Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người lao động phấn khởi trở lại làm việc sau Tết

Đến ngày 8/2, theo báo cáo của Liên đoàn lao động TP Hà Nội, đã có 97% công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Chỉ một số ít lao động quê xa, chưa kịp trở lại xin nghỉ phép thêm. Con số đó đã phản ánh rõ tâm lý “Tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi” của hầu hết người lao động hiện nay.

Trách nhiệm với công việc

Tâm lý phấn khởi trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới, chị Hoàng Thị Hiếm (công nhân Công ty TNHH TechNic, Khu công nghiệp Thăng Long) cho biết, chị quê ở Na Hang, Tuyên Quang, song chiều tối ngày 5/2 (tức mùng 5 Tết) vợ chồng chị đã có mặt tại Hà Nội để sớm trở lại với công việc. Lý giải cho việc trở lại Hà Nội sớm, chị Hiếm cho hay, năm nay ngày 7/2 là ngày làm việc đầu tiên, tuy nhiên vợ chồng anh chị có con nhỏ nên xuống Hà Nội sớm một hôm để con trẻ được nghỉ ngơi thoải mái.

 Người lao động đã trở lại làm việc đầy đủ từ những ngày làm việc đầu tiên của năm mới.

“Quãng thời gian nghỉ Tết thực sự quý đối với người lao động, nhất là với những lao động xa quê để được đoàn tụ với gia đình, nghỉ ngơi lấy lại sức lực sau một năm lao động. Kỳ nghỉ Tết năm nay dài tận 9 ngày, do đó mình quay lại Hà Nội sớm một vài ngày là hợp lý, bởi thời gian nghỉ như thế là quá đủ rồi.

Vấn đề quan trọng nữa là mình cũng phải có trách nhiệm với công việc bởi hai năm qua dù dịch hoành hành nhưng công ty vẫn luôn quan tâm đến người lao động. Các chế độ lương thưởng, phúc lợi vẫn được đảm bảo nên người lao động cũng cần phải có trách nhiệm với công việc. Công ty có sản xuất ổn định thì mới duy trì được việc làm cho người lao động”, chị Hiếm chia sẻ.

Hơn 10 năm làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Asti (Khu công nghiệp Quang Minh), anh Nguyễn Huy Hùng cho biết, anh quê ở Thanh Hóa nhưng chưa năm nào anh trở lại làm việc muộn so với quy định. Trách nhiệm với công việc theo anh Hùng là vấn đề mỗi người lao động cần phải ý thức.

“Công ty tôi có gần 1.300 lao động, nhưng hơn 10 năm làm việc tại công ty, người lao động chúng tôi luôn được quan tâm, chăm lo về đời sống, việc làm, thu nhập và được đảm bảo mọi chế độ, chính sách. Tết năm nay dù không ít khó khăn nhưng công ty vẫn đảm bảo chế độ lương, thưởng, quà Tết cho công nhân. Lao động ở xa được hỗ trợ xe đưa về quê đón Tết. Chính sự quan tâm, chăm lo, bảo đảm các chế độ, chính sách là động lực để người lao động gắn bó lâu dài và cống hiến hết mình cho sự phát triển của công ty. Cũng chính vì thế, những ngày đầu tiên làm việc của năm mới, chúng tôi đã sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”, anh Hùng cho biết.

Tập trung phục hồi thị trường lao động, giải quyết việc làm

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tính đến ngày 8/2 đã có hơn 90% số doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất, với gần 97% số công nhân lao động trở lại làm việc. Trong những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính và nắm tình hình công nhân, viên chức, lao động sau Tết tại một số công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở. Ghi nhận bước đầu cho thấy, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính. Công nhân, viên chức, lao động chấp hành nghiêm quy định về thời gian trở lại làm việc.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, dịp Tết vừa qua, công nhân, người lao động rất phấn khởi nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, tổ chức công đoàn trong việc bảo đảm tiền lương, thưởng Tết, hỗ trợ kinh phí đưa, đón công nhân về quê đón Tết, cũng như thăm hỏi, động viên những trường hợp không có điều kiện để về quê đón Tết, chung vui cùng với gia đình.

“Để thu hút người lao động quay trở lại làm việc đúng hẹn ngay từ những ngày đầu năm mới, tổ chức Công đoàn đã phối hợp với người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp có chính sách tặng quà, lì xì, hỗ trợ phương tiện đón người lao động ở các tỉnh xa trở lại làm việc… Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội còn yêu cầu doanh nghiệp cùng công đoàn chăm lo, bảo đảm đời sống, việc làm, thu nhập cho người lao động, vừa sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo môi trường an toàn để người lao động, các chuyên gia làm việc hiệu quả nhất”, ông Thường cho biết.

Trong khi đó, theo Sở LĐ,TB&XH Hà Nội, năm 2022, TP Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Những mục tiêu cụ thể đã được đặt ra như: Phấn đấu năm 2022 giải quyết việc làm mới cho 160 nghìn lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,2%...

“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm nay của TP Hà Nội là hỗ trợ phục hồi thị trường lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Do đó, thành phố đã yêu cầu các cấp, các ngành xác định việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động là nhiệm vụ trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động làm trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể phục hồi, phát triển thị trường lao động, vừa tích cực, chủ động trong phòng, chống dịch bệnh. Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực thực hiện có hiệu quả các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội cho biết.

Tác giả: Phan Hoạt

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân