Đoàn đột xuất kiểm tra, phát hiện cây xăng có hàng nhưng không bán
- 07:36 11-02-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đoàn kiểm tra do Chánh thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long làm trưởng đoàn đã kiểm tra tại một số địa bàn vừa qua có nhiều phản ánh về hiện tượng xuất hiện các biển treo "hết xăng" (Ảnh: Moit) |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký quyết định số 150 thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành của định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.
Ngay sau khi có quyết định, Đoàn kiểm tra do Chánh thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long làm trưởng đoàn đã lên đường vào phía Nam - địa bàn vừa qua có nhiều phản ánh về hiện tượng xuất hiện các biển treo "hết xăng". Ghi nhận ban đầu của đoàn cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, một số đơn vị đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm đã "treo biển hết xăng".
Tuy vậy, theo thông tin từ đoàn kiểm tra, cũng có đơn vị vẫn còn hàng nhưng không mở bán với nhiều lý do khác nhau… Cụ thể, trong buổi chiều 10/2, đoàn bất ngờ kiểm tra cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Hữu Lộc tại ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Trong số 4 trụ cây xăng ở đây, 2 trụ bơm xăng A95 hết hàng nhưng 2 trụ khác vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5 RON 92 trong bể chứa. Tuy nhiên, cửa hàng vẫn treo biển không bán. Chủ cây xăng lý giải do đơn vị đầu mối mới cung cấp hàng nên chưa kịp mở bán.
"Tuy nhiên, với bất cứ lý do gì, tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng là phải truy đến cùng, kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế", Trưởng Đoàn Thanh tra Lê Việt Long cho biết.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đoàn sẽ thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với địa phương, chỉ đạo các đơn vị liên quan theo thẩm quyền để kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết rút giấy phép đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm.
Trước đó, tại cuộc họp của Chính phủ chiều ngày 8/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm dễ ảnh hưởng tới tâm lý người dân và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, mặt hàng này phải được quản lý, điều tiết khoa học, chặt chẽ.
Các công cụ, cơ chế chính sách quản lý thị trường này đã được Chính phủ ban hành, giao Bộ Công Thương thẩm quyền chủ động, điều hành. Vừa qua có hiện tượng nhiều cây xăng nghỉ bán, treo biển hết hàng tại một số địa phương vừa qua, Phó Thủ tướng cho rằng đây là trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình sát sao hơn để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống.
Xăng dầu trước áp lực tăng giá ngày mai Ngày mai (11/2), Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Kỳ điều chỉnh gần đây nhất là vào ngày 1/2 nhưng rơi vào ngày nghỉ Tết nên được lùi sang kỳ điều chỉnh mới. Đây cũng là lý do khiến áp lực về giá cả tăng cao thời gian qua. Dữ liệu Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 7/2 cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng so với kỳ trước. Theo đó các loại xăng đều vượt mốc 100 USD/thùng. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 để pha chế xăng E5 RON 92 là 102,15 USD/thùng, xăng RON 95 là 104,5 USD/thùng. Giá các loại dầu cũng tăng cao, tiến sát về mốc 110 USD/thùng. Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng liên tục trong thời gian vừa qua và đạt mức cao nhất 8 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính là do nhu cầu xăng dầu tăng mạnh, tồn kho giảm mạnh trong khi việc gia tăng sản lượng của OPEC+ gặp khó khăn do việc thiếu đầu tư và một số trục trặc về khai thác. Ngoài ra, theo ông Đông, căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm tăng mạnh giá khí đốt và ảnh hưởng gián tiếp đến giá dầu. Căng thẳng địa chính trị tại các nước sản xuất dầu lớn như Kazakhstan, Libya, Saudi Arabia và Iran ảnh hưởng đến nguồn cung, đẩy giá tăng. "Giá các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước cũng tăng liên tục trong thời gian qua, hiện ở mức 105-109 USD/thùng, tăng 9-10 USD/thùng so với giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu ở kỳ điều hành ngày 21/1/2022), ông Đông cho biết. Do vậy, theo vị này, giá các mặt hàng xăng dầu kỳ điều hành ngày mai (11/2) sẽ dự kiến tăng do đó các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này có xu hướng hạn chế bán ra để chờ giá lên. |
Tác giả: Nguyễn Mạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí