Hà Tĩnh: Hơn 300 người mắc Covid-19, huyện Nghi Xuân truy vết 1.300 F1
- 16:32 11-02-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
16/17 xã, thị trấn có công dân nhiễm Covid-19
Ngày 11/2, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vừa có công điện khẩn gửi Ủy ban nhân dân huyện; Ủy ban MTTQ huyện; các ban, phòng, ngành đoàn thể cấp huyện; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 huyện; Đảng ủy các xã, thị trấn, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc; các đoàn công tác của Ban Thường vụ huyện ủy về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân hiện có 88 người mắc Covid-19. |
Theo báo cáo của huyện Nghi Xuân, dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại 16/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện (trừ xã Xuân Hội).
Từ ngày 29/1 đến nay, trên địa bàn huyện Nghi Xuân có hơn 300 người mắc Covid-19, trong đó nhiều nhất là thị trấn Xuân An 175 người, xã Cương Gián có 88 người, xã Xuân Mỹ 34 người. Đặc biệt, có tới 15 cán bộ, giáo viên và 62 học sinh bị nhiễm Covid-19.
Theo nhận định của chính quyền địa phương, nguyên nhân chính của sự gia tăng đột biến số người mắc Covid-19 trên địa bàn là do lượng người (trên 11.000 người) từ các tỉnh, thành phố trong cả nước về quê ăn Tết và người dân tại nhiều địa phương chưa tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng tập trung đông người như mừng thọ, đám cưới và đi lễ...
Trong nỗ lực kiểm soát bệnh tật, huyện Nghi Xuân đã tiến hành test nhanh cho gần 9.000 lượt người, truy vết được trên 1.300 F1. Đến thời điểm hiện tại, số lượng học sinh tiểu học đến trường đạt trên 95%, học sinh THCS đến trường đạt trên 93%, tỉ lệ các cháu mầm non đến trường đạt trên 35%.
Nhiều người dân chưa tuân thủ quy định đã khiến cho dịch lây lan nhanh. |
Trước tình hình trên, chiều 9/2, ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-9 tại thôn Đại Đồng, xã Cương Gián; các trường tiểu học, mầm non xã Cương Gián và Xuân Mỹ.
Sau khi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các xã, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch bệnh ở Nghi Xuân.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, hiện nay đang mùa lễ hội và sắp tới là Rằm tháng Giêng, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chuyên môn cần tiếp tiếp tục quan tâm công tác phòng chống dịch bệnh tại những khu vực tập trung đông người như: Khu di tích Nguyễn Du, đền Chợ Củi... để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Cơ quan y tế phải vất vả làm xuyên đêm để truy vết F0. |
Xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp ở Hà Tĩnh
Sáng 10/2, ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hà Tĩnh chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 2.912 ca mắc Covid-19, trong đó 1.348 ca cộng đồng, 1.373 ca cách ly, 191 ca phong tỏa. Toàn tỉnh hiện đang điều trị tại cơ sở y tế 114 người và cách ly, điều trị tại nhà 1.579 người.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, xuất hiện một số ổ dịch phức tạp tại Cẩm Duệ, Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên); thị trấn Xuân An, xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân); thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc)… với số người mắc cao và tốc độ lây lan nhanh.
Trên địa bàn huyện Nghi Xuân có 15 cán bộ, giáo viên và 62 học sinh bị nhiễm Covid-19. |
Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có trên 107.000 người ngoại tỉnh về trên địa bàn; tất cả đều được hướng dẫn khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Đến nay, toàn tỉnh đang đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Đối với công dân từ 18 tuổi trở lên, hiện đã có 99% được tiêm mũi 1, 97% người đã được tiêm mũi 2, 39% đã được tiêm mũi 3. Đối với công dân từ 12 - dưới 18 tuổi, có 98% người đã tiêm mũi 1 và 96% người tiêm mũi 2.
Theo dự báo của ngành y tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do ca cộng đồng chưa phát hiện hết, chưa xác định được nguồn lây, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa điểm, lĩnh vực phức tạp; tình trạng tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội, Rằm tháng Giêng, liên hoan, hoạt động tôn giáo... vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.
Ngoài ra, trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm phòng; một bộ phận người dân lơ là, chủ quan, không thực hiện 5K; một số địa phương chưa quyết liệt phòng, chống dịch trong dịp nghỉ Tết, dẫn đến dịch có thể đã lây lan qua nhiều chu kỳ.
Trước nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đơn vị, địa phương đã thảo luận, đề xuất với Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh các giải pháp để kiểm soát, khống chế. Trong đó, cần hạn chế tổ chức các hoạt động đông người sau Tết Nguyên đán; sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, oxy y tế, nhân lực để tiếp nhận điều trị, chăm sóc các trường hợp F0 mức độ vừa trên địa bàn.
Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong trường học; chuẩn bị công tác tiêm vắc-xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi khi có chỉ đạo của Bộ Y tế; có phương án tổ chức giao nhận quân, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Nghi Xuân. |
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số lượng ca bệnh tăng cao, ngoài nguyên nhân số lượng người về quê ăn tết đông và không cách ly y tế công dân về từ vùng dịch thì còn do sự chủ quan, lơ là của một bộ phận nhân dân khi không thực hiện nghiêm 5K, vẫn tập trung đông người. Ngoài ra, còn có cả sự lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch ở một số địa phương.
Việc số ca bệnh tăng cao đã phần nào tác động đến tâm lý xã hội, khiến người dân lo lắng. Chính vì vậy, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần phải tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các địa phương, đơn vị cần tập trung kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch, nhất là 5K và tuân thủ quy định về số người khi tổ chức các sự kiện; xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm.
Tăng cường công tác truyền thông cho người dân trong việc xét nghiệm tự nguyện để phát hiện sớm nguy cơ dịch trong cộng đồng; các địa phương, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh chủ động cung ứng đủ vật tư y tế, nhất là sinh phẩm xét nghiệm để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Tổ chức gọn nhẹ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch sự kiện giao nhận quân đầu năm và phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho các tân binh, xây dựng sớm kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi để khi có vắc-xin sẽ triển khai ngay. Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động đưa ra phương án về tổ chức dạy học bậc tiểu học và mầm non; chủ động xây dựng các khu điều trị F0 trên địa bàn; chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa điểm văn hóa, tâm linh đầu năm...
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn