Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục nhưng không đáng lo

Theo các chuyên gia, số ca mắc mới còn tiếp tục tăng nhưng tỷ lệ diễn biến nặng thấp sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống, kinh tế, xã hội.

Theo thông tin tối 8/2 của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 21.909 ca nhiễm mới, trong đó 8 F0 nhập cảnh và 21.901 ca ghi nhận trong nước tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.

Từ hơn 8.500 ca mắc Covid-19 được phát hiện trong mùng 3 Tết, số người dương tính với nCoV tại Việt Nam đã nhanh chóng tăng trở lại vài ngày gần đây.

Hà Nội tiếp tục là nơi có số lượng ca nhiễm trong ngày nhiều nhất với 2.903 F0. Trong khi đó, một số địa phương khác như Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa cũng ghi nhận số lượng F0 mới trong ngày khá cao (khoảng 1.000 trường hợp).

Số ca mắc mới sẽ còn tiếp tục tăng

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khẳng định mức tăng này là bình thường và không đáng lo ngại.

“Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới đến hết ngưỡng mới ngừng lại được. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất thời điểm này là đảm bảo độ phủ vaccine để hạn chế tỷ lệ diễn biến nặng”, vị chuyên gia nói.

Bác sĩ Khanh cũng nhận định trong thời gian tới, dịch Covid-19 sẽ bùng phát ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

 Người dân trở về quê trước Tết Nguyên đán tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho biết số ca mắc Covid-19 mới tại Việt Nam tăng sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là việc đã được dự đoán trước.

Nguyên nhân là việc giao lưu, đi lại của người dân đã tăng cao trong dịp này. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thực hiện nới lỏng, thích ứng linh hoạt hơn với SARS-CoV-2.

“Điều cơ bản là chúng ta cần kiểm soát được lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch cũng như ca tử vong do Covid-19 không tăng cao. Đồng thời, phải chú ý bảo vệ người cao tuổi, nhiều bệnh nền”, ông Phu nói thêm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng số ca mắc mới trong thời gian này chắc chắn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đây là điều chúng ta phải chấp nhận khi sống chung an toàn với SARS-CoV-2. Ngoài ra, nguy cơ cũng không quá lớn.

Theo vị chuyên gia này, với các thành phố lớn như TP.HCM, khi tỷ lệ tiêm chủng đã khá cao, lại vừa trải qua một đợt dịch lớn, khả năng lây lan virus cũng như bùng phát dịch ngay sau đó không nhiều. Tuy nhiên, người dân cùng chính quyền vẫn cần tuyệt đối cảnh giác.

“Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua giống như một đốm lửa nhỏ và có thể bắt cháy. Tuy nhiên, người dân được tiêm chủng rộng tương tự đống củi vừa được tưới ướt. Lúc này, khả năng bắt cháy và bùng dịch được hạn chế rất nhiều. Dẫu vậy, chúng ta vẫn không thể loại trừ khả năng đó và phải cẩn trọng”, PGS Dũng giải thích.

Không chủ quan

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh ý nghĩa của việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh Covid-19 trong thời gian tới. Theo ông, giải pháp duy nhất để chấm dứt dịch Covid-19 là người dân cần cố gắng tiêm vaccine đầy đủ và sớm nhất. Nếu không, số ca mới sẽ tiếp tục tăng, dẫn đến nhiều người diễn biến nặng, tử vong cũng như quá tải hệ thống y tế.

Mặt khác, PGS Đỗ Văn Dũng nhận định trong thời gian tới, việc cần làm vẫn là đảm bảo nguyên tắc 5K khi trở lại cuộc sống bình thường. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tiêm chủng xuyên Tết vừa qua.

Bên cạnh đó, Trưởng khoa Y tế Công cộng của Đại học Y Dược TP.HCM nhận định điều quan trọng nhất để hạn chế nguy cơ bùng dịch là khai báo y tế đầy đủ.

“Dù đã được khuyến cáo trong thời gian qua, việc khai báo y tế của người dân không được thực hiện tốt do ảnh hưởng của Tết. Trong thời gian tới, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề này để người dân thực hiện cách ly, điều trị cũng như được tiếp cận sớm, hạn chế lây lan virus”, PGS Dũng nói.

 Người dân tại Hà Nội quét mã QR khai báo y tế. Ảnh: Thạch Thảo.

PGS Trần Đắc Phu lưu ý khi từ quê trở lại các thành phố lớn, người dân cần thực hiện tốt 5K, tránh lây lan SARS-CoV-2 khi tham gia giao thông.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói thêm: “Bản thân mỗi cá nhân cũng phải chủ động theo dõi sức khỏe của mình. Nếu có các triệu chứng, dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, người dân có thể tự test nhanh hoặc xét nghiệm khẳng định. Tuy nhiên, cần tránh xét nghiệm tràn lan, gây lãng phí hoặc tâm lý tiêu cực không cần thiết”.

Liên quan nguy cơ từ biến chủng mới khi số ca mắc tăng cao, PGS Đỗ Văn Dũng nhận định trên thực tế, Omicron không quá đáng sợ. Diễn biến bệnh do chúng gây ra thường nhẹ. Tuy nhiên, vấn đề của biến chủng này là những người đã tiêm đủ liều vaccine vẫn có nhiều khả năng nhiễm Omicron.

Khi số ca mắc tăng cao, hệ thống y tế vẫn có khả năng bị quá tải, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống cũng như kinh tế, xã hội.

Ông Dũng đánh giá: “Việt Nam đang có kế hoạch phòng, chống dịch trước biến chủng Omicron khá phù hợp. Đó là vẫn khuyến khích người dân thực hiện 5K, chưa thể bỏ ngay 5K ở thời điểm này, đồng thời tăng cường mũi tăng cường vaccine Covid-19 cho người dân".

Tác giả: Quốc Toàn

Nguồn tin: zingnews.vn