nam coi học sinh là đối tượng cần chăm sóc đặc biệt
Tại lễ công bố chương trình sức khỏe học đường, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ hơn 2 năm xảy ra đại dịch là khoảng thời gian dài đối với tất cả chúng ta, nhất là trẻ em. Nhiều trẻ không được đến trường, ít được vận động ngoài trời, thiếu tương tác xã hội, không được giao lưu với bạn đồng lứa.
Giáo viên và học sinh của trường Marie Curie (Hà Nội) trở lại học trực tiếp từ đầu tháng 2. Ảnh: Thạch Thảo. |
"Đại dịch đã khiến hàng nghìn trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân, không gì có thể bù đắp. Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tinh thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên. Chúng ta cần coi học sinh là đối tượng chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Chăm sóc sức khỏe tinh thần phải ngang bằng với sức khỏe thể chất", Thủ tướng nói.
Từ những hạn chế, khó khăn, thách thức trên, ông giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, triển khai lồng ghép với đề án, chương trình, kế hoạch liên quan nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc toàn diện, đồng bộ về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh.
Về vấn đề mở cửa lại trường học sau hai năm gián đoạn, ông đề nghị Bộ GD&ĐT phải có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, hợp lý để phụ huynh học sinh yên tâm khi trẻ trở lại trường học.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở các vùng miền khác nhau để có phương án dinh dưỡng phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan và địa phương tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 5-12 tuổi an toàn, khoa học, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.
Ông cũng nhấn mạnh chương trình học nên giảm tải, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
Tác giả: Quốc Toàn
Nguồn tin: zingnews.vn